Cải tiến quản lý nguồn nước để đảm bảo an ninh lương thực
29/08/2012Hạn hán ở nhiều nơi trên thế giới đang tác động xấu tới sản lượng ngũ cốc và khiến giá lương thực cứ 2 năm một lần lại tăng kể từ năm 2007. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi trong cách thức sử dụng và thải hồi nguồn nước trong toàn bộ chuỗi thức ăn.
Đây là một trong những ý kiến quan trọng mà Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) đưa ra tại Tuần lễ nước Quốc tế ở Stockholm, Thụy Điển. Sự kiện thường niên này tập hợp các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới nhằm bàn bạc về những vấn đề gây sức ép lên nguồn nước và quản lý nguồn nước.
Giám đốc FAO, José Graziano da Silva, trong bài phát biểu của mình tại Tuần lễ nước đã nhấn mạnh rằng không thể có an ninh lương thực nếu thiếu an ninh nước sạch. Báo cáo mới nhất của FAO với tiêu đề Thực trạng Đất và Nguồn nước phục vụ Thực phẩm và Nông nghiệp (The State of Land and Water Resources for Food and Agriculture), cũng khẳng định khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước đang đe dọa nhiều hệ thống nông nghiệp trên thế giới.
Oái oăm thay, cũng theo Graziano da Silva, nông nghiệp chính là nguyên nhân gây ra tình trạng này vì ngành này đang sử dụng tới 70% lượng nước sạch. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, nền nông nghiệp có thể mang lại những tiềm năng lớn trong việc thay đổi cách thức sử dụng nước. “Nông nghiệp nắm giữ chiếc chìa khóa của vấn đề sử dụng nước bền vững”. Để đạt được mục tiêu này mà vẫn đáp ứng nhu cầu lương thực ngày một lớn của thế giới, theo giám đốc FAO, chúng ta cần sản xuất theo hướng tiết kiệm nguồn nước, sử dụng nước một cách bền vững và thông thái; đồng thời phát triển nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để giải quyết vấn đề, FAO đề xuất một khung chương trình mới – Vượt qua tình trạng thiếu nước: Chương trình hành động vì an ninh nông nghiệp và thực phẩm (Coping with water scarcity: An action framework for agriculture and food security) nhằm quản lý nước trong nông nghiệp. Tài liệu này đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của các vấn đề mà chính sách và các giải pháp thực tế cần phải tập trung giải quyết:
Cải tiến phương pháp tưới tiêu: Các con kênh cũ cần được cải tiến cho phù hợp với nhu cầu của nông dân trong tương lai, tạo điều kiện cho việc sử dụng nước một cách hiệu quả và nâng cao năng suất. Tương lai, nước phục vụ cho thủy lợi sẽ được dẫn bằng đường ống và kết hợp một cách bền vững với các nguồn khác trong đó có nước ngầm.
Nâng cao khả năng trữ nước mưa ở cấp độ trang trại: Nước mưa nên được tồn trữ trong các ao nhỏ hoặc ngay trong đất để giảm thiểu nguy cơ hạn hán.
Tái tạo và tái sử dụng: Tái sử dụng nước, phần lớn là nước sinh hoạt từ khu vực thành thị, có thể đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở khắp nơi. Một phương pháp có tính hệ thống hơn để sử dụng được nguồn nước này có thể tăng năng suất tại địa phương.
Kiểm soát ô nhiễm: Việc thắt chặt hơn các quy định về chất lượng, cùng với các biện pháp hiệu quả để thực thi các quy định đó cần được triển khai nhằm giảm ô nhiễm – vấn đề làm trầm trọng hóa tình trạng thiếu nước.
Thay thế và giảm thiểu chất thải từ thực phẩm: Các chính sách nông nghiệp cần phải cân nhắc đến khả năng rằng canh tác bằng nước mưa vẫn được áp dụng ở nhiều nơi và tìm kiếm sự kết hợp hiệu quả giữa phương thức canh tác này và hình thức có tưới tiêu. Đồng thời, giảm thất thoát lương thực sau thu hoạch cũng đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ chiến lược nào nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước. Bởi vì, 30% lượng lương thực sản xuất trên thế giới (tương đương với 1,3 tỷ tấn) hiện bị mất đi mỗi năm trong chuỗi giá trị từ khi thu hoạch đến khi thực phẩm lên bàn ăn. Giảm được sự lãng phí này sẽ giúp giảm đáng kể các áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên có vai trò chủ đạo trong sản xuất lương thực như đất và nước.
Theo thiennhien.net
Ý kiến góp ý: