TextBody
Huy chương 2

Các giải pháp nâng cao hiệu quả công trình chỉnh trị sông trên hệ thống sông Cửu Long và sông Đồng Nai - Sài Gòn

23/12/2013

Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng các công trình kè bảo vệ bờ sông (kênh, rạch) trên hai hệ thống: sông Cửu Long và sông Sài Gòn - Đồng Nai cũng như nguyên nhân gây hư hỏng trong khuôn khổ dự án cấp Bộ: Điều tra đánh giá các công trình bảo vệ bờ trên hệ thống sông Cửu Long và hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai", cùng với kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án có liên quan, bài viết đề xuất các giải pháp khắc phục, kiến nghị các nghiên cứu bổ sung trong quy trình, quy phạm để phục vụ cho công tác quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý công trình chỉnh trị sông hiệu quả hơn.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Sạt lở bờ sông (kênh, rạch) trên hệ thống sông Cửu Long và Đồng Nai - Sài Gòn đã và đang gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng đến mức báo động. Hàng năm, Nhà nước và nhân dân phải đầu tư rất nhiều tiền bạc, của cải để xây dựng công trình kè bảo vệ nhà cửa và các cơ sở hạ tầng dọc theo khu vực xói lở ven sông.

Tuy nhiên, các công trình bảo vệ bờ sau khi được xây dựng đã tác động trở lại cấu trúc dòng chảy, biến hình lòng dẫn ở các mức độ khác nhau. Một số công trình sau khi xây dựng được một vài năm (có khi còn đang xây dựng) đã gặp phải sự cố, gây ra nhiều thiệt hại. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá ưu nhược điểm của các dạng công trình bảo vệ bờ, những phân tích nguyên nhân gây xói lở, việc đề xuất giải pháp khắc phục cho những công trình trong tương lai là rất cần thiết nhằm mang lại hiệu quả hơn cho các công trình bảo vệ bờ sông, kênh rạch trong hai hệ thống sông trên.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

-  Điều tra: Phối hợp với các địa phương thu thập các tài liệu cơ bản (địa hình, địa chất, khí tượng thủy, hải văn) và điều tra đánh giá các công trình bảo vệ bờ đã được xây dựng trong những năm qua, từ đơn giản đến bán kiên cố và kiên cố;

-  Khảo sát các tài liệu cơ bản bổ sung ở các công trình bị sự cố, hư hỏng, xem xét tác động, tính toán xác định nguyên nhân gây hư hỏng công trình;

-  Đối chiếu giữa cách tính thực tế với quy phạm hiện hành về thiết kế công trình;

-  Đánh giá tác động của công trình bằng các mô hình toán, phần mềm như Geoslope (tính ổn định), MIKE 11, MIKE21C (tính toán xói lở  bồi lắng).

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VỀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TRÌNH  

3.1    Công tác lập quy hoạch chỉnh trị sông

Bất kỳ công trình chỉnh trị sông nào cũng cần phải tuân theo một quy hoạch chỉnh trị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hầu hết các công trình đã thi công và đang khai thác chưa nằm trong quy hoạch chỉnh trị tổng thể của sông rạch hay đoạn sông rạch nơi có công trình. Do vậy chưa lường trước những diễn biến phức tạp do công trình gây ra đối với khu vực đó cũng như các khu vực lân cận. Hầu hết các công trình bảo vệ bờ đã xây dựng đều ở dạng bị động, nên không tác động nhiều vào lòng dẫn vì thế không gây ra những mâu thuẫn đáng kể. Tuy nhiên, ở một số khu vực nằm trên đoạn sông phân lạch, mâu thuẫn đã hiện hữu, ví dụ như đoạn Tân Châu – Hồng Ngự: Việc chống xói cho nhánh Hồng Ngự trong những năm qua chưa xong, thì nay lại phải chống xói cho nhánh Long Khánh. Do lòng dẫn đã biến đổi và làm đảo ngược xu thế xói bồi của hai nhánh này trong thập niên qua [[4]]. Vì vậy, cần phải có quy hoạch tổng thể cho cả đoạn sông Tân Châu – Hồng Ngự (Hình 1a), có phân chia các giai đoạn xây dựng công trình ở các đoạn sông khác nhau. Nếu việc quy hoạch kéo dài, cần phải có nghiên cứu để điều chỉnh quy hoạch.

Ở các đoạn sông khác như Châu Thành - Long Xuyên trên sông Hậu (Hình 1b), hay Mỹ Thuận - Vĩnh Long trên sông Tiền (Hình 2), nếu có quy hoạch chỉnh trị tổng thể hợp lý, sẽ giảm bớt được quy mô công trình chống xói lở ở thành phố Long Xuyên và thành phố Vĩnh Long. Đồng thời làm giảm thiểu bồi lắng cho nhánh trái cù lao ông Hổ ở Long Xuyên và nhánh trái sông Tiền đoạn đối diện với sông Cổ Chiên, giảm ách tắc luồng lạch giao thông thủy ở hai khu vực này [[3]].

Như vậy đối với các đoạn sông phân lạch, quy hoạch chỉnh trị tổng thể sẽ phân phối hợp lý dòng chảy để đồng thời giảm thiểu xói lở và bồi lắng cho các lạch, từ đó giảm quy mô công trình, tránh lãng phí.

Thiết lập quy hoạch chỉnh trị sông là một vấn đề khó, nhưng cần thiết phải làm để tránh mâu thuẫn trong việc chống xói bồi tổng thể cho cả con sông hoặc đoạn sông trọng điểm.

 

Hình 1. Đoạn  sông phân lạch Tân Châu – Hồng Ngự (tỉnh An Giang và Đồng Tháp) và Châu Thành – Long Xuyên (tỉnh An Giang) [[6]]cần có quy họach chỉnh trị tổng thể
 

Hình 2.  Đoạn  sông phân lạch Sa Đéc – Mỹ Thuận – Vĩnh Long (tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Vĩnh Long) [[6]] cần có quy họach chỉnh trị tổng thể

3.2    Công tác khảo sát

3.2.1   Khảo sát địa hình

Khảo sát địa hình là công tác bắt buộc để tính toán ổn định và giá thành công trình. Tuy nhiên, vì chưa có quy hoạch chỉnh trị sông, cho nên cần phải khảo sát trên phạm vi rộng hơn và dài hơn, nhằm tính toán diễn biến công trình theo tài liệu thực đo. Hầu hết các đơn vị tư vấn địa phương chỉ khảo sát địa hình trong phạm vi công trình xây dựng (như kè Long Xuyên, kè đình Tân Hoa v.v…), do đó chưa thể nhìn nhận tổng thể về diễn biến lòng dẫn có thể xảy ra và dự báo khả năng diễn biến trong tương lai, để dự phòng an toàn cho công trình. Vì lòng dẫn sông thay đổi nhiều trong mùa lũ, cho nên cần phải cập nhật địa hình sau lũ, nhất là đối với giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công.

3.2.2   Khảo sát địa chất

Về công tác khảo sát địa chất công trình, nếu tuân theo Tiêu chuẩn ngành 14TCN115-2000 (Thành phần, nội dung và khối lượng khảo sát địa chất trong các giai đọan lập dự án và thiết kế công trình thủy lợi) thì không có mục áp dụng cho công trình kè, mà cần áp dụng các tiêu chuẩn có liên quan của ngành Giao thông. Trong đó, có một số vấn đề sau:

+ Nếu chỉ tính toán ổn định tổng thể theo chỉ tiêu thí nghiệm sức chống cắt bằng máy cắt phẳng như ở những khu vực đất tốt (ở miền Trung, miền Bắc), quy mô công trình sẽ rất lớn. Kết quả tính toán từ các công trình thực tế cho thấy, đối với các khu vực đất yếu như ở các tỉnh ĐBSCL, thí nghiệm cắt quay ở hiện trường cho kết quả sát hơn về sức chống cắt của lớp bùn sét yếu – lớp có độ dày lớn – là lớp quyết định chủ yếu đến giá thành công trình. Bảng 1 so sánh kết quả tính toán cung trượt hiện trạng của bờ sông (rạch) theo hai phương pháp thí nghiệm mẫu đất bùn sét: thí nghiệm bằng máy cắt phẳng và thí nghiệm cắt quay hiện trường. Về lý thuyết, bờ sông hiện trạng phải có hệ số ổn định Kmin  ≥ l. Thí nghiệm cắt quay hiện trường cho kết quả chính xác hơn (mặc dù có khi hệ số này vẫn nhỏ hơn 1 khi tính theo chỉ tiêu cắt quay hiện trường). Vì vậy, đề nghị áp dụng thí nghiệm cắt quay hiện trường cho các công trình kè trên nền đất bùn sét yếu (Góc ma sát trong φI <10 (độ); C< 0.15 Kg/cm2). Tuy nhiên, khi tính về ổn định cọc, thấm v.v... thì các chỉ tiêu cắt nén bằng máy cắt phẳng vẫn còn được sử dụng.  

Bảng 1.  So sánh hệ số ổn định mái bờ sông (rạch) giữa hai phương pháp thí nghiệm đối với lớp bùn sét yếu

STT

Công trình kè

Chỉ tiêu lớp đất bùn sét yếu

Kmin theo chỉ tiêu

Chiều dày

(m)

gtự nhiên

(g/cm3)

Lực dính CI (kG/cm2)

Góc ma sát trong φI (độ)

Thí nghiệm thông thường

cắt quay hiện trường

1

Cổ Chiên (Vĩnh Long)

K6+400

28

1.74

0.10

5034’12’’

0.738

1.35

K9+200

0.600

1.195

2

Năm Căn (Cà Mau)

31

1.479

0.04

2016’59’’

0.643

0.879

3

Tân Tiến (Cà Mau)

19

1.96

0.06

5031’12’’

0.650

1.045

4

Thanh Lễ (Bình Dương)

18

1.49

0.07

5001’48’’

0.615

0.95

5

Mai Thôn (Tp.HCM)

18

1.51

0.11

4023’00’’

0.76

0.93

+ Để tính toán biến dạng công trình, các chỉ tiêu thí nghiệm bằng máy cắt nén một trục khi được áp dụng còn gây nhiều tranh cãi (giữa các chuyên gia tư vấn và thẩm tra). Nhiều ý kiến cho rằng cần có thí nghiệm mẫu đất nguyên dạng (bằng phương pháp 3 trục). Các trường hợp thí nghiệm cố kết thoát nước, không cố kết thoát nước, hạn chế nở hông v.v... cần phải được nghiên cứu xem xét. Đây là một vấn đề rất lớn mà quy trình quy phạm không đề cập, cần phải có những nghiên cứu và đề ra quy định, hướng dẫn cụ thể.

3.2.3   Khảo sát thủy văn,  thủy lực, bùn cát

Phần lớn tại các vị trí xây dựng công trình chỉnh trị đều thiếu tài liệu thủy văn, dòng chảy và bùn cát, đặc biệt là trường phân bố vận tốc dòng chảy và chất cấu tạo lòng dẫn cũng như vận tốc cho phép không xói của lòng dẫn. Chính vì vậy, việc đánh giá khả năng gây xói lở, đặc biệt là dự báo xói lở ở chân công trình chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế cho thấy, hầu hết sự cố xảy ra ở các công trình kè là do chân kè bị xói và dẫn đến mất ổn định cục bộ (ngang, đứng) và ổn định tổng thể của công trình. Đối với những đoạn sông ảnh hưởng của lũ thượng nguồn, hoặc lũ và triều, thì nên khảo sát dòng chảy, bùn cát vào mùa lũ, khi đó dòng chảy mang nhiều bùn cát. Còn đối với sông chịu ảnh hưởng của thủy triều là chính, nên khảo sát thủy văn, thủy lực bùn cát vào giai đoạn triều cường.

3.3     Công tác thiết kế công trình chỉnh trị

3.3.1   Tuân thủ quy hoạch chỉnh trị sông

Công tác tư vấn bắt buộc phải tuân thủ quy hoạch. Trường hợp thiếu quy hoạch cần phải bổ sung. Vì nếu không có quy hoạch, công trình xây dựng sẽ không bảo đảm lợi ích tổng hợp, đôi khi chống xói lở cho khu vực này nhưng lại gây sạt lở cho khu vực khác.

Đối với hệ thống sông ở ĐBSCL chịu tác động của dòng chảy hai chiều thì việc xác định phạm vi công trình sẽ rất khó khăn. Xác định chiều dài công trình hợp lý (kinh tế) cần phải có nghiên cứu diễn biến lịch sử của đoạn sông hay tính toán trên mô hình toán hoặc mô hình vật lý.

3.3.2   Về tính toán ổn định công trình

Ngoài việc tính toán ổn định cục bộ và tổng thể của công trình kè thông thường, cần đặc biệt chú ý trong trường hợp có xói chân kè hoặc dự báo xói chân kè. Nếu không thể thí nghiệm trên mô hình vật lý thì cũng cần phải nghiên cứu dự báo trên mô hình toán hoặc tính theo các nghiên cứu thực nghiệm.

Để tính toán ổn định tổng thể và cục bộ của công trình, nếu chỉ áp dụng tiêu chuẩn ngành 14TCN 84-91 “Công trình bảo vệ bờ sông để chống lũ, quy trình thiết kế” sẽ không tính toán được chi tiết ổn định của các bộ phận công trình kè phức tạp, như kè tường đứng có tham gia của cọc BTCT để gia tăng chống trượt. Như đã nêu ở trên, quan điểm lấy các chỉ tiêu thí nghiệm cắt quay hiện trường khi có tồn tại lớp bùn sét yếu cần được xem xét để tính toán ổn định tổng thể công trình. Cũng lưu ý là khi áp dụng chỉ tiêu thí nghiệm này, thì hệ số ổn định tổng thể của công trình cần tăng lên là bao nhiêu, ví dụ nếu áp dụng tiêu chuẩn thiết kế 22TCN262-2000 của Bộ Giao thông Vận tải, thì hệ số ổn định nhỏ nhất Kmin=1,2 (riêng trường hợp dùng kết quả thí nghiệm cắt nhanh không thóat nước ở phòng thí nghiệm để tính tóan thì hệ số  Kmin=1,1). Khi áp dụng phương pháp Bishop để tính toán ổn định thì hệ số ổn định nhỏ nhất Kmin=1,4. Đây cũng là một vấn đề gây bất đồng quan điểm giữa các chuyên gia tư vấn và thẩm tra, cần phải có nghiên cứu sâu làm sáng tỏ.

Đối với các công trình kè có sự tham gia của cọc (hay cừ) trong sự gia tăng ổn định tổng thể, mặc dù có thể áp dụng tiêu chuẩn thiết kế 22TCN207-92 (công trình bến cảng biển – Bộ giao thông vận tải và Bưu điện), nhưng trong thực tế, có nhiều bất đồng giữa các chuyên gia tư vấn và thẩm định về quan niệm tính toán áp dụng công thức trong tiêu chuẩn này.

Khi tính toán biến dạng (chuyển vị) công trình có thể áp dụng các phần mềm nào? chỉ tiêu của nền cần thí nghiệm là gì? cần có chỉ dẫn cụ thể (như đã nêu trong mục Khảo sát địa chất).

3.3.3   Thiết kế biện pháp thi công

Hầu hết ở các công trình kè bảo vệ bờ trên các sông rạch chính đều có áp dụng biện pháp thả bao tải cát chân kè (thường rất sâu) để bảo đảm mái ổn định, sau đó phủ lên một lớp vải địa kỹ thuật và trên cùng là lớp rọ đá, thảm đá hay thảm bê tông. Khối lượng công trình phần chân kè rất lớn, quyết định đến giá thành công trình. Tuy nhiên, các biện pháp bảo đảm an toàn và kỹ thuật chưa có quy định trong Tiêu chuẩn thiết kế, chẳng hạn như độ lồi lõm của mái dốc cho phép, khe hở cho phép giữa các “băng” vải địa kỹ thuật, giữa các thảm đá, thảm bê tông; biện pháp kiểm tra chất lượng v.v….

Chính vì vậy, cần có một tiêu chuẩn thiết kế rõ ràng và chi tiết hơn để phục vụ cho công tác tư vấn, thẩm tra và phê duyệt thiết kế công trình kè.

3.4    Công tác thi công công trình

Từ thực tế sự cố các công trình đã xảy ra cho thấy một số công trình thi công không đúng trình tự và không bảo đảm chất lượng. Biện pháp thi công thông thường là từ ngoài sông vào trong bờ, để bảo đảm chân công trình ổn định trước khi thi công phần trên bờ. Ngoài ra, còn phải chú ý tới vấn đề an toàn giao thông thủy trong giai đoạn thi công.

Do công trình thi công trong môi trường nước, công tác kiểm tra bằng thợ lặn để bảo đảm mối ghép giữa các tấm vải địa kỹ thuật và khe hở giữa các thảm đá cần được quan tâm. Chủ đầu tư cần có nhân lực (đặc biệt là thợ lặn) kiểm tra độc lập và khách quan.  

3.5   Công tác duy tu bảo dưỡng công trình

Hầu hết các công trình đã vận hành chưa có kế hoạch và kinh phí để kiểm tra định kỳ, đặc biệt là kiểm tra diễn biến lòng dẫn. Thông thường khi có dấu hiệu hư hỏng thì công trình mới được quan tâm. Hiện nay, các công trình sau khi hoàn thành được giao cho Công ty công viên cây xanh, Công ty du lịch, v.v…  quản lý. Các đơn vị này không có đủ năng lực để theo dõi và đánh giá an toàn công trình. Đề nghị công tác theo dõi diễn biến, duy tu bảo dưỡng công trình kè phải được giao cho các đơn vị có đủ năng lực như các Chi cục thủy lợi hay công ty quản lý khai thác công trình v.v… của các tỉnh. Nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên là:

1. Căn cứ vào nội dung thực hiện của năm trước, xem xét và lập dự trù kinh phí trong năm cho công tác duy tu bảo dưỡng các công trình do đơn vị quản lý, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

2. Định kỳ (khoảng 3 năm một lần) khảo sát địa hình toàn bộ khu vực công trình, đặc biệt sau những năm lũ lớn cần phải khảo sát kiểm tra ngay, so sánh với địa hình đã khảo sát đợt trước để đánh giá diễn biến lòng dẫn và đề xuất lên cấp có thẩm quyền giải pháp gia cố ổn định công trình khi cần thiết;  

3. Định kỳ hàng năm trước mùa mưa lũ kiểm tra các bộ phận công trình, xem xét xử lý các hiện tượng nứt, vỡ, lún sụp, sạt lở,... kịp thời sửa chữa theo đúng yêu cầu kỹ thuật để khôi phục công trình trở về nguyên dạng;

4. Vệ sinh: chặt bỏ cây dại không cần thiết, rác; vật nổi đeo bám vào mái kè, cống thoát nước v.v… trong phạm vi công trình;

5. Kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm hành lang công trình và các biểu hiện có nguy cơ gây mất an toàn công trình (xây cất, chất tải, neo đậu xà lan, tàu thuyền v.v…vượt quá quy định);

6. Lưu trữ hồ sơ thiết kế, duy tu bảo dưỡng công trình theo quy định. Vì các cơ quan chuyên ngành hay thay đổi trụ sở, hồ sơ dễ thất lạc, có thể quy định lưu trữ tại thư viện của địa phương quản lý công trình đó.

3.6     Công tác quản lý xây dựng công trình

Công tác quản lý xây dựng công trình ở đây được hiểu là của cơ quan ngành hoặc chủ đầu tư trong việc quản lý công tác tư vấn và xây dựng công trình chỉnh trị sông.

-  Cần thiết phải xem xét quy hoạch tổng thể cho sông (rạch) hoặc đoạn sông (rạch) có công trình đi qua, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chỉnh trị tổng thể;

-   Kiểm soát thành phần, nội dung và khối lượng khảo sát cho đầy đủ theo tiêu chuẩn ngành 14TCN 84-91 “Công trình bảo vệ bờ sông để chống lũ, quy trình thiết kế”. Do tiêu chuẩn này cũng chưa đầy đủ, cần sọan thảo bổ sung tiêu chuẩn này để có thể tính toán thiết kế công trình một cách thuận lợi, trong đó đặc biệt quan tâm tới:

+  Phạm vi khảo sát địa hình phải đủ để phục vụ quy hoạch tổng thể;

+  Bắt buộc phải có thí nghiệm cắt quay tại hiện trường cho lớp bùn sét yếu, phục vụ đánh giá ổn định công trình;

+ Quy định các phần mềm tính toán và các chỉ tiêu thí nghiệm cơ học đất cần thiết phục vụ tính tóan;

+ Hướng dẫn chi tiết việc tính toán ổn định công trình khi có sự tham gia chống cắt của cọc (cừ);

+ Quy định sai số cho cho phép khi tạo mái dốc bằng bao tải cát, khe hở cho phép giữa các “băng” vải địa kỹ thuật, giữa các thảm đá, thảm bê tông; biện pháp kiểm tra chất lượng v.v….

+ Khảo sát tài liệu thủy văn – thủy lực, bùn cát phục vụ tính toán dự báo biến hình lòng dẫn.

+ Quy định chu kỳ kiểm tra, duy tu bảo dưỡng và cần quy định vốn duy tu bảo dưỡng trong quá trình khai thác công trình.

-  Kiểm soát chặt chẽ nội dung nghiên cứu tính toán phạm vi công trình, dự báo diễn biến lòng dẫn, khả năng xói chân công trình và giải pháp ổn định chân công trình;

-  Cần có những quy định cụ thể về cơ quan và trách nhiệm lưu trữ, quản lý hồ sơ thiết kế, thi công, hoàn công, duy tu bảo dưỡng công trình để tránh thất lạc hồ sơ như tình trạng hiện nay.

IV. KẾT LUẬN

Công trình bảo vệ bờ sông nói riêng và chỉnh trị sông nói chung, từ đơn giản đến bán kiên cố và kiên cố ở trên hệ thống sông ở ĐBSCL mặc dù đa số đã phát huy tác dụng, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều nhược điểm cần thiết phải có đầu tư nghiên cứu để giảm thiểu những hư hỏng, gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân. Đặc biệt ở các công trình bán kiên cố và kiên cố, do điều kiện tự nhiên và đặc điểm công trình bảo vệ bờ ở ĐBSCL và hạ du sông Sài Gòn – Đồng Nai có nhiều khác biệt so với miền Bắc và miền Trung, cần có những nghiên cứu bổ sung quy trình quy phạm phù hợp để cập nhật giúp cho công tác quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý công trình ngày càng hoàn thiện hơn, đảm bảo nâng cao hiệu quả các công trình đã xây dựng. Đó là:

-  Về quy hoạch: cần phải lập và phê duyệt quy hoạch chỉnh trị đoạn sông trước khi xây dựng công trình chỉnh trị cụ thể cho một khu vực nhất định, để tránh mâu thuẫn và tác động tiêu cực giữa các công trình;

-   Về khảo sát: Cần phải khảo sát toàn bộ địa hình lòng sông và dài hơn nhiều so với khu vực xây dựng công trình để có thể có thể đánh giá hình thái của cả đoạn sông. Địa chất trong vùng nghiên cứu chủ yếu là đất bùn sét yếu, do đó cần khảo sát chỉ tiêu cắt quay ở hiện trường để tính toán ổn định cho công trình, đảm bảo thực tế, khách quan và kinh tế hơn. Tài liệu thủy văn cần được khảo sát vận tốc dòng chảy, phân bố vận tốc dòng chảy và chất cấu tạo lòng dẫn cũng như vận tốc cho phép không xói của lòng dẫn nhằm đánh giá và dự báo xói lở ở chân công trình;

-  Về công tác thiết kế, cần phải dự báo xói lòng dẫn để đảm bảo công trình không bị mất ổn định khi khu vực bị xói sâu hơn. Việc tính ổn định tổng thể công trình bằng chỉ tiêu cắt quay (cắt cánh) hiện trường đối với công trình nằm trong vùng đất bùn sét yếu cần được xem xét;

-  Về duy tu bảo dưỡng: cần có quy trình duy tu bảo dưỡng định kỳ cho các công trình đã xây dựng để đảm bảo an toàn và nâng cao tuổi thọ công trình. Đồng thời  cần có quy định cho việc lưu trữ các hồ sơ trong các giai đoạn quản lý xây dựng công trình, để có thể tham khảo, tra cứu dễ dàng. Xem xét lưu trữ hồ sơ các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn các tỉnh trong thư viện của tỉnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Dinh Cong San (2005), “Research on river bed erosion and sedimentation prediction by MIKE21C model at Tan Chau-Hong Ngu area, in the Mekong River”. Proceedings of the International Symposium on Sustainable Development in the Mekong River basin, pp 188-195.

[2].  Đinh Công Sản (2007), “Xây dựng công thức tính chiều sâu lớn nhất của hố xói cục bộ trên sông Cửu Long tại những đọan sông có dòng chủ lưu xô ngang bờ sông dựa trên phép phân tích thứ nguyên”, Tuyển tập kết qủa khoa hoc và công nghệ 2006, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trang 238-248.


Tác giả: PGS.TS. Đinh Công Sản
Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Tạp chí KH&CN Thủy lợi

Ý kiến góp ý: