“Mỗi làng một sản phẩm” - Hướng phát triển bền vững cho làng nghề nông thôn
15/12/2010Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” đã góp phần vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, khai thác có hiệu quả nguồn lực tự nhiên, bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc và phát triển triển nông thôn bền vững.
Ngày 14/12, hơn 500 đại biểu đến từ 14 quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Uganda, Malawi, Indonesia, Malaysia, Kenya… cùng đại diện các Bộ, ngành, cơ quan quản lý, nghiên cứu, địa phương, làng nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn trong cả nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã tham dự Hội thảo quốc tế “Mỗi làng một sản phẩm” lần thứ VII tại Hà Nội.
Dựa trên nguyên tắc “Hành động địa phương, suy nghĩ toàn cầu; tự tin sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực; phát huy các nguồn lực địa phương, phát triển ngành nghề nông thôn ở cấp làng xã, huyện”, phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) xuất phát từ làng Oita – Nhật Bản cách đây hơn 30 năm đã đạt được những thành công lớn và đã lan tỏa ra rất nhiều nước, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới trong phát triển nông thôn. Trong bối cảnh hiện nay, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề, góp phần thiết thực triển khai có hiệu quả Nghị quyết TƯ 26 về nông nghiệp - nông dân - nông thôn cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn (2010-2020) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đến từ các quốc gia đã trình bày kinh nghiệm, cùng thảo luận để đưa phong trào OVOP phát triển trên toàn thế giới. Trong đó có bảo tồn và phát triển làng nghề ở Việt Nam; Kinh nghiệm phát triển ngành nghề nông thôn và phong trào mỗi làng một sản phẩm của Malaysia, Trung Quốc; Định hướng nhu cầu OVOP – Cái nhìn từ việc giúp đỡ lẫn nhau trong khu vực nông thôn ở Kenya; Sử dụng Chương trình OVOP để phát triển các cụm công nghiệp ở Uganda; Những thách thức và lợi ích trong việc trợ giúp marketing đối với sản phẩm OVOP của Malawi… Tại Việt Nam, hiện có hơn 2.000 làng nghề, hầu hết làng nghề có quy mô nhỏ và vừa. Trong đó, làng nghề có quy mô nhỏ chiếm trên 60% và làng nghề quy mô vừa khoảng 36%, còn lại số làng nghề có quy mô lớn chiếm không quá 4%. Có 3 vùng phát triển làng nghề với số lượng lớn là đồng bằng sông Hồng (43%), Tây Bắc (12,2%) và đồng bằng sông Cửu Long (10,5%). Một số nghề có số lượng làng vượt trội như: nghề mây tre đan với trên 710 làng nghề (chiếm hơn 24%), nghề dệt vải có trên 430 làng (14,5%), chế biến gỗ có gần 345 làng (11,5%), thêu ren có khoảng trên 340 làng (11,5%)… Theo Bộ NNPTNT, thu nhập của người lao động tham gia vào nghề phi nông nghiệp thường cao gấp 3-4 lần so với lao động nông nghiệp. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong các làng nghề là 3,7%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước. Do đó, việc xây dựng và thực hiện chương trình OVOP là việc làm cần thiết và quan trọng, có mục đích thúc đẩy phát triển các làng nghề ở Việt Nam hiện nay phát triển theo hướng chuyên nghiệp vào một, hoặc một vài sản phẩm đặc sắc của địa phương để tạo sức cạnh tranh cao nhất trên thị trường sản phẩm thủ công nghiệp làng nghề Việt Nam và đưa ra giới thiệu với thế giới. Để làm được điều này, Bộ NNPTNT đã đưa ra những giải pháp hỗ trợ như thành lập các trung tâm phát triển làng nghề trên địa bàn; phát triển các hoạt động tư vấn về kỹ năng nghề và tổ chức sản xuất tại các làng nghề; hỗ trợ xây dựng dự án phát triển làng nghề theo hướng mở các lớp đào tạo truyền nghề tại làng; hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển sản xuất nguyên liệu đặc thù cho các ngành nghề thủ công; hỗ trợ một phần chi phí đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên cơ sở có sự tham gia của các cơ sở sản xuất nghề tại khu vực hưởng lợi của dự án… Theo Giáo sư Morihiko Hiramitsu – người đã khởi xướng phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” tại làng Oita Nhật Bản cách đây hơn 30 năm, Việt Nam có nhiều làng nghề có thể tạo ra sản phẩm mang thương hiệu toàn cầu. Giáo sư Morihiko Hiramitsu cũng cho rằng, điều cốt yếu nhất của phong trào này không phải là tạo ra các sản phẩm quà tặng để bán cho du khách mà cần tạo ra các sản phẩm đặc trưng để tiêu thụ trong nước và hướng đến tầm quốc tế. Lãnh đạo địa phương phải thực sự quan tâm để phát triển làng nghề, cùng với người dân tạo ra thương hiệu cho sản phẩm. Triển khai các lớp hướng dẫn, tập huấn, hội thảo, hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm và tổ chức phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, cần phát huy sự sáng tạo của người dân địa phương, để họ tự nhận thức được rằng phát triển làng nghề ngay chính quê hương mình chính là thế mạnh. Theo chinhphu.vn
Ý kiến góp ý: