Biến động cửa Ba Lạt, cửa Hà Lạn trong thời kỳ cận đại và ảnh hưởng của chúng tới diễn biến bồi tụ xói lở khu vực Hải Hậu - Nam Định
06/11/2014 Kết quả phân tích dựa trên cách tiếp cận địa chất - lịch sử cho thấy, trong quá khứ, sông Sò từng là phân lưu lớn của sông Hồng chảy ra biển. Lượng phù sa của sông đã bồi tích lên vùng đất rộng của 2 huyện Giao Thủy và Hải Hậu tỉnh Nam Định. Vai trò cung cấp phù sa của sông Sò giảm mạnh khi dòng chính sông Hồng chuyển qua cửa Ba Lạt. Hiện tượng mở rộng đột biến cửa Ba Lạt được xác định xảy ra vào cuối thế kỷ 18. Hiện tượng này làm thay đổi chế độ bồi tụ - xói lở khu vực biển Hải Hậu, chuyển chúng từ chế độ bồi tích sông biển sang chế độ chịu tác động của biển-sóng là chủ yếu. Hiện tượng xói lở bờ biển Hải Hậu bắt đầu từ khi sông Sò ngưng hoạt động. Xói lở có xu hướng lan truyền về phía Nam và tiến tới tạo lập một dạng đường bờ ổn định, có thể gần tương tự như đường bờ cổ trên đoạn Ngô Đồng - Quất Lâm. I. MỞ ĐẦU Bở biển Hải Hậu là khu vực bị xói lở mạnh ở Việt nam. Hiện tượng xói lở khu vực này được biết đến từ rất sớm. Tốc độ xói lở cao, thiệt hại về dân sinh kinh tế lớn nên nhận được sự quan tâm rộng của xã hội, của các cơ quan quản lý và các nhà chuyên môn. Đã có nhiều công trình nghiên cứu với các cách tiếp cận khác nhau về hiện tượng này. Trong đó tập trung hơn cả là các cách tiếp cận thủy văn, thủy lực nhằm làm rõ cơ chế xói lở và xác lập các giải pháp phòng chống. Trong bài báo này, các tác giả lựa chọn cách tiếp cận địa chất-lịch sử để tìm hiểu diễn biến đường bờ biển trong giai đoạn cận đại, cùng các tác động gây nên chúng, nhằm góp thêm thông tin để xem xét hiện tượng xói lở bờ biển Hải Hậu một cách đầy đủ hơn. Về cách tiếp cận địa chất-lịch sử, đã có một số công trình nghiên cứu, tuy nhiên giai đoạn xem xét thường ngắn, khoảng 100 năm trở lại đây [9], hoặc nghiên cứu biến động đường bờ châu thổ sông Hồng trong khoảng thời gian rộng, cách đây 500 - 1000 năm nhưng chưa có điều kiện xét tới nguyên nhân gây ra biến động đó [7]. Nhằm tìm hiểu chi tiết hơn các biến động và xu thế bồi tụ-xói lở khu vực Hải Hậu, bên cạnh các phương pháp nghiên cứu địa chất, địa hình thường sử dụng, chúng tôi đã kết hợp phân tích các tư liệu lịch sử khai hoang lấn biển ở các địa phương. Phạm vi nghiên cứu được giới hạn ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu tỉnh Nam Định với sự tập trung vào khu vực Hải Hậu. II. TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Các tài liệu dùng để nghiên cứu trong lĩnh vực địa chất bao gồm báo cáo đo vẽ lập bản đồ và bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 và 1:50.000 do Tổng cục Địa chất phát hành và lưu trữ. Bên cạnh đó là các báo cáo đề tài, luận án điều tra nghiên cứu của nhiều tác giả trong thời gian gần đây về địa chất, kiến tạo, trầm tích, địa mạo, địa chất công trình [4], [2], [3]. Về địa hình và ảnh viễn thám, các tác giả sử dụng bản đồ địa hình tỷ lệ 1:100.000 phát hành các năm 1912, 1927 và các bản đồ tỷ lệ từ trung bình tới lớn được phát hành trong các năm gần đây. Việc phân tích viễn thám được dựa trên các ảnh vệ tinh: ảnh Landsad, độ phân giải cao, đã nắn chỉnh hình học, hệ tọa độ VN2000: kênh 5, kênh 7 – giả màu, kênh 7 màu tự nhiên, năm 1999, màu tổng hợp năm 1990, 2000… Đáng chú ý, để nắm được các giai đoạn khai hoang lấn biển, ở từng khu vực, từng xã, cũng như đặc điểm vùng đất được khẩn hoang, các tác giả đã sử dụng các tài liệu địa chí địa phương, tài liệu về các di tích lịch sử văn hóa, lược sử các giáo xứ, gia phả một số dòng họ, cũng như một số công trình đã công bố về sử học và dân tộc học. Riêng về địa chí, có 2 tài liệu là địa chỉ Hải Hậu và Lịch sử Đảng Bộ và Nhân dân huyện Giao Thủy chứa đựng nhiều thông tin cụ thể về khu vực nghiên cứu. Công tác khảo sát thực địa được thực hiện từ cuối năm 2011 tới đầu năm 2012, tập trung ở khu vực cửa Hà Lạn và một số xã ven biển Hải Hậu. Nội dung khảo sát tập trung vào các đặc điểm địa hình địa chất bề mặt, khoan nông lấy mẫu xác định thành phần đất và môi trường trầm tích. Việc xác định diễn biến đường bờ biển cổ được dựa vào thành phần đất, độ cao địa hình và ghi chép trong các tài liệu lịch sử. Biến động cửa sông và diễn biến bồi tụ - xói lở trong lịch sử được xác định trên cơ sở phân tích đối chiếu các tài liệu ghi chép lịch sử với các biểu hiện về đặc điểm trầm tích và địa hình khu vực. III. HOẠT ĐỘNG BỒI TỤ CỦA SÔNG SÒ TRONG LỊCH SỬ CẬN ĐẠI Sông Sò (còn gọi là sông Ngô Đồng), là một phân lưu của sông Hồng chảy ra biển tại khu vực huyện Hải Hậu - Giao Thủy tỉnh Nam Định. Đến nay sông đã hoàn toàn thoái hóa. Vai trò dẫn phù sa từ sông Hồng ra biển gần như mất hẳn. Hiện nay sông Sò chỉ đóng vai trò như một kênh tưới tiêu thông thường (Hình 1). Tuy nhiên khoảng 200 năm trở về trước, sông Sò đã từng là sông lớn trong hệ thống sông Hồng. Cửa Hà Lạn - cửa Sông Sò đã từng là cửa sông rộng, cung cấp lượng phù sa phong phú bồi đắp lên vùng đồng bằng khu vực Hải Hậu - Giao Thủy ngày nay. Tổng hợp về hoạt động của sông Sò trong lịch sử được trình bày lần lượt ở Hình 2 và Hình 3. Tới cuối thế kỷ 15 (khoảng năm 1500), phạm vi hoạt động của sông Sò về phía Nam được xác định bởi đường bờ biển kéo dài từ thị trấn Ngô Đồng (huyện lỵ huyện Giao Thủy), qua cầu Hà Lạn ngang qua sông Sò, tới thị trấn Yên Định (huyện lỵ huyện Hải Hậu ngày nay) (xem H.2). Đường bờ biển cổ này được xác định theo các tài liệu địa chất, địa hình và các ghi chép lịch sử. Dọc theo tuyến đường bờ này, phân bố phổ biến các dải cồn cát có độ cao tương đối so với địa hình xung quanh khoảng 1-2m. Cát có màu xám sáng đến xám vàng. Cỡ hạt chủ yếu là mịn lẫn bột. Thành phần khoáng vật của cát chủ yếu là thạch anh lẫn nhiều mảnh vụn đá và mi ca. Cát có hệ số chọn lọc tốt. Từ thị trấn Ngô Đồng tới xã Giao Yến (huyện Giao Thủy) đường bờ có chiều rộng 100 - 200m. Tới khu vực cầu Hà Lạn, đường này chẻ ra nhiều dải, dạng rẻ quạt, uốn về phía Bắc, gần vuông góc với lòng sông Sò, với tổng chiều rộng lên tới hơn 1km. Giai đoạn hình thành đường bờ này, được xác định theo [1], [4] là khoảng trước năm 1500. Các số liệu về niên đại các dấu tich và sự kiện lịch sử cũng được trình bày ở các hình đi kèm. Ở giai đoạn tiếp theo (từ khoảng năm 1500 tới năm 1787), phạm vi hoạt động của sông Sò tiếp tục mở rộng về phía Nam. Vào cuối thế kỷ 18, phạm vi này được giới hạn rõ nét bởi đường bờbiển cổ, kéo dài từ phía nam thị trấn Ngô Đồng, qua thị trấn Quất Lâm, qua các xã Hải Đông, Hải Lý (huyện Hải Hậu) theo phương gần 45o và uốn về phía tây với phương gần ở vĩ tuyến (xem H.3). Gần tương tự như đường bờ giai đoạn trước, đường bờ biển này cũng được thể hiện bằng sự có mặt các cồn cát chạy dọc, có nguồn gốc biển và biển gió, có địa hình cao so với xung quanh, thường được lấy làm nơi lập làng xóm, dân cư. Thời điểm các điểm dân cư đến khai hoang lấn biển sinh sống trên các cồn cát cao này, theo các thư tịch cổ là vào khoảng năm 1800 hoặc sớm hơn (xem số liệu trên H3). Hình 2: Vị trí ₫ường bờ biển khu vực Hải Hậu vào cuối thế kỷ 15 Hình 3: Vị trí ₫ường bờ biển khu vực Hải Hậu vào cuối thế kỷ 18 Với sự tồn tại 2 đường bờ biển như vậy, có thể nhận định rằng, vào thời gian đó (cách đây khoảng 500 năm), nhánh sông Hồng chảy theo hướng cửa Ba Lạt hiện nay là nhỏ, có lượng phù sa không lớn, không ảnh hưởng nhiều tới hình dạng đường bờ từ thị trấn Ngô Đồng tới gần thị trần Quất Lâm hiện nay. Trong khi đó dòng chính của sông Hồng ở khu vực Xuân Trường - Giao Thủy là sông Sò với cửa Hà Lạn liên tục tiến ra phía biển, dù không lớn như sông Ninh cơ và sông Đáy. Điều này cũng phù hợp với các ghi chép lịch sử của các địa phương. Theo lịch sử huyện Giao Thủy [5] và thư tịch các dòng họ, cũng như các công trình nghiên cứu về khai hoang lấn biển ở Tiền Hải [6] từ cuối thế kỷ 18 về trước, sông Hồng ở khu vực Tiền Hải, Giao Thủy chảy ra biển chủ yếu theo 2 cửa: cửa Lân ở phía Bắc, cửa Hà Lạn ở phía Nam. Cửa Ba Lạt lúc đó còn hẹp, nông, vào mùa kiệt có thể lội qua được. Sông Sò, lúc đó là dòng chính của sông Hồng ở khu vực này. Lượng phù sa của sông Sò bồi đắp lên địa hình đồng bằng phía bắc huyện Giao Thủy và phần phía đông huyện Hải Hậu. Các cánh đồng này có địa hình bằng phẳng, thấp, với độ cao 0,1m tới 1m. Đất do sông Sò bồi tích chủ yếu là các loại sét, sét pha có nguồn gốc sông, sông biển hỗn hợp với hàm lượng sét theo [3], [2], lên tới 50 - 75%. Trên địa phận rìa phía đông huyện Hải Hậu, phạm vi của bồi tích sông Sò kéo dài từ khu vực các xã hữu ngạn sông tới một phần xã Hải Đông và xã Hải Lý, ven biển Hải Hậu ngày nay. IV. SỰ CỐ MỞ RỘNG ĐỘT BIẾT CỬA BA LẠT VÀ BỒI LẤP KHU VỰC CỬA HÀ LẠN Hoạt động bồi tích của sông Sò giảm khá đột ngột cùng với thời điểm hình thành rõ nét đường bờ biển vào cuối thế kỷ thứ 18. Từ thời điểm này trên dải ven biển huyện Hải Hậu, kéo dài từ xã Hải Lý qua các xã Hải Chính, Hải Triều tới thị trấn Thịnh Long lắng đọng chủ yếu là các trầm tích loại cát có nguồn gốc biển. Đây phổ biến là loại cát mịn lẫn bột có kích thước hạt trung bình 0,1 - 0,15 mm. Hệ số chọn lọc tốt (1,2 - 1,6). Dải đất cát này ăn sâu vào đất liền từ 1km tới 2 km (xem H.4) Hình 4: Sơ ₫ồ ₫ường bờ biển khu vực Hải Hậu hình thành vào các thời kỳ khác nhau Thời điểm giảm đột ngột bồi tích của sông Sò cũng tương đối trùng hợp với thời điểm mở rộng đột biến cửa Ba Lạt. Hiện tượng mở rộng đột biến cửa Ba Lạt được các thư tịch cổ ghi lại và lưu truyền trong nhân dân địa phương với tên gọi Ba Lạt phá hội. Theo tài liệu [5] vào năm 1787, lũ đặc biệt lớn trên sông Hồng đã mở toang cửa Ba Lạt vốn nhỏ hẹp để chảy thông ra biển. Hiện tượng này cũng đã được phản ánh qua những đảo lộn có tính khu vực trong quá trình khai hoang lấn biển và thiệt hại lớn cho cư dân sinh sống gần thị trấn Ngô Đồng thời đó. Nhà cửa, mồ mả nhiều đời bị cuốn trôi. Làng xóm họ hàng hai bên cửa Ba Lạt cũ nay bị tách biệt gần như vĩnh viễn bởi cửa sông lớn. Nhiều dòng họ phải phiêu tán chuyển về dọc theo các cồn cát biển phía Nam . Sông Sò từ vai trò sông chính đã chuyển sang thành sông nhánh, phụ và dần bị bồi lấp. Chỉ sau 14 năm sự cố "Ba Lạt phá hội", lòng sông ở phần thượng lưu đã bị thu hẹp gần 2 km2 và bồi lấp tạo nên dải đất mới ven sông rộng khoảng 500 mẫu bắc bộ. Điều này được phản ảnh trong vụ tranh chấp dải đất mới và được ghi lại trong “Phù sa điền án” [5]. Và cũng chỉ sau gần 40 năm (vào năm 1824) vùng đất thấp rộng lớn phía tả ngạn sông Sò cũng được bồi lấp hoàn toàn, tạo cơ sở cho việc đắp đê, khẩn hoang, lập nên tổng Hoành Thu mới, bao gồm các xã Giao Thịnh, Giao Tân thuộc huyện Giao Thủy ngày nay, (xem công cuộc doanh điền của Nguyễn Công Trứ). V. XU THẾ BỒI TỤ - XÓI LỞ KHU VỰC HẢI HẬU TRONG THỜI KỲ CẬN ĐẠI Trước khi có sự kiện mở rộng đột biến cửa Ba Lạt, khu vực Hải Hậu được bồi tích chủ yếu bởi 2 sông: sông Sò và sông Ninh Cơ. Trên dải rộng gần 20 km giữa 2 sông, trong khoảng 300 năm, đất liền đã tiến ra biển gần 10 km. Tốc độ tiến ra biển của cả khu vực là trên 30m/năm. Sản phẩm bồi tích chủ yếu là đất loại sét. Từ khi dòng chính sông Hồng chuyển về cửa Ba Lạt, sông Sò bị thu hẹp, khu vực trầm tích ở Hải Hậu bắt đầu có những thay đổi rõ nét. Lòng sông Ninh Cơ dịch chuyển dần sang phía Đông. Bờ biển phía Đông cũng lùi dần về phía Tây. Điều đáng lưu ý hơn cả là từ thời điểm này trở đi ( từ khoảng năm 1787), ở bờ biển Hải Hậu, suốt 1 dải từ xã Hải Lý cho tới thị trấn Thịnh Long, dài gần 20 km, rộng 1- 2 km, chỉ lắng đọng các trầm tích loại cát, (xem H.4). Khu vực ven biển Hải Hậu chuyển sang chế độ bồi tụ-xói lở mới. Đó là chế độ thống trị của biển với tác động của sóng là chủ yếu. Về phương diện bồi tụ, kết hợp song song với với bồi tích của sông Ninh Cơ, biển đã hình thành nên dải cát rộng ven biển đã nêu ở trên. Trong khi đó, quá trình xói lở cũng bắt đầu từ khi sông Sò giảm chức năng vận chuyển phù sa ra biển. Quá trình này khởi đầu từ khu vực các xã Hải Đông, Hải Lý, nơi bồi tích của sông Sò dưới dạng vùng đất sét và sét pha nhô ra phía Đông nhiều nhất. Theo nhân dân địa phương, mũi nhô này cách bờ biển hiện nay khoảng 3-5 km. Chứng tích về mũi nhô này là đoạn bãi biển đất sét pha đang bị xói lở hiện nay nằm giữa xã Hải Đông và Hải Lý. Xu thế xói lở lan truyền dần về phía Nam, tiếp diễn cho đến hiện nay nhằm tạo nên dạng đường bờ ổn đinh, cân bằng tương đối dưới các tác động của các nhân tố tự nhiên cũng như con người. Về dạng đường bờ ổn định trong điều kiện chịu các tác động gần tương tự, có thể tham khảo các đoạn đường bờ biển cổ kéo dài từ khu vực thị trấn Ngô Đồng tới thị trấn Quất Lâm huyện Giao Thủy (xem H.2, H.3). Đây là đoạn đường bờ được hình thành giữa cửa Lân và cửa Hà Lạn, khi cửa Ba Lạt hoạt động chưa đáng kể. Lượng bồi tích từ các cửa sông đến khu vực này rất nhỏ, tác động tái tạo của sóng là chủ yếu. Thời gian tồn tại của chúng kéo dài từ đầu thề kỷ 15 tới cuối thế kỷ 18, khoảng gần 400 năm. Chỉ khi cửa Ba Lạt mở rộng thì đường bờ mới được thiết lập mới, (xem đường bờ huyện Giao Thủy năm 1912, H4). Đường bờ cổ này có chiều dài hơn 12km và có dạng gần thẳng. VI. KẾT LUẬN Sông Sò, trong quá khứ từng là phân lưu lớn của sông Hồng chảy ra biển. Lượng phù sa của sông đã bồi tích lên vùng đất rộng của 2 huyện Giao Thủy và Hải Hậu tỉnh Nam Định. Vai trò của sông Sò trong cung cấp phù sa giảm mạnh khi dòng chính sông Hồng chuyển qua cửa Ba Lạt. Hiện tượng mở rộng đột biến cửa Ba Lạt được xác định xảy ra vào cuối thế kỷ 18. Hiện tượng này làm thay đổi chế độ bồi tụ- xói lở khu vưc biển Hải Hậu, chuyển chúng từ chế độ bồi tích sông biển sang chế độ chịu tác động của biển-sóng là chủ yếu. Hiện tượng xói lở bờ biển Hải Hậu bắt đầu từ khi sông Sò ngưng hoạt động. Xói lở có xu hướng lan truyền về phía Nam, và tiến tới tạo lập một dạng đường bờ ổn định, có thể gần tương tự như đường bờ cổ trên đoạn Ngô Đồng-Quất Lâm. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Địa chí Hải Hậu, 2009; Huyện ủy - Ủy ban nhân dân huyện Hải Hậu [2]. Đỗ Minh Đức, 2004. Nghiên cứu sự hình và biến đổi quá trình bồi bụ - xói lở ở đới ven biển Thái Bình - Nam Định. Luận án Tiến sỹ, Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội, 2004 [3]. Trần Trọng Huệ, Nguyễn Đức Rỡi và nnk, 2004. Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ cho quy hoạch chi tiết sử dụng hợp lý vùng nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối vùng ven biển huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định. Báo cáo đề tài KHCN tỉnh Nam Định, 2004 [4]. Doãn Đình Lâm, 2002. Lịch sử tiến hóa trầm tích Holocen châu thổ sông Hồng. Luận án Tiến sỹ, Đại học KHTN, Hà Nội, 2002. [5]. Lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Giao Thủy - giaothuy.namdinh.gov.vn [6]. Phạm Thị Nết. 2001. Tiền Hải từ sau khi thành lập (1828) đến cuối thế kỷ 19. Luận án tiến sỹ, Viện sử học, Hà Nội, 2001. [7]. Vũ Văn Phái, Nguyễn Xuân Trường, 1992. Lịch sử phát triển bờ biển rìa Delta sông Hồng trong thời gian gần đây. Tạp chí các khoa học về Trái đất 6-1992. [8]. Quất Lâm - Giáo xứ, giáo họ Việt Nam, giaoxugiaohovietnam.com. [9]. Phạm Quang Sơn, 2004. Nghiên cứu biến động vùng ven biển cửa sông Hồng - sông Thái Bình trên cơ sở ứng dụng thông tin viễn thám và hệ thông tin địa lý phục vụ khai thác sử dụng hợp lý lãnh thổ, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Luận án Tiến sỹ, Đại học KHTN, Hà Nội 2004. Tác giả: PGS.TSKH. Cao Vũ Minh, PGS.TS. Nguyễn Khắc Nghĩa, KS. Nguyễn Huy Thịnh Tạp chí KH&CN Thủy lợi
Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển
Ý kiến góp ý: