TextBody
Huy chương 2

Bảo vệ luận án tiến sỹ cấp Viện cho NCS Trần Văn Thái

15/04/2013

Ngày 27 tháng 10 năm 2012, tại Hội trường Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, NCS Trần Văn Thái (Viện Thủy Công - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ cấp Viện với đề tài "Nghiên cứu ổn định của đập xà lan bản dầm khi hạ chìm", chuyên ngành: Xây dựng công trình thủy, mã số 62 58 40 01.

Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sỹ cấp Viện gồm có 7 nhà khoa học: GS.TS. Ngô Trí Viềng, chủ tịch Hội đồng, các Uỷ viên phản biện: PGS.TS Đỗ Văn Đệ (ĐH Xây dựng), TS Huỳnh Công Hoài (ĐH Bách khoa TPHCM), PGS.TS Lê Hồng Bang (ĐH Hàng Hải), và các Uỷ viên khác: TS Ngô Cân (Viện KHCN Tàu Thủy), PGS.TS Nguyễn Trung Việt (Trường ĐH Thủy lợi), TS Nguyễn Ngọc Nam (Phòng TNTĐQGN về Động lực học Sông biển). 

Công nghệ Đập Xà lan (ĐXL) một công nghệ mới được GS.TS Trương Đình Dụ đề xuất ý tưởng từ năm 1992 nhưng cho đến năm 2004, công trình đầu tiên mới được triển khai xây dựng. Ưu điểm của ĐXL là có kết cấu nhẹ nên không cần hoặc ít phải xử lý nền móng. ĐXL có thể di chuyển đến vị trí khác khi cần thiết, phù hợp với những vùng có chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản. Công nghệ này đã ứng dụng thành công cho gần 100 công trình ở một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là dự án phân ranh mặn ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu với 63 công trình. Năm 2007, công nghệ ĐXL đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp độc quyền sáng chế số 6148. Công nghệ được hội đồng điều phối kỹ thuật Châu Á Thái Bình Dương tặng giải thưởng xuất sắc nhất (Acess), đặc biệt công nghệ đã vinh dự được nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2012.

Tuy nhiên, hạ chìm ĐXL là một vấn đề khó và phức tạp. Trong thực tế, khi bơm nước vào thân đập để hạ chìm, đập bị nghiêng lớn, tốc độ nghiêng nhanh, gây khó khăn trong kiểm soát tọa độ của đập. Thực tiễn khi hạ chìm ĐXL Phước Long – Bạc Liêu đáy đập va chạm mạnh vào nền đất yếu làm lớp bùn dưới công trình bị lún sâu hàng mét

Đề tài “Nghiên cứu ổn định của đập xà lan bản dầm khi hạ chìm” nhằm giải bài toán thiết kế đập xà lan bản dầm (ĐXLBD) để khi hạ chìm không xẩy ra hiện tượng nghiêng chúi như đã nêu trên, đồng thời, góp phần hoàn thiện lý thuyết tính toán và phương pháp thi công hạ chìm ĐXLBD phục vụ cho việc phát triển công nghệ ĐXL. Luận án là  công trình đầu tiên nghiên cứu về diễn biến ổn định ĐXLBD khi hạ chìm. Luận án đã tổng quan, kế thừa các nghiên cứu trong lĩnh vực tàu thủy, công trình nổi để phát triển lý thuyết hạ chìm ĐXLBD. Luận án có những đóng góp mới như sau:

1.  Luận án đã xây dựng được hệ phương trình cân bằng tĩnh chung cho ĐXL biên dạng khác nhau và đập xà lan bản dầm nói riêng khi hạ chìm, giải được hệ phương trình đó và tìm được góc nghiêng và góc chúi.

2.  Luận án đã tìm ra được các trạng thái về ổn định của đập xà lan bản dầm khi hạ chìm. Tùy thuộc vào trọng tâm thiết kế ban đầu và 4 điểm phân chia trạng thái ổn định đã có kết luận về sự nghiêng (chúi) của đập xà lan bản dầm khi hạ chìm. Trên cơ sở đó đề xuất công thức và vùng trọng tâm thiết kế ban đầu để đập xà lan bản dầm không nghiêng không chúi khi hạ chìm.

3.  Luận án đã đề xuất định hướng qui trình thiết kế và thi công  ĐXLBD đảm bảo ổn định khi hạ chìm, và đã áp dụng thiết kế cho nhiều công trình ở dự án PRMN Sóc Trăng Bạc Liêu.

Luận án được Hội đồng đánh giá cao về tính thực tiễn và mới mẻ. Phương pháp nghiên cứu hợp lý, lô gic, đầy đủ trọn vẹn. Cách trình bày Luận án rõ ràng đi từ Tổng quan đến đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, phân tích kết quả bằng lý thuyết và mô hình thực nghiệm, đưa ra định hướng quy trình thiết kế và thi công ĐXLBD. Luận án là nền tảng để tiến tới xây dựng một Quy trình thiết kế riêng  ĐXLBD trong điều kiện Việt Nam và cũng được coi như tài liệu giáo án dùng trong việc học tập, nghiên cứu, thiết kế và thi công ĐXLBD. 

Theo Thùy Dương - thuycong.ac.vn

 

Ý kiến góp ý: