TextBody
Huy chương 2

Cần có quy trình công nghệ trồng cây bảo vệ đê biển vùng gò đồi cát Nam Trung Bộ

30/08/2011

Ngày 14/8/2011, đoàn công tác của Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Ban Chủ nhiệm đề tài đã đến thăm mô hình nghiên cứu thuộc đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu các giải pháp trồng cây bảo vệ đê biển, góp phần cải thiện môi trường ven biển ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang" tại xã Mỹ An huyện Phú Mỹ tỉnh Bình Định

Đề tài do TS. Trịnh Văn Hạnh, viện trưởng Viện Phòng trừ Mối và Bảo vệ công trình thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam làm chủ nhiệm với thời gian thực hiện là 3 năm (2009 – 2011).

Đoàn công tác đã có các buổi làm việc và thảo luận tại hiện trường với lãnh đạo UBND xã Mỹ An huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định về triển khai mô hình nghiên cứu trồng các loại cây bản địa và du thực cho vùng đất cát. Mô hình nhận được sự quan tâm rất lớn của chính quyền địa phương. Mô hình triển khai trên diện tích khá lớn (700 m x 40 m) được chia thành các ô có kích thước 10m x 10m phục vụ cho các kịch bản thí nghiệm. Bốn loại cây trồng là cây bản địa và cây du thực gồm phi lao, cây neem (hay còn gọi là xoan chịu hạn), xương rồng dứa dại và cây muống biển làm đối tượng nghiên cứu. Với các giải pháp tổng hợp khép kín gồm ươm, trồng và chăm sóc như trồng bầu lớn, tưới, băng rơm rạ giữ ẩm kết hợp hàng rào chắn cát nhằm hạn chế tác động xói mòn, giữ ẩm cho cây trồng ở vùng cát ven biển trong điều kiện rất khắc liệt. Các cây trồng bước đầu đã có thể phát triển ổn định. Đặc biệt nếu cây neem tồn tại phát triển sẽ vừa bảo vệ được môi trường, vừa bảo vệ được đê biển mà còn đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Mô hình này phù hợp và đáp ứng yêu cầu nội dung nghiên cứu của đề tài làm cơ sở xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, lựa chọn được giống cây thích hợp trồng trên các vùng tiểu khí hậu sinh thái ven biển đặc thù góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ đê biển các dải cát ven biển, đồng thời có thể làm hình mẫu áp dụng mở rộng sau này.

V.V.H

Ý kiến góp ý: