Chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm an toàn hồ đập và an ninh nguồn nước
26/05/2010Hội nghị Hội Đập lớn thế giới giúp cộng đồng quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển kỹ thuật an toàn hồ đập và đảm bảo an ninh nguồn nước nhằm thích ứng với nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cũng như nguy cơ suy thoái nguồn nước và biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 78 của Hội Đập lớn thế giới sáng 25/5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, giúp cộng đồng quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật an toàn hồ đập và đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng tốt với nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cũng như nguy cơ suy thoái nguồn nước và biến đổi khí hậu.
Việt Nam có hàng trăm hệ thống sông lớn nhỏ, tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 843 tỷ m3, tiềm năng thủy điện khoảng 85.000 GWh/năm. Lịch sử xây dựng đất nước gắn liền với nền kinh tế quanh các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. “Vì vậy, Chính phủ hết sức quan tâm tới vấn đề đảm bảo phát triển, khai thác nguồn nước bền vững và hoan nghênh sự hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực,… trong xây dựng và quản lý đập, hồ chứa, phát triển nguồn nước”, Phó Thủ tướng nói. Trong những ngày diễn ra Hội nghị, hơn 600 đại biểu đến từ 90 quốc gia sẽ tham gia các hội thảo khoa học quốc tế “Đập và phát triển nguồn nước bền vững” theo 17 chủ đề với 180 báo cáo khoa học, cùng với Hội nghị bàn tròn “Đập và thủy điện vì sự phát triển bền vững tại châu Phi” và Triển lãm Kỹ thuật với hơn 50 gian hàng trưng bày của các tổ chức quốc tế, các tập đoàn lớn, các hãng tư vấn, chế tạo trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các hoạt động chuyên đề sẽ tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và quản lý đập, về thủy lợi và thủy điện, phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường nước. Đồng thời, giới thiệu những vật liệu, công nghệ mới trong xây dựng các đập, hồ chứa, công trình thủy lợi, thủy điện đa mục tiêu... Hội nghị cũng thảo luận về kết quả thực hiện các nguyên tắc quốc tế trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước giữa các nước cùng lưu vực sông theo cách thức công bằng và không gây tác hại đối với sự bền vững của các hệ sinh thái quan trọng; việc xây dựng các thể chế, luật pháp quốc tế về sử dụng các nguồn nước vì lợi ích chung, khai thác hiệu quả, bền vững nguồn nước trên các dòng sông quốc tế. Sau Hội nghị, các đại biểu sẽ đi thực tế tham quan kỹ thuật các đập thủy điện, thủy lợi của Việt Nam như: Hòa Bình, Sơn La, Cửa Đạt, Thảo Long, Phú Ninh, Định Bình, Hàm Thuận - Đa Mi, Trị An...
Hội Đập lớn thế giới (ICOLD) là tổ chức quốc tế phi chính phủ thành lập năm 1928, hiện có 95 nước thành viên. Hội có chức năng trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về kỹ thuật đập sao cho các đập trên thế giới được an toàn, hiệu quả, giá thành hợp lý, không gây hại cho môi truờng.
Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) thành lập năm 2004 - là hội nghề nghiệp tập hợp những tổ chức và cá nhân quan tâm và hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến phát triển đập lớn, thủy lợi, thủy điện, tài nguyên nước… trong cả nước; là thành viên có uy tín của Hội Đập lớn thế giới và Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Nguồn: chinhphu.vn
Ý kiến góp ý: