TextBody
Huy chương 2

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Giải pháp ứng phó thiên tai phải gắn với ứng dụng khoa học công nghệ

19/08/2019

Ngày 16/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo Ứng dụng khoa học công nghệ trong giảm nhẹ thiên tai do với sự tham gia của các chuyên gia, cán bộ trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) Nguyễn Xuân Cường cho biết: Việt Nam hiện là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như các hoạt động kinh tế xã hội, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước. Dù tiềm lực khoa học công nghệ chưa cao, nền tảng hạ tầng còn hạn chế, nhưng nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân đã góp phần giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Ứng dụng khoa học công nghệ phải chú trọng vào công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục và tái thiết sau thiên tai. Không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học mà cần đẩy mạnh xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp với những sáng chế, ứng dụng kỹ thuật trong phòng chống thiên tai. Ứng phó, thích ứng với thiên tai đã trở thành nội dung thường xuyên trong quá trình tồn tại và phát triển. Để thích ứng phải có các nhóm giải pháp, nhóm giải pháp phải gắn với ứng dụng với khoa học công nghệ và phải tận dụng thành tựu khoa học công nghệ. 

Về công nghệ nuôi bãi, chống xói lở, tôn tạo bãi biển và khả năng áp dụng cho bãi biển bắc Cửa Đại (Hội An, tỉnh Quảng Nam), PGS.TS Trần Thanh Tùng - Khoa Kỹ thuật Biển - Đại học Thủy lợi đề xuất cần sớm quan trắc liên tục các diễn biến bãi biển, dòng chảy ven bờ; cần có cơ sở khoa học khi đề xuất và thiết kế công trình bảo vệ bãi biển; chiến lược và kế hoạch tổng thể cho dự án khôi phục, tôn tạo bãi biển Cửa Đại; thực hiện sớm dự án thử nghiệm cho bãi biển phía Bắc Cửa Đại.

Trần Đức Trinh - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết: Viện đã đạt được một số kết quả trong công tác cảnh báo sớm lũ, lũ quét cho một số lưu vực thuộc tỉnh Lào Cai và Yên Bái như đã lắp đặt và chuyển giao 3 hệ thống cảnh báo sớm cho hai lưu vực Suối Pèng và Bát Xát của tỉnh Lào Cai và 01 lưu vực thuộc Huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; Nghiên cứu đặc trưng thủy văn-thủy lực, địa hình, thảm phủ của từng lưu vực để thiết lập các ngưỡng cảnh báo tự động phù hợp; Tổ chức đào tạo chuyển giao kỹ thuật và vận hành hệ thống và ứng phó cho người dân các vùng bị ảnh hưởng bởi lũ và lũ quét và đang chuẩn bị lắp đặt thêm 02 lưu vực nữa thuộc tỉnh Yên Bái.

Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Thành Long – Phó phòng, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam đã giới thiệu công nghệ quan trắc, cảnh báo sớm lũ bùn đá tại Bản Khoang (Lào Cai). Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, một hệ thống cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian thực được nghiên cứu, xây dựng thử nghiệm. Hệ thống sử dụng công nghệ của Đài Loan do các đối tác Đài Loan có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về trượt lở dạng dòng bùn lũ đá, đã chứng tỏ được thành công ở Đài Loan. Công tác lắp đặt thử nghiệm để nghiên cứu đánh giá tính thích ứng, nghiên cứu điều chỉnh các tham số của hệ thống này phù hợp với bối cảnh Việt Nam, cần tiếp tục nội địa hóa các trang thiết bị cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian thực phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm giảm chi phí, làm chủ công nghệ. Cần có phối hợp với các bên liên quan xây dựng tiêu chí lựa chọn khu vực lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian thực. Chuẩn hóa, đề xuất nhân rộng mô hình cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian thực cho các tỉnh miền núi tại Việt Nam.

Các đại biểu tại Hội thảo đều có chung quan điểm, đó là để ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, cần có sự nghiên cứu toàn diện, khoa học cũng như các điều kiện khách quan của Việt Nam và học hỏi vận dụng kinh nghiệm của thế giới.

Theo www.mard.gov.vn

 

Ý kiến góp ý: