TextBody
Huy chương 2

An ninh lương thực thiếu bền vững

06/11/2009

Bên lề những cuộc hội thảo lớn về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức gần đây, nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng, Việt Nam không nằm ngoài cuộc khủng hoảng về an ninh lương thực trong một tương lai gần.

Nhiều nhân tố đe dọa

   Chưa bao giờ thế giới lại đặt vấn đề an ninh lương thực ở mức báo động như hiện nay. Việt Nam hiện đã có chính sách cắt giảm 22% sản lượng gạo xuất khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp ngày càng chịu nhiều áp lực.

   Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy Việt Nam hiện là nước đông dân thứ 3 ASEAN và thứ 13 trên thế giới với số dân lên đến gần 86 triệu người. Với mức tăng trung bình 1,2%/năm, dân số Việt Nam sẽ tiến đến mốc 100 triệu người trong một tương lai không xa. Điều này đe dọa trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực.

  Hiện tại, sản lượng lương thực hàng năm của nước ta đạt gần 40 triệu tấn, nhưng với mức tăng dân số hiện nay thì đến năm 2020, sản lượng lương thực phải đạt hơn 50 triệu tấn mới đảm bảo nguồn lương thực cho cả nước. Tuy nhiên, để đạt được con số này là cả một vấn đề lớn đối với ngành nông nghiệp nước ta.

   Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa cũng khiến cho diện tích đất nông nghiệp liên tục giảm đi. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người chỉ còn chưa được 0,11 ha/người, nếu tính riêng diện tích đất trồng lúa thì còn thấp hơn nhiều, chỉ còn 0,048 ha.

   Mỗi năm chúng ta có thêm hàng chục nghìn hecta đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng để phát triển công nghiệp, đô thị. Đó là chưa kể đến tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu có thể làm nước biển xâm nhập, lấn chiếm diện tích đất canh tác. Dự tính, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 nước chịu thiệt hại nặng nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu. Với kịch bản dự tính nước biển dâng 1m, Đồng bằng Sông Hồng sẽ mất 5.000km2 đất, Đồng bằng Sông Cửu Long bị ngập 15.000 - 20.000km2. Tổng sản lượng lương thực sẽ giảm khoảng 5 triệu tấn. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp còn chịu thêm những khó khăn từ dịch bệnh và thiên tai như hạn hán, lũ lụt ngày càng khắc nghiệt.

Đảm bảo an ninh lương thực bền vững

   Ông Lê Huy Hàm - PGS.TS Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho rằng, vấn đề lớn của nông nghiệp Việt Nam là thiếu sự bền vững. Chúng ta có thể sản xuất ra sản lượng lương thực lớn hàng năm, nhưng trong nhiều trường hợp như gặp thiên tai, bão lũ hay việc nhiều địa phương quá nôn nóng trong việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất cũng khiến cho sản lượng lương thực hàng năm không ổn định. Cùng với đó là nhu cầu gia tăng hàng năm khoảng 1 triệu tấn lương thực là một yêu cầu không nhỏ với với ngành nông nghiệp.

    Ts. Lê Huy Hàm cũng đưa ra cảnh báo rằng, vấn đề an ninh lương thực không thể có tư tưởng "cứ yên tâm vì chúng ta vẫn đang xuất khẩu gạo" mà cần phải xem xét nghiên cứu các chính sách cụ thể và phải bắt tay làm ngay nhằm bảo vệ diện tích đất nông nghiệp hiện có, đồng thời nghiên cứu đẩy mạnh khoa học công nghệ để gia tăng sản lượng lương thực.

   Điều này cần phải thực hiện song song với chính sách dân số hợp lý, chính sách phát triển kinh tế và đặc biệt cần phải xem xét vấn đề đô thị hóa một cách khoa học. Nếu không, vấn đề an ninh lương thực không chỉ đơn giản bị đe dọa mà nguy cơ Việt Nam phải nhập khẩu lương thực có thể là một viễn cảnh không xa.

 

Nguồn: khoahocphattrien

Ý kiến góp ý: