TextBody
Huy chương 2

Bộ trưởng đầu tiên của ngành thủy lợi Việt Nam

02/11/2021

Đến thăm Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam số 171 phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội, chính giữa sân không khó để nhận thấy một bức tượng màu đồng, và nếu đến thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ gặp một đường phố có cùng tên với bức tượng, đó là ông Trần Đăng Khoa vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành Thủy lợi Việt Nam.

1. Thân thế và sự nghiệp    

  Ông Trần Đăng Khoa, sinh năm 1907 trong một gia đình nghèo, có truyền thống yêu nước, ở ngoại ô thành phố Huế ( làng Thế Lại Thượng, huyện Hương Trà ).. Thuở bé học ở trường làng. Sau đó ông vào học trường tiểu học Đông Ba –Huế (1917-1921), trường cao đẳng Quốc học Huế (1921-1925) và trường Cao đẳng Công chính Hà Nội (1925-1928), sau khi tốt nghiệp làm tham sự công chính, tiếp tục học hàm thụ trường kỹ sư Erolles, Paris và thi đậu bậc tham sự bậc trên (1928), sau đó thi đậu kỹ sư công chính (1932).

Từ 1928-1945, ông làm việc cho chính quyền Pháp, phụ trách công tác kỹ thuật (đường xá, cầu cống, thủy lợi, điện nước, kiến trúc.. ) thuộc cơ quan công chính miền Nam trung bộ, cơ quan công chính Thừa Thiên và Trung bộ. Sau đảo chính Nhật 9-3-1945, ông làm Giám đốc Công chính Miền Nam Trung bộ, quản lý công trình thuộc các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận và các tỉnh cao nguyên Trung bộ.

Cách mạng tháng 8 bùng nổ, ngày 19 tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội và các tỉnh trong cả nước (trong đó có tỉnh Khánh Hòa) dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Mính và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông tham gia chính quyền Cách mạng với chức vụ “ Ủy viên giao thông trong Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Khánh Hòa, đồng thời phụ trách công chính miền Nam Trung bộ “.

Tháng 11-1945, ông được gọi ra Huế nhận chức Giám đốc Công chính Trung bộ. Ông được mặt trận Việt Minh giới thiệu và ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cứ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6-1-1946 và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 1. Chính phủ cử ông vào Ủy ban kiến thiết quốc gia ở Trung ương

Ngày 2-3-1946, Quốc hội khóa 1 họp lần đầu tiên tại thủ đô Hà Nội trong tình hình đất nước rất căng thẳng do đế quốc, thực dân Pháp gây ra. Ông được cử phụ trách Bộ Giao thông Công chính trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến, một bộ dành cho Việt Minh theo hiệp thương giữa các đảng phái lúc bấy giờ.  

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị trong Hội đồng Chính phủ và nhân sĩ tại Việt Bắc năm 1948 được gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An tặng bảo tàng Hô Chí Minh tháng 10 năm 2000

Từ trái sang phải : Hàng trước: Các vị Nghiêm Xuân Yêm, Vũ Đình Tụng, Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh, Bùi Bằng Đoàn, Phan Anh, Lê Văn Hiến, Bùi Công Trừng, Phan Mỹ, Hàng sau: Các vị : Nguyễn Văn Tạo, Tạ Quang Bửu, Cù Huy Cận, Trần Đăng Khoa, Hoàng Tích Trí, vị này không rõ tên, Trần Duy Hưng

Ngày 7-3-1946,  ông đã cùng với các vị trong Hội đồng Bộ trưởng ký vào Hiệp định sơ bộ Việt Pháp đã ký ngày 6-3-1946, thực hiện hòa hoãn và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài, đánh đuổi thực dân Pháp giải phóng dân tộc .

Tháng 4 năm 1946,  ông được cử vào Phái đoàn đàm phán với Pháp tại hội nghị trù bị Đà Lạt để chuẩn bị cho hội nghị Fontainebleau. Sau hội nghị Đà Lạt ông được phân công tiếp tục chuẩn bị các vấn đề cho phái đoàn Fontainebleau và sau hội nghị  Fontainebleau, nghiên cứu thi hành tạm ước 14-9-1946 mà Hồ Chủ Tịch đã ký với Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Marius Moutel

Ngay 4-11-1946, Quốc hội họp lần thứ 2 để biểu quyết thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Trong kỳ họp này, ông được giao tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Giao thông Công chính. 

Chính phủ kháng chiên ở ATK, Sơn dương, Tuyên Quang năm 1948 từ trái sang phải (người chưa rõ tên được ghi bằng X). Hàng trước X, Vũ đình Huỳnh, Trần Duy Hưng, Hoàng Tích Trí , X. Hàng giữa Nghiêm Xuân Yêm, Bùi Công Trừng, Vũ đình Tụng, Hồ Chí Minh, Phan Kế Toại, Nguyễn Văn Tạo , Lê Văn Hiến . Hàng sau : Hoàng Minh Giám, Trần Đăng Khoa , Trịnh Văn Bính,  Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Phạm Văn Đồng, Tôn Thất Tùng, X, Trần Công Trừng 

Tháng 3-1955 theo Nghị quyết của Quốc hội khóa 1 họp lần thứ 4, bộ Giao thông Công chính tách thành: Giao thông – Bưu điện và Thủy lợi – Kiến trúc, ông được Quốc hội cử làm Bộ trưởng Bộ Thủy lợi- Kiến trúc.

Tháng 4 năm 1958, theo Nghị quyết của Quốc hội khóa 1, họp lần thứ 5, bộ Thủy lợi Kiến trúc tách thành:  Bộ Thủy lợi và Bộ Kiến trúc . Ông được Quốc hộ cử làm Bộ trưởng Bộ Thủy lợi. Đây là nhiệm kỳ Bộ trưởng cuối cùng của ông (1958-1960) 

Từ 1960 -1981: (21 năm) Ông chuyển sang chuyên trách công tác quốc hội, là Phó Chủ Tịch Quốc hội nước cộng hòa XHCNVN (3). Trong thời gian này, ông là Giám đốc, Viện trưởng (kiêm nhiệm Học Viên Thủy lợi, rồi đến Viện nghiên cứu thủy lợi”.

Ảnh Bác Hồ luôn luôn là tấm gương sáng chói về tinh thần và chí công vô tư vì dân vì nước - Ảnh tư liệu (ông Trần Đăng Khoa ở vị trí thứ 2)

Ông là đại biểu Quốc hội các khóa từ 1 đến 7

Phó chủ tích UB thường vu Quốc hội (Phó chủ tịch Quốc hội) ủy viên Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách quốc hộ, Ủy viên ủy ban khoa học và kỹ thuật nhà nước từ khi ủy ban mới thành lập (1960) từ khóa 2 đến khóa 7

  Ông là đại biểu quốc hôi khóa 1 (6-1-1946) và khóa 2 (4-1960) là đại biểu của tỉnh Thừa Thiên

  Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 2 (15-7-1960), ông được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy Ban Thường vụ quốc hội (3) và Ủy viên Ủy ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội

  Ông là đại biểu quốc hôi khóa 3 (4 – 1964) là đại biểu của tỉnh thừa Thiên. Trong kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa 3 ông được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy Ban Thường vụ quốc hội (3) và Ủy viên Ủy ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội    

  Ông là đại biểu quốc hôi khóa 4 (4-1971) đại biểu của tỉnh Hà Bắc. Trong kỳ họp thứ nhất (6-1971) được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy Ban Thường vụ quốc hội (3) và Ủy viên Ủy ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội

 Ông là đại biểu quốc hôi khóa 5 (4-1975) và quốc hội khóa 6 (4-1976) là khóa quốc hội thống nhất cả nước, được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy Ban Thường vụ quốc hội (3) và Ủy viên Ủy ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội                      

Ông là đại biểu quốc hôi khóa 7 (4-1981), được bầu làm ủy viên Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách quốc hộ, Uy viên ủy ban khoa học và kỹ thuật nhà nước từ khi ủy ban mới thành lập (1960) , Cũng trong thời gian này ông giữ chức Giám đốc Học viện thủy lợi, rồi Giám đốcViện nghiên cứu khoa học thủy lợi

Tháng 3 năm 1972 ông được cử vào ban chỉ đạo Hoàn chỉnh thủy nông Trung ương trực thuộc Hội đồng Chính phủ.                        

2. Sự nghiệp cách mạng của Ông trần Đăng Khoa gắn liền với sự hình thành và phát triển ngành Thủy lợi Việt Nam:

Trước cách mạng tháng 8 :

Ông đã có 17 năm làm công tác công chính (do qui định của người Pháp ông chỉ được nghiên cứu, thiết kế công trình giao thông, công trinh thủy lợi nhỏ, điện, nước ) bao gồm :

- Các cầu đường giao thông vận tải ở miền nam Trung bộ, đăc biệt là các tuyến đường chiến lược Tây nguyên, như đường 14.

- Các hệ thống thủy lợi, như hệ thống Phan Rang, hệ thống Tuy hòa, các hồ chứa nước như Cam ly, Hồ Xuân hương (Đà Lạt), Thủy thiện (Bình Định) các tram thủy điện như Ankroet (Đà Lạt) dự án công trình Đa nhim (Dran-Kronpha), dự án cảng Cam ranh, các công trình bảo vệ bờ biển, bờ sông, cùng nhiêu công trình thủy lợi khác ở miền Nam Trung bộ.

Các hệ thống cung cấp nước sạch trong các thành phố (Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Đà Lạt, Ban Mê Thuột.) Các hệ thống phát điện, đường dây tải điện cao thế, cùng nhiều công trình kiến trúc thành phó miềm Nam Trung bộ.    

Sau cách mạng tháng 8:

Ông đã làm công tác thủy lợi liên tục 35 năm,  trong đó có 14 năm liên tục làm việc ở cương vị Bộ trưởng, 21 năm làm việc chuyên trách quốc hội kiêm nhiệm Giám đốc, viện trưởng viện nghiên cứu thủy lợi. Ngoài công tác Thủy lợi ông còn làm công tác giao thông, thủy điện theo nhiệm vụ được giao.                    

Sự nghiệp cách mạng của Ông trần Đăng Khoa gắn liền với sự hình thành và phát triển ngành thủy lợi:

1945-1946

- Hàn gắn nhanh chóng các đoạn đê bị vỡ trong trận lũ tháng 8 – 1945 làm ngập lụt các tỉnh Vĩnh yên, Phúc Yên, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hà Đông, Thái bình và một số tỉnh khác

- Khôi phục và cải tiến các hệ thống thủy nông bị hư hỏng nặng như hệ thống Liễn Sơn, Liên Mạc, Bác Thái Bình

1946 – 1954

- Bảo vệ tăng cường hệ thống đê điều trong vùng tự do, vận động nhân dân giữ vững đê điều trong vùng địch tạm chiếm

- Phát triển trung tiểu thủy nông khắp nơi, xây dựng hồ sông Rộ ở Thanh Chương (hồ chứa thứ 2 sau hồ Xuân Hương ở Miền Bắc), Trạm bơm điện Đô Lương (sau phải dỡ máy vì địch ném bom) đê lấn biển ở Danh Giáo (Thái Bình), đê ngăn mặn ở Hà Tĩnh, Nam Định, Ninh Bình.

Ở chiến khu 1948- Bộ trưởng Trần Đăng Khoa (người đi trước ) trên đường đi công tác

-  Khai thác hệ thống đại thủy nông hiện có ở vùng tự do (Liễn Sơn, Bái thượng, Đô Lương). Củng cố và cải thiện hệ thống Bái thượng.

1954 sau hiệp định Genève

Phục hồi nhanh chóng các công trình thủy nông bị giặc pháp phá hỏng : đập Bái thượng, cống Bàn thạch, cống Qui xá..(Thanh Hóa), đập Thác Huống, cống Vạn già, cống Bến thôn..(Thái Nguyên, Bắc Giang) cống Mụ Bà, công Đô lý, cống Vũng bùn, cống Nam Đàn, Bến thủy..(Nghệ An), cống Liên Mạc (Hà nội). Địch đáng phá ác liệt, các hệ thống công trình hư hỏng năng nề, nhưng chỉ trong vòng 3 tháng các hệ thống này hoạt động bình thường, phục vụ tưới vụ chiêm 1955 thắng lợi.

1954-1960

-  Nghiên cứu qui hoạch sông Hồng cùng với chuyên gia Trung quốc, Liên xô

-  Nâng cao khả năng chống lũ của hệ thống đe điều (tôn cao, đắp rộng) đồng thời tăng cường các cống, các kè, nhờ đó trước kia đê chỉ chịu đựng được mức nươc nước lũ dưới cột 12,00 đã tăng 13.50. Ông đã đặt vấn đề sử dụng phù sa sông ngòi  để tưới ruộng

1. Bác Hồ (phai) cùng ông Khoa (trái) đến thăm các công trường. 2. Bác Hồ (phải) Ông Khoa (trái) đến công trường đê

- Xây dựng các hệ thống thủy nông nhỏ, vừa, lớn như hệ thống các tram bơm Nam Nghệ An, hồ Suối Hai (Sơn Tây), hệ thống Hải An (Hải phòng) đưa nước ngọt qua sông tam bạc bằng Xi-Phông bằng thép, một công trình độc đáo, hệ thống Lâm thao, hệ thống Hà mạo (Phú thọ). Ở Phú thọ lần đầu tiên làm trạm bơm ngoài đê rất kinh tế, hệ thống Gia thượng (Hà Nội ) đặt máy bơm ngoài đê, đồng thời “ tôi đặt một kế hoạch trị hạn, bằng hai chục công trình cụ thể….” Đặc biệt trong nhiệm kỳ của ông đã khởi công xây dựng hệ thống công trình thủy nông Bắc Hưng Hải là công trình không chỉ lớn nhất nước mà còn lớn nhất so với các nước Đông nam Á.   

Xây dựng hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

 Đây là một hệ thống công trình thủy lợi không chỉ lớn nhất của nước ta mà còn lớn nhất Đông nam Á đã được khởi công xây dựng trong nhiệm kỳ ông làm Bộ trưởng, trực tiếp chỉ đạo thực hiện.  

Tháng 6 năm 1956 Bộ Thủy lợi Kiên Trúc được sự giúp đỡ của chuyên gia Trung Quốc đã bắt đâù nghiên cứu công trình Bắc Hưng Hải. Ngày 30/4/1957, hồ sơ dự án được trình Thủ Tướng Chính phủ . Ngày 23-6-1958 Chính phủ phê duyệt chủ trương và kế hoạch xây dựng.

Ngày 27/8/1958, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Thủy Lợi – Kiến trúc Trần Đăng Khoa báo cáo kế hoạch khởi công, tổ chức công trường xây dựng, Thường vụ Hội Đồng Chính phủ dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chi Minh đã phê duyệt và quyết định ngày 01/10/1958 khởi công xây dựng cống Xuân Quan, công trình đầu mối quan trọng của hệ thống (đợt 1), lấy nước vào đồng ngày 30/10/1959. Ông Hà Kế Tấn, Đai tá quân đội nhân dân Việt Nam được chỉ định làm Trưởng ban chỉ huy công trường   (Nguồn tài liệu :Báo cáo của Công TNHH Bắc Hưng Hải).

Cống Xuân Quan – Cống đầu mối của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Sau năm 1960

Từ năm 1960 đến 1981 (21 năm) ông làm công tác chuyên trách của Quốc hội (Phó chủ tịch Quôc hội) nhưng ông vẩn tiếp tục làm công việc về thủy lợi  chủ yêu là công tác nghiên cứu. 

 Tháng 12 năm 1972, Đảng, Chính phủ đặt vấn đề hoàn chỉnh các hệ thủy nông, gọi tắt laf “Hoàn chỉnh thủy nông” thành vấn đề chiến lược. Đồng chí Bí thư thứ nhất (sau này là Tổng Bí thư Lê Duẩn) mời ông tham gia tích cực vào công tác này (thời gian này ông làm công tác chuyên trách của Quôc hội), Hội đồng Chính phủ cử ông vào Ban hoàn chỉnh thủy nông Trung ương. Ban hoàn chỉnh thủy nông trung ương gia đoạn đầu trực thuộc Hội đông Chính phủ  Thực hiện nhiệm vụ ấy ông Khoa là người đã tham gia viết qui hoach hoàn chỉnh và xây dựng công trình thủy lợi thuộc một số hệ thống trong 13 tỉnh, thành ở đồng bằng sông Hồng và trung du làm cơ sở để xây dựng và thực hiện kế hoạch hoàn chỉnh thủy nông.

3.  Ông Trần Đăng Khoa với công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học về thủy lợi. 

Ông rất coi trọng, tham gia công tác đào tạo cán bộ và công tác nghiên cứu khoa học. Ông là “cha đẻ” của Viện KHTL, trường Trung học Thủy lợi đầu tiên .

+  Về đào tạo:

Đọc những điều ông đã viết : “ Trong chiến tranh tôi vẩn lo đào tạo cán bộ kỹ thuật. “Chiến dịch Việt bắc” của Pháp bắt đầu (10-47) thì tôi từ Bắc Cạn xuống Hà Nam cùng đồng chí Nguyễn như Qũi bàn và quyết định mở trường Cao đẳng công chính đào tạo kỹ sư và một trường Trung học công chính đào tạo tham sự chuyên môn (agent technique). Trường đặt ở Cống thần (Hà Nam), sau vì chiến tranh giời vào Đa nê, rồi Cốc (Thanh hóa). Lúc đầu đồng chí Nguyễn như Quĩ phụ trách cả hai trường, nhưng sau khi Đạng Phúc Thông bị kẹt ở Hà Nội đêm 19/12/1946 ra vùng tự do được thì đồng chí Thông thay đồng chí Quĩ, đồng chi Quĩ giữ chức Phó Giám đốc. Trường Cao đẳng đào tạo được một khóa kỹ sư rồi tạm đóng cửa, vì tuyển học sinh có trình độ tú tài lúc đó rất khó. Còn trường Trung học tiếp tục đào tạo cho đến bây giờ. Nhưng cán bộ đào tạo trong hoàn cảnh của chiến tranh rất khó khăn, ngày nay đã trưởng thành giữ các chức vụ quan trọng, có người làm thứ trưởng

Trên công trường khôi phục đâọ Bái thượng đã tuyển 100 học sinh vừa học vừa làm, ban đêm học, ban ngày làm, học gì làm nấy. Đến nay thì tất cả những học sinh ấy là kỹ sư, tiến sĩ cả

 Một điều đáng chú ý là từ 1945 đến 1960, trường Đại học của ta mới đào tạo xong khóa I Kỹ sư xây dựng, cán bộ kỹ thuật rất ít mà công việc thì rất nhiều thé mà anh em cố gắng làm được, kỹ thuật công trình đảm bảo.Có những công trình đói hỏi kỹ thuật rất cao như đập Bái Thượng, Thác Huống và nhiều công trình lớn khác. Hiện nay những công trình khôi phục hoặc xây dựng mới từ hồi ấy vẩn đảm bảo hoạt đông an toàn, hiệu quả                     

   Chúng tôi chỉ dựa vào mấy kỹ sư và tham sự như các đồng chí Khách, Hậu, Hiền, Kim (Đào Trọng), Hạp, Quĩ, Thông (Đỗ Xuân), Thái, Nghệ..Đến 1955 mới có 5 chuyên gia Trung Quốc, sau đó có thêm một số chuyên gia Liên Xô. Hâu hết các công trình mà tôi chủ trương và chỉ đạo trực tiếp đều dựa vào sức mình

   Riêng tôi phải học rất nhiều trong công tác, học trong quần chúng, học chuyên gia (ít hơn). Tôi đi thăm nhiều nước Xã hội chủ nghĩa, Tư bản chủ nghĩa. Đến đâu, ngoài nhiệm vụ chính trị, tôi quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu, học tập khoa học kỹ thuật của họ…giúp tôi rất nhiều trong việc đê xuất, giải quyết , áp dụng thực hiện các chur trường vê thủy lợi nước nhà…” 

Những năm kiêm nhiệm Giám đốc Học viện Thuỷ lợi, ông vẫn dành thời gian giảng bài. Gần 50 năm đã qua mà những sinh viên lúc ấy còn rất nhớ bài giảng của thầy Trần Đăng Khoa. Một trong những sinh viên đó, anh Phạm Hồng Giang – Hiện là GSTSKH, nguyên Thứ trưởng Bộ NN và PTNT , đã kể lại ấn tượng thật sâu sắc khi được nghe thầy Khoa giảng rất súc tích, dễ hiểu và hóm hỉnh về công trình tràn kiểu xi phông có những yêu cầu kỹ thuật đặc biệt. Có lần, khi nhắc đến khẩu hiệu “tưới tiêu theo phương pháp khoa học”, thầy Khoa bật cười và nói: “Tưới tiêu đương nhiên là phải có cơ sở khoa học. Chẳng lẽ ngoài tưới tiêu theo phương pháp khoa học lại còn có tưới tiêu theo phương pháp “tầm bậy” nữa sao?”

+ Nghiên cứu khoa học:

“ Tôi góp phần tích cực xây dựng học viện thủy lợi, rồi đến Viện nghiên cứu thủy lợi tách ra. Tôi đặt kế hoach nghiên cứu hoa học trên 3 lĩnh vực lớn : Thủy công (khoa học kỹ thuật xây dựng công trình thủy lợi) Thủy nông (bao gồm tưới tiêu khoa học cho đồng ruộng và cải tạo, bồi dưỡng đất). Sông ngòi (động lực học sông ngòi, cải tạo sông ngòi, phòng chống lụt). Tôi chỉ đạo và tham gia nghiên cứu nhiều đề tài, nhằm cải tiến kỹ thuật trong sản xuât và xây dựng. Tôi tham gia nghiên cứu qui hoạch sông Hồng, sông Mê kôvà qui hoạch nhiều tỉnh ở miền Bắc, miền Nam.có nhiều ý kiến cụ thể vê cải tạo, khai thác sông Hồng, sông Thái Bình, về công trình sông Lô, sông Đà. Tôi đã đi khảo sát tất cả các tỉnh miền Bắc và miền Nam, nắm tình hình khá cơ bản. Tôi đã báo cáo khá rõ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Thủy lợi và các tỉnh. Tôi đã viết nhiều bài báo về thủy lợi cho các báo và tập san trong nước và một sốho tạp chí nước ngoài như   “Gidotlxnika I melirsia “ “ Zktpostanus”   (Liên xô). Tôi đã dự hội nghị thủy lợi quốc tế ở Bác Kinh năm 1956, báo cáo của tôi đã in trong kỷ yêu thủy lợi Trung Quốc..”

 4. Ấn tượng về chuyến đi khảo sát thực địa của ông Trần Đăng Khoa

- Trong chuyến khảo sát thực địa 3 tỉnh miền trung tháng 5 năm 1973:  Thời gian này  vẫn ở thời điểm còn Chiến tranh phá hoại Miến Bắc) ông đi khảo sát thực địa 3 tỉnh miền trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng bình). Có lẽ đây là chuyến khảo sát thực địa về thủy lợi cuối cùng của đời ông, đã để lại dấu ấn đối với cán bộ kỹ thuật thủy lợi lúc bấy giờ và cả hôm nay.

Trong báo cáo gửi Chủ tịch Quốc Hội Trường Chinh và Tổng Bí thư Lê Duẩn, bằng những kết quả khảo sát thực địa, ông đã lập luận và đưa ra ý kiến “ phải xây dựng hồ Kè Gỗ bắng bất cứ giá nào”, đối lập với ý kiến của một số cán bộ và chuyên gia thủy lợi hồi ấy là chưa nên xây dựng hồ Kè Gỗ (vì suất đầu tư quá đắt) và ông đã quan tâm đến việc xây dựng hồ Ngàn Trươi (Hà Tĩnh).

Ảnh Ông Trần Đăng Khoa (đứng ở giữa) cùng với lãnh đạo tỉnh Hà tỉnh đi khảo sát vùng hồ Kè Gỗ (lòng hồ) các khu dự kiến được tưới, gặp người dân và lãnh đạo huyện trong vùng để có kiến nghị với chủ tịch Quốc hội và Tổng bí thư Lê Duẩn thúc đẩy xây dựng hồ Kè Gỗ (trong ảnh có tác giả bài viết này vị trí 1, từ trái)  

Sau khi nghe một cán bộ qui hoạch thủy lợi khẳng định rằng: đất đai ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bạc màu và nếu có nước thì cây trồng cũng không thể có năng suất cao, đông thời thông báo ý kiến của chuyên gia nước ngoài là : không nên xây dựng hồ Kè Gỗ ( vì suất đầu tư quá đắt )…mặc dù biết nhân dân Hà Tĩnh thiếu đói quanh năm. Ông quyết định về thăm Hà Tĩnh để đến vùng hồ Kè Gỗ , đến tận vị trí dự kiến xây đập, thăm đất đai ở các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà…, trao đổi với cán bộ địa phương và nông dân tại vùng đất bạc màu này                     

   Ông đã cùng với cán bộ địa phương nghiên cứu xem xét, đối chứng các thửa ruộng trong vùng và đã khẳng định nếu có nước tưới ổn định, cùng với kỹ thuật thâm canh, chắc chắn năng suất lúa ở đây sẽ tăng lên hai ba lần

   Ông đã cùng với cán bộ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đi thuyền từ Đức Thọ ngược dòng sông La suốt một đêm để sáng hôm sau đến vị trí xây đập trên sông Ngàn Trươi. Ông rất tâm đắc trong việc xây dựng hồ Ngàn Trươi để giải quyết nước tưới cho vùng hạ du ( hỗ trợ cho trạm bơm Linh Cảm..), phát điện và đặc biệt là giảm đáng kể dòng chảy lũ cho sông La và sông Lam. Tiếc rằng vào thời điểm đó, do nguồn lực có hạn mà nhiều dự kiến đành phải tạm gác. Hiện nay, Chính Phủ đang chỉ đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tích cực chuẩn bị để sớm triển khai dự án này.

Sau chuyên đi ông có bản báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh và Tổng Bi thư Lê Duẩn với nội dung tổng quát là“.. nhân dân Hà Tĩnh theo cách mạng đã bao nhiêu năm rồi mà vẩn chưa có cơm no. Nhân dân vùng Cẩm Xuyên, Thạch Hà vẫn ăn cháo quanh năm. Vì vậy, bằng bất cứ giá nào cũng phải làm hồ Kè Gỗ…”   

(ngược với ý kiến của nhiều chuyên gia là chưa nên làm hồ Kè Gỗ ). Đến bây giờ, câu chuyên xây hồ Kè Gỗ đã trở thành huyền thoại.(Hồ Kè Gỗ được khởi công ngày 26/3/2006, hồ Ngàn Trươi khởi công tháng 5 /2010)

Ảnh Ông Trần Đăng Khoa ở hàng đầu vị trí thứ 3 từ phải sang trái), cùng với  lãnh đạo Hà tĩnh đến vùng dự kiến  xây dựng hồ Ngàn Trươi từ sáng sớm (có ảnh của tác giả bài viết này vị trí 1 từ phải)

Chuyến đi của ông không chỉ là kỷ niệm của ông mà kỷ niệm của nhiều người cùng đi ở cả địa phương và Trung ương. Ông đã đến tận các cánh đồng đất bạc màu năng suất lúa chỉ 1 -1,2 tấn /ha ở Cẩm Xuyên, thăm bà con nông dân khó khăn lương thực, ăn cháo quanh năm, ông đến thăm vùng hồ, tuyến đập dự kiến, sông Kè Gỗ, tắm nước Kè Gỗ. Ông đến Ngàn trươi bằng thuyền, đi từ đêm hôm trước ngược dòng sông La..để sáng sớm hôm sau đến được vùng hồ. Ông đến Trạm bơm Linh cảm, rồi đi dọc sông Nghèn, đến vùng khô hạn Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Trong chuyến đi ông đã làm rõ được nhiều vấn đề về quản lý (qua công Mụ Bà – Bắc Nghệ An) thiết kế (Công trinh Rào Nan – Quảng Binh) Qui hoạch lưu vực sông (Quảng bình, hô Ngàn Trươi, Trạm bơm Linh cảm…Hà Tĩnh

Ảnh : Ông cùng với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh  đến hệ thống Linh Cảm .Thứ tự từ phải sang trái Ông Khoa, tác giả bài viết, ông Đạt lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh

- Trong chuyến đi kiểm tra đập Đô Lương (hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An), ông đã đến cống đầu mối Mụ Bà . Khi qua cống, ông đọc mức nước ở thước đo gắn ở trụ cống rồi vào thăm phòng làm việc của anh“ thủ cống” cũng là kỹ sư thủy lợi. Ông trò chuyện, giải thích, hướng dẫn cách tính và vẽ đường mặt nước sau cống theo nguyên lý của dòng không ổn định, nhắc lại nguyên tắc đóng mở cống…rồi ông đặt câu hỏi: “Mực nước thượng và hạ lưu cống, lưu lượng chảy qua cống tại thời điểm này là bao nhiêu ?”. “ Dạ, thưa bác, chưa thể biết được ạ “, anh “thủ cống” trả lời. Ông nghiêm nét mặt nói:“ Với tư cách là người bạn đồng nghiệp của anh, tôi lấy làm xấu hổ, vì yêu cầu tối thiểu như vậy mà  một người quản lý cũng không biết..”. Khi ngồi trong xe ông phàn nàn với chúng tôi về cách làm việc của cán bộ quản lý. Với cung cách quản lý như vậy, về sau người thủ cống này đã gây nhiều thiệt hại để bị kết án tù 6 tháng.

- Trong chuyến công tác đến tỉnh Quảng Bình, sau khi nghe vị trưởng phòng thiết kế của Sở trình bày các phương án qui hoạch thủy lợi và công trình Rào Nan ..ông đã đặt nhiều câu hỏi về giải pháp kỹ thuật, phương pháp tính toán, phân tích hiệu quả. Cuối cùng, ông bày tỏ sư rất không hài lòng về đồ án thiết kế công trình Rào Nan và nói rằng : “ Nếu tôi được chấm đồ án của anh thì tôi sẽ cho điểm 0, chứ chưa nói đến điểm 1“. Tôi đã thật sự bàng hoàng khi được nghe ý kiến phê bình nghiêm khắc đó. Cũng có thể từ bài học ấy mà vị trưởng phòng đó đã rút kinh nghiệm để tiến bộ và trở thành một cán bộ rất thành đạt sau này.

5.  Nhà nước và nhân dân ghi nhận công lao đóng góp của ông Trần Đăng Khoa

​​​​​​​Đánh giá công lao của ông, nhà nước đã tặng ông các danh hiệu cao quí bao gồm :

- Huân chương Hồ Chí Minh

- Huân chương Độc Lập hạng nhất

- Huân chương chống Pháp hạng nhất

- Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và được Xô viết tối cao Liên Xô (1945-1985) tặng thưởng “ Huân chương Hữu nghị giữa các dân tộc “ và tặng “Kỷ niệm chương về chiến tranh vệ quốc vĩ đại”

 Vinh danh, ghi nhớ công lao của ông, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tạc tượng ông, tỉnh Thừa thiên Huế đã đặt tên ông cho đường phố ở Hương Trà và dựng tượng ông và đặt tên ông cho một trường THCS ở quê ông.

Ông Trần Đăng Khoa, cùng với nhiều nhân sĩ yêu nước như Nguyễn Xiển, Đặng Thái Mai … được bác Hồ dìu dắt, giáo dục, đi theo cách mạng, gắn liền với sự nghiệp Thủy lợi Việt Nam là “không thể lãng quên(2).

Tài liệu tham khảo:

-  Cuộc đời của đồng chí Trần Đăng Khoa

    Tiểu sử về ông, Gia đình ông, 39 năm sông trước cách mạng, 37 năm sống và hoạt động dưới chế độ dân chủ và Xã hội chủ nghĩa

-  Ông Trần Đăng Khoa – Vị Bộ trưởng Bộ Thủy lợi đầu tiên – Nguyễn Xuân Tiệp

-   Báo cáo 60 năm xây dựng và phát triển hệ thông thủy lợi Bắc Hưng Hải  

-   Báo cáo về Hoàn chỉnh thủy nông

-   Một số văn bản gồm Luật, các Nghị định liên quan

(1) VNCOLD, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (nay là Tông Cục Thủy lợi), Sáng lập, thành viên sáng lập VNPIM (Vietnam Network on Participatory Irrigation Management) , CPIM (Center for Participatory Irrigation Management)

(2) Tên của một cuốn sách của nhiều tác giả, nhà xuất bản Công an Nhân Dân.

_________________________________________________________________________________________________

Nguyễn Xuân Tiệp
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi

Nguồn: tongcucthuyloi.gov.vn

Ý kiến góp ý: