Các địa phương Nam bộ đầu tư nhiều dự án chống ngập
02/05/2013Trước diễn biến bất thường của thời tiết, cùng với đó là mùa mưa bão, lũ đang đến gần, để chủ động phòng chống thiên tai, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân cũng như phát triển sản xuất, nhiều công trình chống ngập ở Nam Bộ đang được đầu tư, thi công
An Giang: Ðẩy nhanh thi công 42 cụm, tuyến dân cư trước mùa mưa lũ
Theo ông Nguyễn Khải Hoàng, Trưởng phòng Quản lý nhà và Bất động sản thuộc Sở Xây dựng tỉnh An Giang, tỉnh đang đẩy nhanh thi công các hạng mục công trình kỹ thuật, cơ sở hạ tầng cụm, tuyến dân cư và nhà vượt lũ giai đoạn II. Khả năng cuối tháng 6/2013 sẽ hoàn thành, bố trí dân cư vào sinh sống ổn định trước mùa mưa lũ năm 2013.
Tỉnh An Giang triển khai chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vượt lũ nhiều và nhanh nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên tiến độ vẫn chậm so kế hoạch, do tình hình trượt giá, ngân sách tỉnh không đáp ứng kịp thời nguồn vốn đầu tư, trong khi đó ở giai đoạn II không giải quyết diện nhà linh hoạt. Đến nay, tỉnh An Giang đã hoàn tất việc tôn nền và 36/42 cụm tuyến đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật đường, điện, cống thoát nước, bãi rác... Chương trình Cụm tuyến dân cư và nhà ở vượt lũ ở tỉnh An Giang được triển khai từ năm 2001 - 2013 với tổng kinh phí Trung ương và địa phương là 1.084,5 tỉ đồng, được chia làm 2 giai đoạn.
An Giang là vùng đất mềm, đầu nguồn, chịu ảnh hưởng lũ lụt hằng năm. Những năm gần đây, tình hình sạt lở đang xảy ra rất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Tỉnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ xây dựng thêm 19 cụm tuyến với tổng vốn 530 tỉ đồng, giúp 5.750 hộ phát sinh ở giai đoạn II an cư lạc nghiệp.
Hậu Giang: Đầu tư xây dựng hệ thống đê bao ngăn lũ kiên cố tại huyện Phụng Hiệp
Năm nay, nông dân trồng mía ở Hậu Giang có thuận lợi là được tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống đê bao ngăn lũ kiên cố ở huyện Phụng Hiệp với tổng diện tích trên 5.000 ha, nguồn kinh phí trên 180 tỷ đồng.
Đồng thời Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ, đơn vị bao tiêu nguồn mía nguyên liệu chính cho bà con đầu tư hàng chục máy bơm nước có thể giúp bà con bơm nước chống úng và an tâm giữ mía trong mùa lũ mà không sợ thiệt hại.
Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ còn ký hợp đồng bao tiêu với nông dân trong tỉnh với sản lượng khoảng 700.000 tấn mía với giá bao tiêu tại cầu cảng nhà máy là 830 đồng/kg loại mía có chữ đường 10 CCS. Ngoài ra, năm nay lần đầu tiên Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ giới thiệu cho nông dân các loại máy như máy đào hốc mía, máy vào chân mía để giúp bà con giảm công chăm sóc.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, diện tích trồng mía trong năm nay của toàn tỉnh giảm hơn 700 ha, trong đó diện tích giảm nhiều nhất tập trung ở xã Vĩnh Viễn của huyện Long Mỹ và các xã vùng trũng của huyện Phụng Hiệp.
Một số xã vùng trũng của huyện Phụng Hiệp thường xuyên bị ngập lũ gây thiệt hại nên chính quyền đã vận động nông dân bỏ mía chuyển sang trồng lúa và các loại cây trồng khác. Đến nay, diện tích mía toàn tỉnh đã xuống giống được gần 13.500 ha, đa số trong giai đoạn từ 3 đến 5 tháng tuổi và đang phát triển tốt.
Cà Mau: Đầu tư 1.350 tỷ đồng cho các công trình thủy lợi
Theo dự án quy hoạch thuỷ lợi chống ngập úng thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, thì từ đây đến năm 2020 sẽ đầu tư trên 1.350 tỷ đồng cho các công trình thuỷ lợi.
Nguồn vốn trên sẽ được huy động bằng nhiều nguồn từ ngân sách Trung ương và địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và các nguồn vốn khác.
Theo đó, từ nay đến năm 2020, các dự án sẽ tập trung vào khu vực trung tâm thành phố, với 6 ô thuỷ lợi để chống ngập. Một số bờ bao chống tràn cụ thể sẽ được nâng cấp và xây dựng mới gồm sông Cà Mau, kinh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, kinh Quản lộ Phụng Hiệp, sông Gành Hào, sông Ông Đốc, Rạch Rập, kinh xáng Lương Thế Trân, đường vành đai số 3.
Đồng thời, xây dựng 16 cống tiêu thoát nước tại các ô bao; nạo vét kinh rạch, xây dựng 4 trạm bơm tại các ô bao gồm 15 tổ máy bơm công suất lớn…
Sóc Trăng: Đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng Dự án Kè chống sạt lở
Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng Dự án Kè chống sạt lở sông Long Phú, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú.
Trong các năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Sóc Trăng đã được hỗ trợ đầu tư một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng từ nguồn vốn ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều công trình thiết yếu khác vẫn chưa được đầu tư, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện dân sinh, nhưng do nguồn vốn ngân sách địa phương quá hạn hẹp, không có khả năng cân đối để thực hiện.
Là vùng đất thấp, nằm ở cuối hạ lưu sông Hậu và tiếp giáp với biển Đông, tỉnh Sóc Trăng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Hiện nay, sông Long Phú, huyện Long Phú đã sạt lở rất nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật, mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu vực; ngoài ra, các hộ dân xây dựng nhà ở cặp bờ sông rất nhiều, chủ yếu là nhà tạm, nhà sàn trên sông nên rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân, đặc biệt nghiêm trọng là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Do đó, việc đầu tư công trình Kè chống sạt lở sông Long Phú, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng là rất cấp bách, nhằm đối phó với tình trạng sạt lở bờ sông, giảm nhẹ thiệt hại khi xảy ra bão lũ, triều cường. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 87 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách tỉnh đang rất khó khăn, không thể cân đối nguồn vốn địa phương để đầu tư cho công trình này, do đó Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ đầu tư dự án.
Đây là công trình phục vụ dân sinh, nhằm chống sạt lở xâm nhập sâu vào đất liền gây thiệt hại đến các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật cặp bờ sông, nhất là bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.
Theo cpv.org.vn
Ý kiến góp ý: