TextBody
Huy chương 2

1.000 tỷ để xây 'chòi chống lũ' cho miền Trung

10/12/2013

Mới đây, trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã cung cấp thông tin về mô hình chòi chống lũ cho đồng bào nghèo và đề nghị Quốc hội ủng hộ để chương trình được nhanh chóng triển khai rộng khắp.

Tuy nhiên, bên cạnh những quan điểm đồng tình vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của đề án. Nhiều chuyên gia cho rằng, biện pháp này chỉ mang tính chắp vá nhất thời, giúp giải quyết được phần ngọn. PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Giám đốc viện Khoa học thủy lợi Việt Nam để cùng mổ xẻ vấn đề này. 

Giải pháp mang tính nhất thời

- Theo Thứ trưởng Nam, bộ Xây dựng đã thí điểm làm 700 căn chòi chống lũ cho đồng bào các tỉnh miền Trung. Làm xong thì lũ đến, kết quả là toàn bộ 700 căn đều vững vàng, người dân an toàn. Rõ ràng, mô hình chòi chống lũ đã phát huy tương đối hiệu quả, thưa ông?

- Nếu nói về mô hình chòi chống lũ, tôi nghĩ áp dụng tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long sẽ hợp lý hơn. Vì khu vực đó địa hình tương đối bằng phẳng, trong khi miền Trung địa hình chia cắt, lại khác biệt về cao trình nên có rất nhiều vị trí cao để người dân tránh lũ. Chỉ có điều chúng ta phải biết mực nước lũ đạt tới cao trình nào. Trước khi lũ tới người dân di chuyển lên những gò, đồi cao hơn mực nước lũ, như vậy sẽ an toàn không chỉ lũ mà cả khi có bão xuất hiện đồng thời. Theo tôi, đây không phải giải pháp hay, chỉ mang tính chắp vá nhất thời, vừa không giải quyết triệt để bài toán chống lũ vừa gây lãng phí tiền bạc của nhân dân.

PGS.TS. Lê Mạnh Hùng.

- Với cấu tạo chẳng khác gì “lồng chim cỡ lớn”, liệu chòi chống lũ có giúp người dân thoát khỏi thủy thần, thưa ông?

- Cần phải hiểu rằng, thời tiết miền Trung vô cùng khắc nghiệt, chòi tránh được nước lũ nhưng chắc gì đã chịu được sức quật của gió, bão. Hơn nữa, trong hoàn cảnh lũ kéo dài, liệu những điều kiện tối thiếu như nước uống, sinh hoạt có đáp ứng được hay không.

Hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa

- Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng đang tư duy theo kiểu “bịt lưới”. Nói một cách khôi hài, nay xây “chòi” chống lũ, mai lại làm “hang” tránh bão?

- Theo tôi, trong thời đại này, chúng ta phải nghĩ đến những biện pháp hiện đại, chuẩn mực và khoa học hơn. Tôi nghĩ, có rất nhiều giải pháp giúp bảo vệ cuộc sống của người dân trước bão, lũ. Tại sao chúng ta không nghĩ đến chuyện xây dựng và hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa, dự báo chính xác thời điểm mưa lũ về hồ. Khi lũ chuẩn bị về phải tiến hành xả nước trước để đón lũ. Trong quá trình hồ đang xả lũ, mưa cũng về và không bị chồng nhau. Dưới khu vực hạ lưu phải xây dựng vùng bao của hành lang thoát lũ, kịp thời cảnh báo cho bà con mỗi khi tiến hành xả lũ...

- Theo Thứ trưởng Nam, chi phí cho việc xây dựng này hết khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, theo tin từ bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình sau mỗi đợt mưa lũ chúng ta phải hỗ trợ đồng bào khoảng 2.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu chúng ta bỏ tiền ra trước mà đảm bảo an toàn cho dân vẫn tốt hơn. Ông nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi, cần phải hiểu rõ, chi 2.000 tỷ đồng ở đây là chi cho việc gì. Chắc chắn là rất nhiều thứ. Ngoài khắc phục hậu quả của lũ lụt, phải chi cho việc khôi phục mùa màng, khắc phục hạ tầng bị tàn phá... Còn việc xây chòi tránh lũ chỉ góp phần bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân chứ không bảo vệ được của cải, tài sản của họ. Do đó, con số 2.000 tỷ đồng này khác hẳn với 1.000 tỷ trên. So sánh như thế chưa lột tả hết được bản chất của vấn đề.

- Về lâu dài, cần có những giải pháp gì để giúp đồng bào miền Trung đương đầu với sóng to gió cả, thưa ông?

- Trước mắt, chúng ta cần xem xét, kiểm tra lại tất cả các hồ chứa. Những hồ chứa nào ở phía hạ lưu khi xả lũ mà ảnh hưởng đến đời sống của bà con thì phải xây dựng lại quy trình vận hành và yêu cầu đơn vị quản lý thực hiện trung thực như thế. Bên cạnh đó, cần xây dựng hành lang thoát lũ ở phía hạ lưu, kịp thời cảnh báo cho người dân khi xả lũ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Phải tính đến khả năng bền vững khi vừa có lũ vừa có bão

Trao đổi với PV, PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (bộ Xây dựng) nhận định, đối với một giải pháp phòng chống lũ thì không chỉ tính đến bài toán chọn điểm cao để tránh ngập nước. Quan trọng là căn chòi đó có chịu được tác động của dòng nước hay không. Đặc biệt phải tính đến khả năng bền vững khi vừa có lũ vừa có bão. Cũng cần phải nói thêm, địa hình miền Trung ngắn và dốc, cường độ lũ thường rất lớn. Do đó, việc xây chòi chống lũ phải tính đến những dạng kết cấu bền vững vừa chịu được tác động của dòng nước, chịu được tải trọng lớn vừa phải thoát hiểm an toàn.

Anh Đức (thực hiện)

 

Ý kiến góp ý: