Cấp nước miền núi bằng Hệ thống lấy nước kiểu đập ngầm và hào thu nước
20/07/2022Cấp nước miền núi bằng Hệ thống lấy nước kiểu đập ngầm và hào thu nước - Mountainous water supply by system style of underground dams and water collection trench
Xuất xứ
Công nghệ được hình thành từ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH-CN cấp thiết mới phát sinh tại tỉnh Lai Châu năm 2010 nhằm giải quyết và tháo gỡ khó khăn về cấp nước sinh hoạt, sản xuất của đồng bào vùng di dân tái định cư thủy điện Sơn La tại địa bàn 2 huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Quá trình nghiên cứu ra công nghệ
Theo đơn đặt hàng của UBND tỉnh Lai Châu, Bộ Khoa học và Công nghệ giao Viện Thủy công – Viện KHTL Việt Nam triển khai đề tài “ Nghiên cứu ứng dụng giải pháp cấp nước hữu hiệu phục vụ sinh hoạt kết hợp sản xuất vùng di dân tái định cư hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu” nhằm giải quyết bức súc về vấn đề nước cho sinh hoạt và sản xuất của bà con dân tộc miền núi nói chung và tại các điểm di dân tái định cư thủy điện Sơn La nói riêng.
Sau thời gian 2 năm từ tháng 6/ 2012 đến tháng 6/2013, nhóm đề tài vừa nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp cấp nước phù hợp với địa bàn vừa thiết kế, thi công xây dựng 2 mô hình cấp nước theo công nghệ đập ngầm và hào thu nước mái đồi. Qua theo dõi, thử nghiệm các mô hình xây dựng theo công nghệ đề xuất đã được bà con địa phương đánh giá cao vì đã giải quyết được nhu cầu về nước sinh hoạt, đặc biệt vào mùa khô hạn.
Các đoàn kiểm tra, thanh tra của Sở, Bộ khoa học và công nghệ cùng với các chuyên gia đã có kết luận và đánh giá cao về tính hiệu quả, tính sáng tạo của công nghệ và đã có đề nghị bằng văn bản để cho phép tiếp tục nghiên cứu triển khai nhân rộng.
Ưu điểm
- Bền vững không bị phá hoại bởi các yếu tố do thiên nhiên gây ra (như lũ quét, sạt lở, bồi lấp..) và sự phá hoại vô ý thức của con người;
- Cung cấp nước đạt yêu cầu tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh, đặc biệt ngay cả trong mùa mưa lũ;
- Công trình đơn giản phù hợp với điều kiện miền núi;
- Giá thành công trình đầu mối chỉ bằng 50% đến 60% so với công trình truyền thống;
- Dễ thi công nên người dân có thể tự làm dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật;
- Quản lý vận hành đơn giản, chi phí quản lý vận hành thấp.
Quy trình công nghệ
- Ứng dụng công nghệ thu lọc nước ngầm tầng nông tại lòng suối, khe tụ thủy thông qua hệ thống đập ngầm, hào thu nước được xây dựng bằng các loại vật liệu đơn giản như đá xây, vải chống thấm địa kỹ thuật kết hợp với hệ thống ống thu có gắn băng thu lọc nước theo nguyên lý mao dẫn được chế tạo sẵn bằng nhựa PVC để dẫn nước ra phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt.
- Công suất: công trình cấp nước tự chảy cho các cụm dân cư với quy mô từ 150 hộ trở xuống.
Lĩnh vực áp dụng
- Xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt loại vừa và nhỏ cho khu vực miền núi; đặc biệt cho khu vực khan hiếm nước như: vùng núi cao, biên giới, hải đảo.
- Thay thế hệ thống lọc nước thô của các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy kiểu đập dâng hiện tại; khôi phục năng lực các công trình hư hỏng do bị bồi lấp.
- Xây dựng hệ thống thoát nước trong các khối vật liệu bão hòa nước.
- Xây dựng hệ thống thu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt vùng ven biển, hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Địa chỉ đã áp dụng
- Điểm tái định cư Chiềng Chăn 3 xã Chăn Nưa (49 hộ dân) và điểm tái định cư Nậm Cha 1(105 hộ dân) thuộc huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
- Bản Tung Qua Lìn, xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu ( 109 hộ dân).
- Trung đoàn 952/ vùng 1 Hải quân, huyện đảo Bạch Long Vĩ,thành phố Hải Phòng.
- Dự án sửa chữa nâng cấp thí điểm một số công trình cấp nước sinh hoạt tại 3 tỉnh Hòa Bình (02 công trình tại xã Lạc Thủy, Hữu Lợi, huyệnYên Thủy cho 240 hộ dân), Tuyên Quang (02 công trình tại xã Minh Thanh – huyện Sơn Dương và xã Kim Bình- huyện Chiêm Hóa cho 277 hộ dân) và Lai Châu (02 công trình tại xã Nậm Mạ và xã Nậm Cha – huyện Sìn Hồ cho 210 hộ dân) theo nguồn vốn của tổ chức AusID.
Thông tin liên quan
- Công nghệ đã được Bộ Khoa học & Công nghệ trao cúp vàng tại hội chợ International Techmart Vietnam 2012.
- Ngày 20/01/2014, công nghệ này đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế (số 12311).
Ý kiến góp ý: