5 điểm khác biệt cơ bản trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020
25/10/2011Dự thảo về Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 đang được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, chiến lược được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong hiệu quả của tổ chức, hoạt động và quản lý khoa học và công nghệ (KH&CN), làm cho KH&CN thật sự trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
Cơ sở pháp lý đã thiết lập, giờ là lúc cụ thể hoá
Trong giai đoạn 2001-2010, chúng ta đặt mục tiêu rất quan trọng là thiết lập được nền tảng pháp lý cho các lĩnh vực KH&CN. Về cơ bản, chúng ta đã thành công trong việc ban hành 8 đạo luật cơ bản liên quan đến tất cả các lĩnh vực hoạt động KH&CN, từ tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử và công nghệ cao. Đối với giai đoạn 2011, với nền tảng pháp lý đã được thiết lập, nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là tổ chức đưa các đạo luật này vào cuộc sống (bằng việc xây dựng các văn bản dưới luật), đồng thời tổ chức các chương trình quốc gia về các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của KH&CN, ví dụ như Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020, Chương trình hỗ trợ tài sản trí tuệ, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông thôn miền núi, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao. Với một hệ thống các chương trình quốc gia như vậy những ý tưởng, mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 sẽ được cụ thể hóa.
Hình thành hệ thống DN KH&CN.
Điểm khác biệt thứ hai là việc giao quyền tự chủ và tạo hành lang thuận lợi nhất cho các tổ chức KH&CN, hình thành hệ thống DN KH&CN. Mặc dù ý tưởng này đã được nêu ra trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, nhưng giai đoạn vừa qua, chúng ta mới chỉ ban hành được những văn bản mang tính nguyên tắc. Còn bây giờ là lúc chúng ta phải bắt tay vào việc xây dựng được một hệ thống DN KH&CN với số lượng mà theo chỉ đạo của Thủ tướng là đến năm 2015 phải có khoảng 3.000 đến năm 2020 là từ 5.000-10.000 DN KH&CN và đây sẽ là một nguồn lực sản xuất mới trong nền kinh tế. Toàn bộ các tổ chức KH&CN công lập sẽ chuyển sang hoạt động theo cơ chế của DN, tức là cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao nhất để phát huy tối đa sức sáng tạo của các nhà khoa học và nâng cao hiệu quả của hoạt động KH&CN.
Đổi mới cơ chế tài chính
Điểm khác biệt thứ ba là đổi mới cơ chế tài chính cũng như chính sách trọng dụng và sử dụng cán bộ. Trong dự thảo Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, chúng ta phải đặt trọng tâm là làm thế nào cơ chế tài chính KH&CN phải thoát ra khỏi cơ chế hành chính, phải đáp ứng được đặc thù của KH&CN, tạo điều kiện thông thoáng nhất cho các nhà khoa học, tạo quyền tự chủ cao nhất cho các tổ chức KH&CN, đồng thời phải có chính sách trọng dụng cán bộ KH&CN, xây dựng bằng được các tập thể khoa học mạnh, các viện nghiên cứu có trình độ tương đương khu vực và thế giới. Đặc biệt, phải có đội ngũ cán bộ đầu ngành, các tổng công trình sư hoặc các chuyên gia khoa học cao cấp, để có thể tạo ra được những sản phẩm khoa học, đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế cũng như của hội nhập quốc tế.
Đối với cơ chế khoán trong nghiên cứu, vốn đã được các nhà khoa học nêu ra nhiều lần và các Bộ ngành cũng đã nghiên cứu, cũng cần phải đổi mới. Hiện nay, đầu tư cho khoa học chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước, có nghĩa là từ nguồn thuế, nên phải tuân thủ Luật Ngân sách Nhà nước về mức thu - chi, thanh quyết toán theo đúng quy định. Điều đó làm cho các nhà khoa học cảm thấy quyền tự chủ của mình chưa được triệt để. Nếu được áp dụng, cơ chế khoán sẽ tạo thuận lợi cho các nhà khoa học. Khi Đề án đổi mới cơ chế tài chính về KH&CN của Thủ tướng Chính phủ thông qua, một số vấn đề về cơ chế khoán sẽ được giải quyết.
Tập trung vào công nghệ thông tin và công nghệ sinh học
Điểm khác biệt thứ tư đó là những sản phẩm cụ thể của ngành khoa học. Trong chiến lược trước đây, chúng ta đã đặt ra bốn lĩnh vực công nghệ cao, chúng ta nên tập trung vào hai lĩnh vực là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Đây là hai lĩnh vực phù hợp với năng lực của đội ngũ nghiên cứu, với tình hình thực tế của đất nước. Về cơ bản, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp nên công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp và y tế sẽ vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công nghệ thông tin cũng rất phù hợp với tình hình cụ thể của nước ta vì đây là lĩnh vực mà không cần đầu tư quá lớn về hạ tầng, đồng thời là lĩnh vực mà nguồn chất xám của người Việt Nam chúng ta cũng có tố chất đáp ứng được,
Đội ngũ quản lý khoa học có trình độ cao so với khu vực
Điểm khác biệt cuối cùng, là chúng ta phải có đội ngũ quản lý khoa học có trình độ cao so với khu vực. Hiện nay, các cán bộ quản lý khoa học vẫn làm theo kinh nghiệm và vẫn chưa có một đội ngũ được đào tạo một cách căn bản. Theo định hướng của Chính phủ, chúng ta sẽ xây dựng những đề án đào tạo theo ê kíp những tập thể quản lý và những tập thể khoa học mạnh, theo hướng bồi dưỡng, đào tạo ở trong nước và cả ở nước ngoài. Ví dụ như ê kíp về ghép tạng, ê kíp về thiết kế vi mạch, ê kíp về thiết kế đóng tàu hoặc ê kíp về quản lý viện khoa học. Khi được bồi dưỡng một cách đồng bộ ở những cơ sở có uy tín, tiếp thu được những kinh nghiệm chuyên môn về quản lý, họ có thể trở thành một tập thể khoa học rất mạnh và làm chủ được công nghệ mới, làm chủ được quy trình quản lý và tạo dựng được những trung tâm nghiên cứu, cho ra đời những sản phẩm có chất lượng cao./.
Theo VEN.vn
Ý kiến góp ý: