Băng tan sẽ gây khủng hoảng lương thực
15/06/2010Theo các chuyên gia môi trường hàng đầu thế giới, băng tan do biến đổi khí hậu trên dãy Himalaya và cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng đang đe dọa các con sông lớn ở châu Á, và có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo các sông băng ở cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng đang ngày càng bị thu hẹp, trong khi các tầng đất đóng băng vĩnh cửu đang tan chảy, dẫn đến tình trạng sụt lở diện tích đồng cỏ và đầm lầy, qua đó đe dọa hệ thống đường phân nước của ba con sông lớn là Dương Tử, Hoàng Hà, và Mekong. “Các sông băng tan là một hiện tượng rất nghiêm trọng”, chuyên gia Xin Yuanhong, nhà khoa học đang thực hiện một nghiên cứu môi trường ở vùng Dương Tử cho biết.
“Chúng tôi ước tính với điều kiện tại, khoảng 30% sông băng trong khu vực cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng sẽ biến mất trong vòng 10 năm tới”, chuyên gia Xin dự báo. “Và nếu biến đổi khí hậu ngày càng trở nên tồi tệ, các sông băng sẽ biến mất nhanh hơn và tình hình sẽ càng xấu đi nhanh chóng”. Ông Xin cho biết do các sông băng và các tầng đất đóng băng vĩnh viễn tan chảy, đất sẽ mất khả năng hấp thụ nước. “Tình trạng tan chảy càng kéo dài thì hiện tượng xói mòn đất diễn ra càng nhanh”.
Ông Yao Tandong, một trong những chuyên gia nghiên cứu sông băng hàng đầu Trung Quốc, cảnh báo 2/3 số lượng sông băng ở Thanh Hải - Tây Tạng sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2050 và dẫn đến “một thảm họa sinh thái”. Chuyên gia Wang Genxu, thuộc Viện nghiên cứu môi trường và hiểm họa núi Thanh Hải, cho biết từ năm 1976 đến 2008, diện tích đầm lầy và đồng cỏ khu vực đã thu hẹp 32%, còn diện tích hồ trong khu vực giảm 228 km2, tương đương 8,6% tổng diện tích hồ.
Cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng cung cấp gần 50% lượng nước cho sông Hoàng Hà, 25% lượng nước sông Dương Tử, và 15% lượng nước sông Mekong, con sông quan trọng nhất Đông Nam Á. Tổng cộng có khoảng 580 triệu người sông ở lưu vực ba con sông này, tất cả đều là những vùng sản xuất lương thực quan trọng. Nhà nghiên cứu môi trường nổi tiếng của Mỹ là Lester Brown cho rằng băng tan ở cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng và băng tan ở dãy Himalaya, ảnh hưởng đến nguồn nước sông Hằng và sông Ấn, sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Theo chuyên gia Brown, các sông băng ở Himalaya và cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng cung cấp nguồn nước cho các con sông lớn ở Ấn Độ và Trung Quốc, và sông Mekong trong mùa khô. Và các con sông này đóng vai trò cung cấp nước cho hệ thống thủy lợi. Khi các sông băng ở Himalaya và Thanh Hải - Tây Tạng biến mất, các con sông sẽ mất nguồn cung cấp nước, do đó hệ thống thủy lợi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Đây là mối đe dọa lớn nhất từ trước đến nay đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu”, ông Brown khẳng định.
Trung Quốc hiện là nhà sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới, Ấn Độ đứng thứ hai. Cả hai nước đều là những quốc gia xuất khẩu gạo lớn. Không giống như ở Mỹ, phần lớn diện tích ngũ cốc ở Ấn Độ và Trung Quốc phải dựa chủ yếu vào thủy lợi. Do đó, khi nguồn nước bị cắt, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không thể sản xuất đủ lúa mỳ và gạo cho hơn 2 tỷ dân hai nước. “Đến khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thu mua lương thực với số lượng lớn, và giá lương thực trên thị trường thế giới sẽ tăng vọt”, chuyên gia Brown dự báo.
“Người Mỹ có thể cho rằng băng tan ở Tây Tạng là vấn đề của Trung Quốc, nhưng đó cũng là vấn đề của Mỹ”, chuyên gia Brown phân tích. “Khi giá thực phẩm nội địa tăng vọt vào thập niên 1970, Mỹ đã hạn chế xuất khẩu ngũ cốc và đậu nành. Nhưng lần này, khi Trung Quốc nắm 800 tỷ USD trái phiếu Mỹ, Washington sẽ không thể hạn chế xuất khẩu, bởi Trung Quốc là chủ nợ của Mỹ. Trung Quốc thiếu lương thực cũng đồng nghĩa với việc Mỹ thiếu lương thực”.
“Trái đất nóng lên cũng đồng nghĩa với việc thức ăn trên bàn ăn của chúng ta ít đi”, chuyên gia Brown khẳng định. “Số người đói càng tăng cao thì số quốc gia sụp đổ càng lớn. Câu hỏi đặt ra là thế giới sẽ phải chịu đựng nạn đói trong bao lâu trước khi nền văn minh toàn cầu sụp đổ?”
Nguồn: AFP, Washington Post, TTO
Ý kiến góp ý: