TextBody
Huy chương 2

Ảnh hưởng của hạ thấp mực nước sông Hồng: Thực trạng, nguyên nhân và tác động

23/03/2017

Ngày 22/3/2017, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam,Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đánh giá ảnh hưởng của hạ thấp mực nước sông Hồng và các giải pháp giảm thiểu”.

Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân vùng hạ du sông Hồng, đặc biệt hạn hán mùa khô gây khó khăn cho việc lấy nước phục vụ sản xuất đối với các hệ thống thủy nông dọc sông Hồng, sông Thái Bình; vấn đề thay đổi phân lưu qua sông Đuống, tình hình xâm nhập mặn ở vùng hạ du sông Hồng ngày càng phức tạp. Trước tình trạng đó, Tổng Cục Thủy lợi phối hợp với Viện tổ chức Hội thảo “Đánh giá ảnh hưởng của hạ thấp mực nươc sông Hồng và các giải pháp giảm thiểu” để nghe các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý trình bày các vấn đề về hiện trạng dòng chảy sông Hồng mùa kiệt, công tác điều hành lấy nước phục vụ sản xuất, các kết quả tính toán... nhằm khẳng định sự cần thiết, giải pháp an ninh nguồn nước vùng hạ du sông Hồng.


GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng; đại diện các Cục, Vụ, Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài Nguyên Môi trường; GS.TSKH. Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển Nguồn nước Việt Nam và các nhà khoa học, chuyên gia của Hội; đại diện các đơn vị địa phương, các Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi, các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vùng hạ du sông Hồng; đại diện Trường Đại học Thủy lợi; các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về lĩnh về chỉnh trị sông, thủy văn, tài nguyên nước, công trình... và một số cơ quan báo chí trong nước.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có  PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện - Chủ nhiệm Đề tài; các cán bộ khoa học của các đơn vị thuộc Viện; các cơ quan tham gia đề tài liên quan đến sông Hồng.

Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng chủ trì.

Theo báo cáo của TS. Lê Viết Sơn - Viện Quy hoạch Thủy lợi, với tác động của các hoạt động phát triển trên lưu vực, lòng dẫn hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình đã có nhiều thay đổi và có nhiều biến động. Mặc dù lưu lượng phân sang sông Đuống tăng mạnh, nhưng mực nước dọc sông Đuống lại bị hạ thấp rất mạnh khoảng từ 0,9-1,25m trong mùa kiệt trong những năm gần đây so với giá trị trung bình của giai đoạn 1957-2000.

Đối với sông Hồng tại Hà Nội thì mực nước mùa kiệt trong những năm gần đây giảm khoảng 0,9m và việc hạ thấp mực nước đã gây khó khăn cho việc lấy nước của các công trình thủy lợi dọc sông.

Từ khoảng hơn mười năm gần đây, dòng chảy mùa kiệt hệ thống sông Hồng đều ở mức thấp, không bảo đảm cho các công trình thủy lợi lấy nước. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân cho khoảng 630.000 ha thuộc 12 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện cho hạ du hệ thống sông Hồng, Ông Đồng Văn Tự - Vụ trưởng Vụ Quản lý Công trình Thủy lợi và an toàn đập - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết.

Nói về khó khăn, tồn tại đang gặp phải, Ông nói: Thực tế, việc duy trì mực nước sông Hồng đạt +2,20 tại Hà Nội ngày càng khó khăn, nhiều thời điểm các nhà máy thủy điện chạy hết công suất (lưu lượng tối đa) nhưng mực nước tại Hà Nội không đạt +2,20 m; do tập quán làm đất khác nhau dẫn đến nhu cầu nước giữa các địa phương không thống nhất thời gian, dẫn đến phải kéo dài thời gian lấy nước; các hệ thống công trình thủy lợi lấy nước dọc sông xây dựng trước kia đều có cao trình mực nước tương đối thiết kế cao do vậy, mực nước trong các đợt xả không đạt mực nước thiết kế, dẫn đến hiệu suất lấy nước kém.

Ông cũng đưa ra một số giải pháp như cần đánh giá cụ thể nguyên nhân gây hạ thấp mực nước hạ du hệ thống sông, đề xuất thực hiện các giải pháp để hạn chế tình trạng này; Tiếp tục thực hiện việc đo đạc, giám sát, dự báo dòng chảy, xâm nhập mặn hạ du hệ thống sông Hồng; tối ưu hóa kế hoạch lấy nước để bảo đảm tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện; Cần sửa chữa, bổ sung các công trình lấy nước để thích ứng với tình trạng hạ thấp mực nước; Nghiên cứu giải pháp, tăng cường vận động người dân thay đổi tập quán làm đất sớm.

Theo TS.  Hà Văn Khối, nguyên nhân suy giảm nguồn nước mùa kiệt đó là do diễn biến không gian, thời gian và có sự hình thành đột biến tại các thời điểm xảy ra lũ lớn hoặc sau thời điểm có hồ lớn ở thượng nguồn hoặc Việt Nam xây dựng. Ngoài giải pháp công trình cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng, cần phải áp dụng giải pháp quản lý, vận hành của các hồ chứa, giải pháp quản lý, vận hành phải làm trước khi nghiên cứu giải pháp công trình.

TS. Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu khẳng định đây là Hội thảo rất quan trọng, qua nghiên cứu của các báo cáo viên cho thấy đây là vấn đề cực lớn đối với ngành thủy lợi Việt Nam, Việt Nam có 02 con sông lớn đó là sông Hồng và sông Mê Kông đều đang trong tình trạng ngày càng căng thẳng.

Các công trình thủy lợi, hệ thống trạm bơm, hệ thống đập trên địa bàn Hà Nội thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với hiện trạng mực nước trên sông Hồng do đó cần phải khẩn trương xây dựng mới hoặc cải tạo các trạm bơm dã chiến bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, Ông cho biết

“Chúng ta đang sửa chữa sai lầm của chính chúng ta đó là vấn đề xây đập, khai thác cát, bây giờ chính chúng ta  tìm cách nâng lên tức là chúng ta làm đập chắn dòng sông đang chảy để khắc phục việc này”. Do vậy, TS. Đào Trọng Tứ cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, trọn vẹn từ đó mới đưa ra giải pháp.

“Vấn đề xây dựng công trình không khó nhưng cũng không dễ đối với sông Hồng và cần xem xét quan điểm người dân vì hiện nay thế giới đang đi theo chiều hướng khác đó là chiều hướng khai thông luồng lạch, để không gian cho các dòng sông”, TS. Đào Trọng Tứ cho biết thêm.

Còn theo GS.TS. Trương Đình Dụ, cần xác định xói lở lòng sông và mức độ khai thác cát thật cụ thể trên cơ sở đớ các nhà khoa học có thể đưa ra chính xác các phương án hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng mực nước sông Hồng xuống thấp nhất trong thời gian qua.

TS. Tô Trung Nghĩa - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi đề nghị bổ sung thêm vào nghiên cứu đó là đối với giải pháp đập dâng phải chứng minh được tính bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường và sinh thái. Về giải pháp quản lý,  các hồ chứa hiện tại đều có cống xả sâu, do vậy trong mùa lũ có thể yêu cầu khi hồ tích đầy rồi  không xả mặt mà tiến hành xả sâu để cho lượng bùn cát tăng lên.

Đánh giá về nguyên nhân hạ thấp mực nước, Ông Nguyễn Chí Công - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc Gia - Bộ Tài Nguyên Môi trường cho rằng nên phân loại bởi vì có những xu hướng không thể tránh khỏi trong tương lai như giảm thiểu phù sa, tăng giảm mực nước trong muà cạn.

“Với xu hướng như thế chúng ta giải quyết được gì, có những xu hướng xử lý được thì xử lý như thế nào” hoặc là đối với đồng bằng sông Hồng “chúng ta muốn gì ở đồng bằng sông Hồng trong tổng thể nguồn nước, khai thác sử dụng tiếp như thế nào, tiếp tục phát triển ra sao” do vậy theo Ông, cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể.

Theo GS.TSKH. Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, cần phải giải quyết bài toán một cách tổng thể, phải làm hệ thống đập dâng ở hạ du vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp cho các ngành khác, giải quyết nhu cầu về cảnh quan, môi trường. Về dâng mực nước lên ở một số vị trí trên sông Hồng, GS.TSKH cho rằng cần phải tính toán vị trí thích hợp. Ông cũng đề nghị nghiên cứu cần đưa ra giải pháp giải quyết trước mắt đó là đưa mực nước lên còn biện pháp, hệ thống công trình để giải quyết được mục tiêu tổng hợp để các nghiên cứu tiếp theo.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Chủ nhiệm Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu giải pháp tổng thể công trình điều tiết mực nước sông Hồng để đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du sông Hồng” cho biết đề tài với mục tiêu giải quyết triệt để các vấn đề như tính toán cân bằng nguồn nước ; đánh giá tác động về môi trường nếu như xây dựng công trình điều tiết; đảm bảo vấn đề thoát lũ; đánh giá hiệu quả khai thác kỹ thuật một cách tổng thể.

Các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo rất quý báu và giá trị, làm cơ sở cho việc xác định nguyên nhân một cách chính xác và đề xuất giải pháp hiệu quả và mang tính chất bền vững hơn, GS.TS nói.

Nói về giải pháp, GS.TS cho biết sơ bộ đề tài đã đưa ra 09 giải pháp bao gồm các giải pháp đơn giản và phục vụ trước mắt cho đến giải pháp căn cơ lâu dài đảm bảo phát triển bền vững. Việc đưa ra nhiều giải pháp công trình như vậy, theo GS.TS đó là bên cạnh vấn đề giải quyết dâng mực nước phục vụ cho thủy lợi còn phục vụ đa mục tiêu như đảm bảo về môi trường, giao thông thủy, tăng mực nước ngầm...

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đánh giá cao đề tài nghiên cứu này. Thứ trưởng nhận định: Đây là vấn đề rất lớn, có tầm ảnh hưởng; đề tài rất quan trọng, có ý nghĩa, là phương pháp luận, cơ sở khoa học và hướng đi đối với các sông khác như đồng bằng sông Cửu Long, sông Mã, sông Hương.

Thứ trưởng đề nghị, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì rà soát lại tất cả báo cáo, tổng hợp ngắn gọn để báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chính phủ; có những tham mưu về các quyết sách trong việc khai thác cát. Đặc biệt, trong báo cáo có rất nhiều thông tin có giá trị trong công tác cảnh báo an toàn đê điều vì vậy, Thứ  trưởng đề nghị Viện tiếp tục điều tra, khảo sát làm cơ sở cho quản lý đê điều.

“Đây là vấn đề lớn của ngành, của quốc gia do vậy cần phải mở rộng thông tin đến các cơ quan quản lý, cơ quan khoa học, người dân, xem xét trên tất cả các góc độ phản biện của xã hội”, Thứ trưởng yêu cầu.

Thứ trưởng cũng đề nghị các tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục tham gia, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc hơn về vấn đề này.

Ý kiến góp ý: