Bài toán thủy lợi cho vùng đất thấp
16/03/2011Là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây, vựa tôm lớn nhất, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, việc quy hoạch chung, nhất là quy hoạch chung, nhất là quy hoạch thủy lợi cho vùng đất thấp dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu đang là vấn đề nóng bỏng ở Tây Nam Bộ
Để ĐBSCL phát triển một cách căn cơ, bền vững, cần giải bài toán thủy lợi cho vùng đất thấp này...
Thủy lợi – tỉnh nào cũng cần
Sau 3 năm thực hiện Quyết định 84/ 2006/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch hệ thống thủy lợi ĐBSCL, Bộ NNPTNT đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện các dự án thủy lợi cho toàn vùng. Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng nhìn chung thủy lợi ở ĐBSCL chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp (nói riêng) và phát triển kinh tế - xã hội (nói chung).
Nhu cầu phát triển hệ thống thủy lợi của các địa phương rất lớn. Theo ông Phạm Thành Tươi - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - qua khảo sát, tính toán của Sở NNPTPT, nhu cầu vốn để cơ bản hoàn thiện hệ thống thủy lợi của tỉnh là trên 5.000 tỉ đồng. Các công trình thủy lợi bức xúc ở Cà Mau được tỉnh xác đinh: Hệ thống thủy lợi phục vụ cho 43.000ha mô hình tôm – lúa; thủy lợi cho Đông Cà Mau, Nam Cà Mau... Trong khi đó, vùng Tứ giác Long Xuyên hiện nay thủy lợi cũng chưa đảm bảo. Các tỉnh thuộc vùng tứ giác này cần hệ thống thủy lợi vừa phục vụ cho việc thoát lũ, vừa đảm bảo trữ nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Tại Bạc Liêu, nhu cầu phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bức xúc nhiều năm nay vẫn chưa được đáp ứng do nguồn vốn của tỉnh có hạn. Ông Phạm Hoàng Bê - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết: “Hệ thống thủy lợi tại Bạc Liêu hiện nay gần như chỉ thừa hưởng từ chương trình ngọt hóa bản đảo Cà Mau, chưa hoàn thiện. Hàng năm tranh chấp mặn – ngọt chưa giải quyết nổi. Nguyên nhân do hệ thống thủy lợi tại đây chưa hoàn chỉnh”. Ngay tại TP.Cần Thơ, cũng rất cần hệ thống thủy lợi phục vụ cho nhu cầu sản xuất và thoát lũ tại Ô Môn, Phong Điền...
Từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ NNPTNT và các địa phương đã giải ngân trên 4.638 tỉ đồng/tổng số 2.000 tỉ đồng (giai đoạn 2006 – 2010), vượt 2.638 tỉ đồng. Hàng loạt công trình thủy lợi đã đưa vào hoạt động, đầu tư và chuẩn bị đầu tư. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lương Lê Phương, nhu cầu thủy lợi cho vùng ĐBSCL là rất lớn, bộ đang trình Chính phủ xem xét thông qua đề án quy hoạch hệ thống thủy lợi từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 trước những diễn biến phức tạp của thời tiết.
Thay đổi quy hoạch
Để đảm bảo việc quy hoạch thủy lợi thích ứng với yêu cầu phát triển của toàn vùng, nhất là trước nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Bộ NNPTNT tiếp tục có những điều chỉnh quy hoạch chung. Trước đó, bộ cũng đã có nhiều cuộc hội thảo chuyên đề, lấy ý kiến của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, 13 tỉnh - thành trong khu vực. Theo đó, Bộ NNPTNT ưu tiên phát triển hệ thống kiên cố hóa đê biển, đê song; hệ thống thoát lũ, kiểm soát lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông.
Mục đích của việc thay đổi quy hoạch thủy lợi ĐBSCL lần này nhằm điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới; chủ động thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mục tiêu cụ thể của dự án điều chỉnh quy hoạch thủy lợi nhằm: Hoàn thiện hệ thống thủy lợi; chủ động cấp - thoát nước, kiểm soát lũ, kiểm soát mặn ổn định sản xuất cho 1.781 triệu ha đất lúa ĐBSCL; chủ động nguồn nước, đảm bảo lịch thời vụ và quá trình chuyển đổi cây trồng vật nuôi, giữ mặn ổn định cho khoảng 0,7 triệu ha diện tích nuôi trồng thủy sản.
Với hướng quy hoạch này, Bộ NNPTNT xây dựng lộ trình cụ thể cho từng tiểu vùng, dự án. Theo đó, từ đây đến năm 2020 nâng cấp toàn hệ thống đê biển; hoàn thành 742km đê sông theo cao trình thích hợp; hạn chế lũ tràn từ biên giới sang ĐBSCL bằng hướng thoát lũ ra biển Tây (vùng Tứ giác Long Xuyên) sang sông Vàm Cỏ và sông Tiền (vùng Đồng Tháp Mười); tận dụng khả năng trữ lũ, chặn lũ bằng hệ thống các kênh trục cắt ngang vùng lũ...
Cùng giải bài toán khó
Theo Thứ trưởng Lương Lê Phương, hiện nay quy hoạch chi tiết từng tiểu vùng đã cơ bản hoàn thành, đang trình Chính phủ phê duyệt. Ông Phương nhấn mạnh “Việc quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL là nhu cầu bức thiết đối với ngành NNPTNT và các địa phương. Bộ NNPTNT cũng đề nghị các bộ, ngành có liên quan cùng phối hợp thực hiện công tác này, sớm đưa ĐBSCL phát triển bền vững, ứng phó với điều kiện thời tiết, khí hậu ngày càng khắc nghiệt”.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, riêng nhu cầu vốn đầu tư đã lên đến 520.969 tỉ đồng. Cụ thể vùng Tứ giác Long Xuyên cần đến 12.653 tỉ đồng; vùng Bán đảo Cà Mau cần 51.282 tỉ đồng; vùng giữa sông Tiền – sông Hậu cần 85.397 tỉ đồng; vùng tả sông Tiền cần 30.000 tỉ đồng; vùng hải đảo cần 1.224 tỉ đồng... Tại hội nghị tổng kết hoạt động Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa diễn ra ở Cà Mau, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các bộ, ngành cùng với các địa phương phối hợp chặt chẽ; cùng nghiên cứu và lựa chọn công trình thủy lợi nào ưu tiên thì triển khai làm sớm. Phó Thủ tướng cho rằng, việc quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi ĐBSCL là cần thiết và hết sức cấp bách; nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Không thể để ĐBSCL vừa thừa lại vừa thiếu nước, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân...
Theo laodong
Ý kiến góp ý: