TextBody
Huy chương 2

Giải pháp thực hiện

1. Sớm hoàn thiện tổ chức bộ máy

a) Xây dựng và trình Bộ phê duyệt đề án hoàn chỉnh bộ máy, tổ chức của Viện và các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn và hoạt động hiệu quả để tổ chức thực hiện;

b) Các đơn vị thuộc Viện xây dựng và trình Bộ phê duyệt đề án phân định rõ các bộ phận nghiệp vụ, chuyên môn, đề xuất việc điều chỉnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy hợp lý, thống nhất.

2. Đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nguồn nhân lực

a) Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo hướng đồng bộ, cân đối về cơ cấu trên từng lĩnh vực, chuyên ngành, phù hợp với sự phát triển của từng đơn vị và định hướng chung của Viện. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, với các cơ sở đào tạo của ngành, với hợp tác quốc tế, chú trọng tới đào tạo chuyên sâu, đào tạo chuyên gia đầu đàn. Tạo cơ chế thu hút chuyên gia giỏi ở các đơn vị trong nước và tổ chức quốc tế phối hợp nghiên cứu, đào tạo. Có chế độ khuyến khích, đãi ngộ người tài, người tạo ra công nghệ;  

b) Rà soát, điều chỉnh quy chế tuyển dụng cán bộ phù hợp với yêu cầu phát triển Viện với các tiêu chí cụ thể cho cán bộ khoa học (trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ...), cán bộ quản lý (các chứng chỉ, bằng cấp cần có); Tuyển đặc cách những người có trình độ, kinh nghiệm; 

c) Tạo môi trường nghiên cứu mang tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong đó trọng dụng, tạo cơ hội cho các cán bộ trẻ phát triển. Chú trọng phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng những cán bộ có tiềm năng trở thành những nhà khoa học chủ chốt trong từng lĩnh vực;

d) Bảo đảm thu nhập, chế độ đãi ngộ phù hợp để cán bộ, viên chức của Viện có thể toàn tâm, toàn ý phục vụ cho sự nghiệp phát triển của Viện;

e) Thực hiện nghiêm túc quy định về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý;

g) Đề ra những giải pháp, cơ chế chính sách để giảm số lượng cán bộ không đáp ứng được yêu cầu.

3. Đầu tư xây dựng cơ sơ vật chất kỹ thuật

a) Từng bước xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật các cơ sở thí nghiệm, đào tạo, nhà làm việc, hạ tầng công nghệ thông tin, thông tin khoa học và công nghệ:

- Đến năm 2020, xây dựng xong Trung tâm đào tạo bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước và vốn vay ODA Nhật Bản trên diện tích 4 ha tại Hòa Lạc;

- Tranh thủ nguồn vốn ngân sách và các nguồn tài trợ, vận động nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ, nguồn vốn ODA, của ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện:

+ Quy hoạch tổng mặt bằng tại các đơn vị thuộc Viện tại: Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh;

+ Tại Thành phố Hà Nội: xây dựng mới 01 khối nhà làm tại ngõ 165 Chùa Bộc trên diện tích 700m2; xây dựng mới 02 nhà làm việc tại ngõ 95 Chùa Bộc trên diện tích 1.500 m2; 

+ Tại số 2A Nguyễn Biểu, Thành phố Hồ Chí Minh: xây dựng mới 01 khối nhà làm trên diện tích 2.100m2; nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở thí nghiệm ở Bình Dương;

+ Tại Thành phố Đà Nẵng: nâng cấp cơ sở thí nghiệm ở Hòa Vang phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ;

b) Thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị có quy mô tập trung cho các lĩnh vực nghiên cứu khoa học ưu tiên của ngành;

c) Xây dựng đồng bộ phần mềm phục vụ quản lý về tổ chức cán bộ, khoa học và tài chính; thư viện điện tử; Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi có uy tín trong nước và tiến tới nằm trong hệ thống tạp chí ISI của thế giới.

4. Đổi mới phương thức xây dựng, nội dung và quản lý hoạt động khoa học và công nghệ

a) Chủ động đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ, chiến lược, định hướng của Bộ, ngành và thực tế sản xuất;

b) Phát huy sức mạnh của từng đơn vị, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Viện để tạo ra công nghệ đồng bộ có giá trị thực tiễn cao thay vì các đề tài nghiên cứu nhỏ lẻ do từng đơn vị thực hiện;

c) Hàng năm, mỗi đơn vị thuộc Viện phải có kết quả nghiên cứu mới; mỗi Tiến sĩ phải có bài báo, đóng góp mới có giá trị trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ;

d) Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tăng cường giám sát, đánh giá từ đề xuất, tuyển chọn và nghiệm thu đề tài;

e) Xây dựng các kế hoạch đầu tư bám thị trường lâu dài nhằm phát triển và hoàn thiện các công nghệ mũi nhọn của Viện, từng bước xây dựng thương hiệu các công nghệ của Viện;

g) Lập hồ sơ các công nghệ đã ứng dụng có hiệu quả, đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ, tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới của ngành;

h) Liên doanh, liên kết với các cơ quan, địa phương, các doanh nghiệp nhằm huy động các nguồn vốn phát triển và đầu tư cho công nghệ theo yêu cầu của ngành, địa phương và thực tế sản xuất.

5. Thúc đẩy đào tạo sau đại học

a) Nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách và qui định mới của nhà nước liên quan đến giáo dục đào tạo cũng như nhu cầu đào tạo của Viện, của Bộ, ngành và địa phương và của các nước trong khu vực;

b) Tăng cường việc phối hợp, trao đổi kinh nghiệm với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế;

c) Xây dựng quy chế về đào tạo, kế hoạch công tác giảng dạy; chuẩn hóa tài liệu, giáo trình, phương pháp đào tạo; nâng cao chất lượng giảng viên kiêm nhiệm đạt chuẩn trong nước và quốc tế; nâng cấp cơ sở vật chất, tạo môi trường thuận lợi phục vụ cho công tác đào tạo;

d) Tạo điều kiện, cơ chế khuyến khích cho cán bộ khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia đào tạo; có chế độ động viên, khuyến khích học viên học giỏi, đạt kết quả cao.

6. Tăng cường, đổi mới phương thức hợp tác quốc tế

a) Hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng để tăng cường năng lực cho chiến lược phát triển Viện, thông qua hợp tác quốc tế để đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ ngoại ngữ, thực hiện dự án, chuyển giao công nghệ tiên tiến với các đối tác nước ngoài và vận động tài trợ;

b) Xây dựng kế hoạch hợp tác với các đối tác chiến lược trong từng lĩnh vực, chủ yếu tập trung vào các nước có tổ chức đào tạo sau đại học uy tín, có nền tảng khoa học kỹ thuật tiên tiến, có môi trường thuận lợi để xuất - nhập công nghệ;

c) Duy trì và phát triển hợp tác với các đối tác, mạng lưới quốc tế đã có (Cộng hòa Liên Bang Đức và Nhật Bản). Đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế, phấn đấu tổ chức định kỳ 01 hội thảo quốc tế/ 02 năm, 01 dự án/ 01 năm.

d) Tổ chức tiếp nhận những công nghệ nước phù hợp: kỹ thuật tưới phun, đường ống dẫn nước từ Ấn Độ, Chille, Đài loan, Israel v.v.;

e) Tăng cường hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ thủy lợi cho các nước trong khu vực, như: Lào, Campuchia, Myanma v.v.;

g) Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và đào tạo thông qua thực hiện các dự án phối hợp và cùng chia sẻ kinh phí trên cơ sở nâng cao năng lực tư vấn và đầu tư quốc tế;

h) Xây dựng quy chế phối hợp, gắn kết giữa các đơn vị, giữa Viện với các đơn vị; có cơ chế chính sách khuyến khích các đơn vị và cá nhân tham gia hợp tác quốc tế.

7. Đổi mới cơ chế tài chính

a) Xây dựng quy chế đăng ký bản quyền để bán hoặc hợp tác với các doanh nghiệp, chuyển giao cho nông dân nhằm tăng nguồn thu cho Viện;

b) Xây dựng quy chế huy động, khai thác nguồn vốn, trong đó phối hợp với doanh nghiệp để tăng nguồn lực tài chính tạo điều kiện cho triển khai ứng dụng các sản phẩm khoa học và công nghệ của Viện;

c) Xây dựng cơ chế tạo sự chủ động về tài chính cho các đơn vị phù hợp theo hướng đầu tư lâu dài và bền vững cho phát triển khoa học và công nghệ nhằm hình thành và phát triển các công nghệ mũi nhọn của Viện; cơ chế khuyến khích cho cán bộ tạo ra công nghệ; rà soát, điều chỉnh Quy chế chi tiêu nội bộ cho các hoạt động chung của Viện;

d) Lập kế hoạch quản lý, khai thác hiệu quả Quỹ Phát triển sự nghiệp khoa học của Viện cho phát triển khoa học công nghệ nhằm tạo ra các công nghệ mũi nhọn.

8. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền

a) Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ khoa học, cán bộ làm công tác nghiệp vụ ứng dụng thành thạo các phần mềm phục vụ nghiên cứu khoa học và quản lý cán bộ, khoa học và tài chính;

b) Đăng tải thông tin kết quả các hoạt động của Viện qua trang Web, tạp chí, báo viết và báo hình, tăng cường quảng bá các kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất thông qua các Hội chợ triển lãm, nhất là Hội chợ triển lãm Nông nghiệp.  Đưa phòng trưng bày và giới thiệu khoa học công nghệ của Viện vào hoạt động;

c) Nâng cao chất lượng bài viết, bố cục, giao diện của tạp chí Khoa học và Công nghệ thuỷ lợi, website của Viện;

d) Xây dựng thư viện điện tử của Viện kết nối với các Trung tâm khoa học lớn trong nước và quốc tế; trước mắt là Trung tâm Tin học và Thống kê của Bộ, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia của Bộ Khoa học và CN, Thư viện Quốc gia Việt Nam; lưu trữ các sản phẩm khoa học công nghệ của Viện;

e) Quản lý các hoạt động của Viện theo ISO.

9. Kinh phí thực hiện chiến lược

Kinh phí thực hiện các nội dung Chiến lược được bố trí từ các nguồn: Quỹ Phát triển sự nghiệp khoa học của Viện; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước v.v.

Mục tiêu Chiến lược

Phát triển toàn diện, đồng bộ để xây dựng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trở thành trung tâm khoa học công nghệ và đào tạo lĩnh vực Thủy lợi đạt trình độ tiên tiến, đứng đầu trong nước có đủ năng lực, uy tín hội nhập, ngang tầm với các nước trong khu vực và có một số lĩnh vực đạt trình độ quốc tế; có đội ngũ khoa học công nghệ trình độ cao và các nhà khoa học đầu ngành trong từng lĩnh vực, đảm bảo cơ cấu về độ tuổi; có cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại.

Xem chi tiết

Nhiệm vụ trọng tâm

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao của Viện theo hướng đồng bộ, cân đối về cơ cấu trên từng lĩnh vực, chuyên ngành và phù hợp với sự phát triển của các đơn vị chuyên môn trong Viện.

Xem chi tiết