4 hồ thủy điện phối hợp chống lũ, phát điện
15/06/2010Từ hôm nay, 15/6/2010 đến 15/9/2010, hồ Sơn La phải điều tiết đảm bảo an toàn công trình, các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà phải điều tiết để phục vụ chống lũ và phát điện theo thứ tự ưu tiên.
Đây là quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà trong mùa mưa lũ năm nay được Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Quyết định 80/2007/QĐ-TTg ngày 1/6/2007.
Cụ thể, nội dung thứ tự ưu tiên được xác định theo quyết định mới bao gồm: Đảm bảo an toàn công trình; đảm bảo an toàn chống lũ cho hạ du và đảm bảo an toàn phát điện.
Trong việc đảm bảo an toàn công trình, ngoài đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, Quyết định mới quy định rõ, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối thủy điện Sơn La, chủ động đề phòng mọi bất trắc, với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 200 năm một lần không được để mực nước hồ Sơn La vượt cao trình 183,58m trước ngày 1/8 và cao trình 190m từ ngày 1/8.
Hồ thủy điện Sơn La đã chính thức tích nước vào ngày 15/5, chuẩn bị cho việc vận hành tổ máy số 1 vào cuối năm nay. Do vậy, Quyết định cũng bổ sung các chỉ tiêu kỹ thuật, chế độ vận hành... liên quan đến hồ thủy điện Sơn La.
Các chỉ tiêu kỹ thuật được sử dụng để lập quy trình tại hồ Sơn La là: Cao trình mực nước hồ cao nhất trong mùa lũ năm 2010 khi xả lũ bảo vệ công trình trước ngày 1/8/2010 là 183,58m; từ ngày 1/8/2010 là 190m.
Điều tiết các hồ trong thời kỳ lũ sớm, lũ chính vụ và lũ muộn
Cao trình mực nước trước lũ các hồ trong thời kỳ lũ sớm không được vượt quá quy định: Hồ Hòa Bình 104m (cao hơn 6m so với quy định cũ), hồ Tuyên Quang 105,2m, hồ Thác Bà 56m, còn hồ Sơn La là hồ tự điều tiết.
Tương ứng với việc thay đổi cao trình mực nước trước lũ của hồ Hòa Bình, chế độ vận hành hồ Hòa Bình trong thời kỳ lũ sớm cũng có sự thay đổi. Theo đó, từ ngày 1/7 nếu không cắt lũ, bắt đầu điều tiết để đưa dần mực nước hồ về mực nước trước lũ của thời kỳ lũ chính vụ, sao cho đến ngày 16/7 mực nước hồ nằm trong phạm vi 97,7m÷101,3m (trước là 90m÷94m). Khi dự báo mực nước sông Hồng tại Hà Nội vượt quá 10,5m trong 24 giờ tới, được sử dụng dung tích hồ trong khoảng cao trình 104m÷106m (trước là 98m÷102m) để cắt lũ, giữ mực nước sông Hồng tại Hà Nội không vượt quá 10,5m. Khi dự báo mực nước sông Hồng tại Hà Nội vượt quá 11,5m trong 24 giờ tới, được sử dụng tiếp dung tích hồ trong khoảng cao trình 106m÷108m (trước là 102m÷105m) để cắt lũ, giữ mực nước sông Hồng tại Hà Nội không vượt quá 11,5m.
Còn đối với hồ Sơn La, các cửa xả sâu mở hoàn toàn, hồ tự điều tiết.
Không chỉ quy định chung cao trình mực nước trước lũ trong cả thời kỳ lũ chính vụ, Quyết định mới quy định cụ thể cao trình mực nước trước lũ và chế độ vận hành các hồ trong thời kỳ lũ chính vụ tại hai thời điểm: trước 1/8 và từ 1/8. Cụ thể:
Tên hồ | Sơn La | Hòa Bình | Tuyên Quang | Thác Bà |
Cao trình mực nước trước 1/8 (m) | 172 | 97,7÷101,3 | 105,2 | 56 |
Cao trình mực nước từ 1/8 (m) | 179 | 97,7÷101,3 | 105,2 | 56 |
Trong thời kỳ lũ muộn, khi mực nước hồ Sơn La đã ở cao trình 179m, nếu xảy ra lũ muộn, được xả xuống hạ du lưu lượng bằng lưu lượng đến, giữ mực nước hồ không vượt quá 179,3m.
Các hồ phối hợp chống lũ và phát điện
Sự phối hợp giữa các hồ trong việc điều tiết đảm bảo chống lũ và phát điện cũng có sự thay đổi. Theo đó, thời kỳ lũ chính vụ, hồ Hoà Bình bắt đầu điều tiết chống lũ cho hạ du khi dự báo mực nước sông Hồng tại Hà Nội vượt cao trình 11,5 m. Hồ Tuyên Quang và hồ Thác Bà tham gia điều tiết chống lũ cho hạ du khi dự báo trong 24 giờ tới mực nước sông Hồng tại Hà Nội vượt cao trình 12 m và mực nước hồ Hòa Bình vượt cao trình 108,3 m; hoặc khi mực nước tại Hà Nội vượt cao trình 12,8 m. Hồ Thác Bà tham gia điều tiết chống lũ cho hạ du khi dự báo trong 24 giờ tới mực nước sông Hồng tại Hà Nội vượt cao trình 13,1 m.
Theo chinhphu.vn
Ý kiến góp ý: