Ðiều tiết hợp lý nguồn nước từ hồ thủy điện cho sản xuất nông nghiệp
15/04/2013Đồng ruộng khô nứt, sông, suối cạn kiệt là thực trạng chung ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên những ngày này. Hạn hán hiện đang lên đến cực điểm, một phần do nắng nóng gay gắt kéo dài, mùa mưa kết thúc sớm, nhưng có một nguyên nhân không nhỏ là các hồ chứa thủy điện điều tiết nước không hợp lý.
Hạn trên diện rộng
Mùa mưa năm 2012, ở Trung bộ, Tây Nguyên kết thúc sớm. Trong những tháng từ tháng 12/2012 đến nay, lượng mưa ở khu vực miền trung và Tây Nguyên tiếp tục thiếu hụt nhiều; riêng phía bắc Tây Nguyên cả tháng không có mưa, do vậy tình trạng thiếu nước và khô hạn ở các tỉnh miền trung, Tây Nguyên đang diễn ra gay gắt. Mặc dù, trong tháng 1 và 2/2013, các tỉnh khu vực này cũng xảy ra một số đợt mưa trái mùa, tuy nhiên diện mưa không rộng, lượng mưa ít và không đồng đều, do vậy không cải thiện được tình trạng khô hạn. Ðặc biệt, khô hạn diễn ra gay gắt tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Ðắc Lắc, Ðắc Nông, Gia Lai, Kon Tum... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, miền trung và Tây Nguyên đang trải qua đợt hạn hán nặng nhất trong 10 năm trở lại đây. Diện tích gieo cấy vụ đông xuân tại khu vực này đã phải giảm hơn 4.000 ha vì hạn, đạt 524.344 ha so vụ đông xuân 2012. Thiệt hại nặng nhất là khu vực Tây Nguyên, với gần 75/80 nghìn ha cây trồng đang bị hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, trong đó diện tích mất trắng đã lên đến 4.222 ha. Trong các loại cây trồng bị hạn nặng nhất là cây cà-phê chiếm gần 55 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Ðắc Lắc và Ðắc Nông. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi Ðặng Duy Hiển, nếu thời tiết nắng nóng vẫn tiếp tục xảy ra, nguồn nước tưới bị thiếu hụt, hạn hán tại các tỉnh thuộc khu vực trên, đặc biệt là Tây Nguyên còn tăng thêm khoảng 56 nghìn ha.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh các hồ Ðập Làng, Ðồng Quy và Thủ Thiện, thuộc các xã Bình Nghi, Tây An, huyện Tây Sơn (Bình Ðịnh), Chủ tịch UBND xã Tây An Ðặng Xuân Hoàng cho biết, hiện giờ cả ba hồ trên đều còn rất ít nước. Riêng hồ Thủ Thiện (hồ lớn nhất thuộc huyện quản lý) giờ không còn giọt nước nào. Người dân nơi đây cho biết, theo quy luật, cứ năm năm gặp hạn một lần sẽ phải bỏ vụ hè thu. Nhưng năm nay, hạn hán gay gắt quá, vụ đông xuân vừa rồi gieo cấy khoảng 450 ha phải bỏ tới 220 ha, còn vụ hè thu chưa biết thế nào. Nếu thời tiết cứ thế này chắc phải bỏ toàn bộ diện tích không gieo trồng vụ hè thu. Cũng như Bình Ðịnh, tỉnh Ðắc Nông đến nay cũng có hơn 1.500 ha cây ngắn ngày và 9.000 ha cà-phê bị hạn, trong đó 2.000 ha cà-phê không còn nước để tưới. Còn tại huyện Kbang (Gia Lai), hạn hán đã gây thiệt hại nặng nề cho chín xã, với tổng diện tích cây trồng của 2.046 hộ bị thiệt hại lên tới gần 700 ha. Nhiều vùng trên địa bàn người dân đã bỏ ruộng không sản xuất vì không có nước.
Chủ hồ kiên quyết... giữ nước
Hạn hán ngày càng diễn ra gay gắt do tác động của biến đổi khí hậu. Những mức kỷ lục liên tục được ghi nhận, hạn hán năm sau khốc liệt hơn năm trước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khu vực nào có sự điều tiết hợp lý của các hồ chứa thủy điện thì mức độ thiệt hại do hạn hán giảm đáng kể. Tại đồng bằng sông Hồng, với sự điều tiết của các hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và Sơn La đã xả hơn bảy tỷ m³ xuống hạ du phục vụ sản xuất vụ đông xuân.
Nhưng không phải tất cả các hồ chứa thủy điện đều sẵn sàng chia sẻ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Ðỉnh điểm của việc hồ chứa thủy điện không xả nước cứu hạn gây bức xúc là đại biểu Quốc hội Ðà Nẵng đã gửi kiến nghị về việc Nhà máy thủy điện Ðác Mi 4 không chịu xả nước cứu vùng hạ du Ðà Nẵng và Quảng Nam. Mặc dù trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có công văn chỉ đạo chủ đầu tư thủy điện Ðác Mi 4 phải xả nước 25 m³/giây nhưng nhà máy này vẫn không thực hiện.
Tại huyện vùng sâu Krông Nô (Ðắc Nông), vụ đông xuân 2012 - 2013 gieo trồng 3.841 ha cây trồng các loại và 15.800 ha cà-phê. Hầu hết diện tích các loại cây trồng này đều phụ thuộc vào nguồn nước tưới của sông Krông Nô. Tuy nhiên, kể từ khi Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah được xây dựng ở thượng nguồn sông Krông Nô đến nay, hằng năm vào mùa khô do nhà máy thủy điện này chặn nước để phát điện khiến cho tình trạng khô hạn trên địa bàn diễn ra hết sức gay gắt. Thời kỳ cao điểm của mùa khô năm nay, hầu hết các con sông, suối, hồ, đập thủy lợi trên địa bàn huyện đều cạn kiệt nguồn nước. Tuy nhiên, thời điểm này Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah cũng chặn nước để phát điện khiến dòng sông Krông Nô cạn nước, trơ đáy làm hàng nghìn ha cây trồng ở hạ lưu bị hạn nặng.
Ðể cứu cây trồng đang bị chết cháy, UBND xã Quảng Phú phải huy động 200 người dân đào đất, xúc cát vào bao tải mang ra chặn sông Krông Nô để nước dâng lên cho trạm bơm hoạt động, cứu lúa. Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Ngô Xuân Lộc bức xúc: Từ tháng 2 đến nay, do Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah không xả nước theo đúng cam kết ban đầu, khiến phía hạ lưu sông Krông Nô luôn bị khô cạn. Theo kế hoạch điều tiết nước, mỗi ngày nhà máy phải xả 11 đến 12 tiếng, với lưu lượng 62 m³/giây nhưng thực tế mỗi ngày chỉ xả tối đa 7 đến 8 giờ và lưu lượng cũng giảm xuống rất nhiều. Do vậy, năm trạm bơm phía hạ lưu dọc sông Krông Nô không có nước hoạt động, khiến hàng trăm ha cây trồng thiếu nước trầm trọng. Nếu trong 20 ngày tới vẫn không có mưa, nắng nóng tiếp tục kéo dài thì diện tích cà-phê bị hạn nặng sẽ lên tới 4.000 ha và sẽ giảm 50% năng suất.
Trong đợt đi kiểm tra và chỉ đạo công tác chống hạn ở Ðắc Nông, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đề nghị UBND tỉnh Ðắc Nông làm việc và yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị quản lý Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah) xả nước cứu cây trồng theo đúng cam kết. Tuy nhiên, theo UBND huyện Krông Nô đến cuối tháng 3, Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah vẫn chưa xả nước theo đúng cam kết với tỉnh. Bên cạnh đó, việc đóng, xả nước của Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah làm cho dòng chảy của sông Krông Nô không còn tự nhiên mà lúc đầy, lúc cạn khiến hai bên bờ sông bị sạt lở nặng.
Ngày 13/9/2010, Ban Quản lý dự án thủy điện An Khê - Ka Nak (Ban Quản lý dự án thủy điện 7) chặn dòng, tích nước hồ chứa thủy điện. Ban Quản lý dự án thủy điện 7 đã cam kết điều hòa lượng nước phù hợp để tránh tình trạng khô hạn trong mùa khô và lũ lụt trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những cam kết trên vẫn chưa được giải quyết. Sông Ba gần như cạn kiệt, kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng do bị nắn dòng, lượng nước chủ yếu đổ về sông Kôn (Bình Ðịnh). Lượng nước quá ít đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống sản xuất và sinh hoạt của hơn 300 nghìn người dân sinh sống dọc sông Ba, và theo tính toán, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tại đây khoảng 14 triệu m³/năm và nhu cầu nguồn nước phục vụ cho sản xuất hơn 300 tỷ m³.
Cần giải pháp ổn định, lâu dài
Không thể phủ nhận, việc phát triển thủy điện có vai trò quan trọng trong việc ổn định an ninh năng lượng quốc gia, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các công trình thủy điện trên sông Ba khi vận hành hòa vào lưới điện quốc gia, hằng năm cung cấp sản lượng điện trung bình 2,16 tỷ kWh, riêng sản lượng điện cho tỉnh Gia Lai là 1,3 tỷ kWh. Tuy nhiên, với những hệ lụy "hậu thủy điện" mà người dân đang phải gánh chịu, các doanh nghiệp không thể làm ngơ mà cần phải nâng cao trách nhiệm dựa trên phương châm: Gắn lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của người dân thì việc làm trên mới mang ý nghĩa xã hội thiết thực.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) Ðặng Duy Hiển cho biết, nhằm chủ động chống hạn tại các tỉnh miền trung và Tây Nguyên, trước mắt, Tổng cục Thủy lợi chỉ đạo các địa phương trên nạo vét kênh mương và làm thủy lợi nội đồng, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, tăng nguồn nước bơm tát, tiếp tục khơi sâu giếng nước cũ, lắp đặt các trạm bơm điện, bơm dầu dã chiến. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo các địa phương tập trung giải quyết nước tưới để cứu diện tích cà-phê bị hạn nặng bằng đào ao, giếng hoặc khoan các giếng dọc theo các khe suối là các khu vực có nước ngầm, tăng cường các máy bơm để bơm tưới. Ðồng thời có chính sách hỗ trợ người dân nạo vét các công trình thủy lợi, khuyến khích tưới tiết kiệm để bảo đảm nguồn nước hiện có, không chỉ chống hạn cho vụ đông xuân mà còn tính đến nước tưới cho vụ tới. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 519/QÐ-TTg trích 457,4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2013 hỗ trợ 32 địa phương khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ đông xuân 2012 - 2013.
Các biện pháp cấp bách trước mắt nhằm chống hạn vụ đông xuân và chủ động sản xuất vụ hè thu đã được các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương gấp rút thực hiện. Nhưng tất cả mới là giải pháp tình thế. Cần có một cơ chế, chính sách và cách làm lâu dài, mang tính bền vững để điều tiết hợp lý nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện, tránh tình trạng điều hành mang tính tạm thời như hiện nay và điệp khúc khi mùa khô lại hạn thêm, mùa mưa lại úng tiếp tục diễn ra.
Theo nhandan
Ý kiến góp ý: