Bế giảng khoá đào tạo “An ninh nguồn nước và chống chịu với biến đổi khí hậu”
15/09/2023Trong khuôn khổ Chương trình Liên chính phủ về Thủy văn học (Intergovernmental Hydrology Programme-IHP) chu kỳ IX (giai đoạn 2022-2029) - Khoa học vì một thế giới an toàn về nước trong bối cảnh môi trường biến động, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức Khóa đào tạo chuyên đề “An ninh nguồn nước và chống chịu với biến đổi khí hậu” từ ngày 12-13/09/2023 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (Hà Nội).
Tham dự lớp học gồm 40 thành viên là các giảng viên, nghiên cứu viên, nhà khoa học trẻ của Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, Trường Đại học Thuỷ lợi, Đại học Tài nguyên và Môi trường, Đại học Cần Thơ (Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu), Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội, cán bộ quản lý thuộc Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Trung tâm chính sách và kỹ thuật thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Trung tâm cảnh báo, dự báo tài nguyên nước, Trung tâm điều tra, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, Long An, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, Bình Dương, Đài khí tượng thuỷ văn Nam Định; cán bộ điều phối chương trình của tổ chức phi chính phủ như Trung tâm phát triển cộng đồng sinh thái, Four Paws Viet và một số thành viên của các công ty hoạt động trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, quản lý tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, cấp thoát nước, môi trường hoặc các lĩnh vực liên quan.
Các học viên đã được UNESCO Việt Nam giới thiệu về Chương trình liên chính phủ về Thủy văn học - Chu kỳ IX (2022-2029) - hướng tới Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Thông qua 02 Module đào tạo: "An ninh nguồn nước - Khái niệm và bài học kinh nghiệm" và "An ninh nguồn nước & chống chịu Biến đổi khí hậu - Đánh giá và Giải pháp", các học viên đã được các giảng viên gồm PGS. TS Đỗ Hoài Nam (Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam), TS. Trần Quốc Quân (Cố vấn vùng Đông Nam Á - Đại học KU Leuven, Vương quốc Bỉ), TS. Marcel Marchand (Deltares), TS. Koen Verbist (Văn phòng UNESCO – Paris) giới thiệu và chia sẻ các khái niệm, phương pháp tiếp cận sáng tạo trong quản lý tài nguyên nước nhằm giải quyết các thách thức về an ninh nguồn nước và biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới. Các bài học kinh nghiệm, các kết quả thực hành, ứng dụng các phương pháp tiếp cận và công cụ dựa trên cơ sở khoa học nhằm quản lý tài nguyên nước bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu trên thế giới và cơ hội ứng dụng tại Việt Nam.
Trong quá trình tập huấn các hoạt động thảo luận nhóm, các bài trình bày chia sẻ kinh nghiệm của học viên thông qua các thực hành nhằm giải quyết các lĩnh vực/vấn đề/đối tượng cụ thể tại tỉnh An Giang, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Nam Định, TP. Đà Nẵng… đã đem đến nhiều thông tin về thực trạng nguồn nước, các thách thức, cơ hội và giải pháp có thể áp dụng trong giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước và chống chịu biến đổi khí hậu.
Kết thúc khoá học, các học viên đã được UNESCO trao chứng chỉ hoàn thành khoá học và cũng mở ra nhiều cơ hội cho các thành viên học tập, hợp tác nghiên cứu, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm giải quyết các mục tiêu thuộc chương trình Khoa học vì một thế giới an toàn về nước trong bối cảnh môi trường biến động tại Việt Nam và trên thế giới trong thời gian tới của Liên hợp quốc.
Đại diện UNESCO và Ban tổ chức khai giảng khoá đào tạo |
PGS.TS Đỗ Hoài Nam (Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam) |
TS. Trần Quốc Quân (Cố vấn vùng Đông Nam Á - Đại học KU Leuven, Vương quốc Bỉ) |
TS. Marcel Marchand (Deltares) |
TS. Koen Verbis (Ban thư ký chương trình Thủy văn Liên chính phủ tại Paris) |
Các học viên tham gia tổ chức thảo luận nhóm |
Các học viên trình bày bài thu hoạch của nhóm |
Trao chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo cho học viên |
Các giảng viên và học viên chụp ảnh lưu niệm |
Chí Trung - Bạch Liên/CTIC
Ý kiến góp ý: