Bảo tồn, phát triển làng nghề Hà Nội: Nhanh chóng hoàn thiện chiến lược tổng thể
22/09/2010Trông khuôn khổ Lễ hội làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội, cuối tuần qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo "Bảo tồn & Phát triển làng nghề Hà Nội"
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù có số lượng làng nghề lớn nhất nước, nhưng hiện nay, sự phát triển của làng nghề Hà Nội còn nhiều hạn chế; nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ mai một và biến mất. Để bảo tồn và phát triển làng nghề, Hà Nội cần có chiến lược tổng thể.
Tự phát, thiếu bền vững
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, trên địa bàn TP, hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng nghề trên toàn quốc. Toàn TP có 47 nghề thủ công, trong đó nhiều nghề đang có xu hướng phát triển mạnh như gốm sứ, mây tre đan, điêu khắc, sơn mài… Số làng nghề trên đã thu hút được gần 627.000 lao động với 167.000 hộ sản xuất, 2.000 công ty cổ phần, 4.500 công ty TNHH… Giá trị sản xuất của làng nghề đạt trên 7.650 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, có những làng nghề đạt giá trị sản xuất khá cao như gốm sứ Bát Tràng đạt 350 tỷ đồng/năm, dệt kim La Phù đạt 810 tỷ đồng/năm, mộc Chàng Sơn (Thạch Thất) đạt 282 tỷ đồng/năm, mộc Vạn Điểm (Thường Tín) đạt 240 tỷ đồng/năm…
Có một thực tế là, hiện nay hầu hết các làng nghề Hà Nội còn phát triển tự phát và thiếu bền vững. Nhiều làng nghề bị mai một do chưa được quan tâm đúng mức. Tại các làng nghề, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, mặt bằng sản xuất chật hẹp, nguồn nguyên liệu tại chỗ chưa đáp ứng được. Chính vì thế đã gây ra những hệ lụy như ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí có chiều hướng gia tăng, làm xấu cảnh quan làng nghề và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Thực tế này đã khiến cho nhiều sản phẩm làng nghề của Hà Nội trước đây đã có vị trí đáng kể trên thị trường châu Mỹ, châu Âu... nhưng nay không đủ sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Thái Lan.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng cho biết: Vướng mắc lớn nhất hiện nay ở các làng nghề Hà Nội là địa điểm. Nhất là trong bối cảnh dân cư phát triển mạnh, càng tạo nên sức ép về đất đai dành cho làng nghề. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố sống còn để làng nghề có thể phát triển là tính đa dạng, phong phú về mẫu mã sản phẩm, song lại chưa được quan tâm. Không ít làng nghề đang bị thương mại hóa, "rơi rụng" dần những nét tinh hoa, tinh xảo trên sản phẩm.
Sớm có chiến lược tổng thể
Theo ông Hùng, việc bảo tồn và phát triển làng nghề phải hoạch định rõ bảo tồn làng nghề truyền thống nào, vùng nào chứ không nên làm một cách tràn lan. Kinh nghiệm từ các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… và các nước thuộc khối ASEAN cho thấy, bảo tồn và phát triển làng nghề phải đặc biệt quan tâm tới sự hài hòa giữa sản xuất với bảo vệ môi trường và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Phải gắn phát triển sản xuất với du lịch và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền cho sản phẩm của làng nghề.
Cùng với đó, theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo nghề (Sở LĐTB&XH), để bảo tồn và phát triển làng nghề thì yếu tố đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Trong Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giữ lại 1/3 số lao động làm nông nghiệp, còn lại sẽ chuyển sang làm trong các làng nghề. Do vậy, TP cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên trong các cơ sở dạy nghề. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích người dân trong các làng nghề tham gia học nghề phù hợp với trình độ, lứa tuổi để duy trì được nguồn lao động ổn định tham gia sản xuất.
Nguồn: omard.gov.vn
Ý kiến góp ý: