TextBody
Huy chương 2

Chính sách pháp luật phát triển năng lượng tái tạo cần cơ chế rõ ràng và cụ thể

16/06/2015

Theo Ủy viên Thường trực (UVTT) Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường LÊ HỒNG TỊNH, để khuyến khích phát triển, mở rộng phạm vi ứng dụng, tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn năng lượng phải có chính sách quy định rõ ràng, cụ thể và ổn định. Theo đó, việc ban hành Luật Năng lượng tái tạo là rất cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý, góp phần quan trọng tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy việc khai thác năng lượng tái tạo hiệu quả.

- Hiện nay, trên thế giới đang ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLTT). Tại nước ta, nguồn NLTT nào đang được ưu tiên phát triển gần đây, thưa ông?

- NLTT là dạng năng lượng mà nguồn nhiên liệu của nó liên tục được tái sinh từ những quá trình tự nhiên và không thể bị cạn kiệt như năng lượng mặt trời, thủy điện, gió, địa nhiệt, đại dương và sinh học. Hiện tại thế giới đang tiêu thụ điện chủ yếu từ than, dầu khí, hạt nhân, NLTT chỉ chiếm 20%. Tuy nhiên, nguồn NLTT đang ngày càng được quan tâm khai thác, sử dụng vì những tính ưu việt như nguồn năng lượng sạch, bền vững, ít tác động đến môi trường.

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày một tăng, khả năng cung cấp các nguồn năng lượng nội địa hạn chế, trong khi tiềm năng nguồn NLTT rất lớn kèm theo nhu cầu sử dụng điện và nhiệt cho sản xuất rất cao. Việc xem xét, khai thác nguồn NLTT sẵn có là rất khả thi cả về hiệu quả kinh tế và môi trường.

Theo bản đồ phân bố tiềm năng các nguồn NLTT thế giới, nước ta nằm ở khu vực có tiềm năng trung bình về nước sông, nắng, gió, sóng, triều, nhiệt có thể khai thác hiệu quả. Với tiềm năng này, hiện nay nước ta đang ưu tiên nghiên cứu, phát triển và quản lý nguồn năng lượng gió, mặt trời, sinh khối và thủy điện nhỏ. Với hơn 3.000km đường bờ biển, nước ta có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng gió, đặc biệt là tại vùng duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên và các đảo. Đồng thời, là một trong những nước nằm trong dải phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ của thế giới, nước ta có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng mặt trời. Cùng với đó là nguồn điện sinh khối như củi gỗ, trấu, phụ phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp; khí sinh học, nhiên liệu sinh học cũng là nguồn năng lượng rất lớn cần nghiên cứu, tiếp cận những công nghệ mới, hiện đại để loại bỏ những nhược điểm của nguồn NLTT, từ đó đưa chúng trở thành nguồn cung cấp năng lượng chính trong tương lai, phục vụ nhu cầu cuộc sống và phát triển kinh tế.

- Mặc dù được ưu tiên phát triển, nhưng thực tế việc khai thác NLTT của chúng ta còn khá khiêm tốn. Vậy nguyên nhân là do thiếu chính sách hay do quá trình triển khai chưa hiệu quả, thưa ông?

- Mặc dù là quốc gia giàu tiềm năng về NLTT nhưng đến nay việc đầu tư cho phát triển NLTT ở nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do tính kinh tế của nguồn NLTT chưa thực sự hấp dẫn, nguồn đầu tư lớn, giá thành cao trong điều kiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, phù hợp như thiếu các chính sách và tổ chức hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo; thiếu thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch và hoạch định chính sách; công nghệ và dịch vụ phụ trợ cho NLTT chưa phát triển; khó tiếp cận nguồn vốn để phát triển các dự án NLTT đã hạn chế việc triển khai các dự án này.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng mới và NLTT. Tuy nhiên, năm 2010 các nguồn NLTT trên tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện chỉ chiếm 3,5%. Thực trạng này cho thấy, chỉ tiêu 4,5% nguồn điện trên hệ thống điện quốc gia từ các nguồn NLTT vào năm 2020 và 6% năm 2030 cũng khó đạt được. Nguyên nhân là do cơ chế chính sách chưa đầy đủ, rõ ràng gây cản trở rất lớn đến việc triển khai thực hiện hiệu quả, dẫn đến giá mua thấp, tính kinh tế không cao làm mất tính khả thi của dự án khi không huy động được vốn. Mấu chốt là kinh tế, tuy nhiên để phát triển kinh tế thì phải có chính sách định hướng.

- Có ý kiến đề xuất, cần ban hành Luật NLTT để có một chính sách đủ mạnh phát triển lĩnh vực này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đều quan tâm đến phát triển NLTT. Đi trước và có tỷ trọng NLTT cao là các nước Âu - Mỹ. Tại châu Á, Trung Quốc là nước sớm ban hành Luật NLTT đã tạo ra động lực để phát triển mạnh việc sử dụng các nguồn NLTT như năng lượng gió, điện mặt trời trong những năm gần đây. Như vậy, ở các nước khai thác hiệu quả nguồn NLTT đều có chính sách rất rõ ràng, đặc biệt là có Luật Năng lượng tái tạo, quy định cụ thể về các điều khoản thực hiện, theo đó mới tăng lượng khai thác cũng như sử dụng NLTT.

Có thể thấy việc ban hành Luật là rất cần thiết, Luật NLTT ra đời sẽ góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ được những khó khăn, bất cập, đồng thời thúc đẩy việc khai thác NLTT hiệu quả. Một trong những nguyên tắc thành công của dự án là khả năng thu hồi vốn, lợi nhuận và tính khả thi, nên việc có chính sách định hướng rõ ràng, ổn định sẽ tạo hành lang pháp lý tốt, nhà đầu tư nhìn thấy tính khả thi sẽ huy động vốn đầu tư phát triển NLTT.

- Thưa ông, trong thời gian chờ đợi có luật, vấn đề phát triển NLTT vẫn phải "sống chung" với những bất cập, khó khăn. Vậy theo ông, cần có giải pháp gì để có thể khuyến khích phát triển NLTT trong thời gian chờ đợi luật?

- Đặc thù của NLTT là sự phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên như nước, nắng, gió, vị trí địa lý… cùng với đó là công nghệ và giá thành sản xuất. Phần lớn các công nghệ NLTT quá đắt, vận hành và bảo dưỡng tương đối phức tạp nên chỉ phát triển khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước hoặc nguồn tài trợ nước ngoài. Do vậy, nước ta hầu như chưa ứng dụng được NLTT vào phát triển sản xuất.

Để khuyến khích phát triển, mở rộng phạm vi ứng dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng dần tỷ trọng NLTT trong cơ cấu nguồn năng lượng, thời gian tới cần thực hiện những biện pháp thiết thực, hiệu quả, có tính pháp lý, tạo ra bước đột phá như sớm xây dựng Luật NLTT để tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lý và chính sách phát triển năng lượng tái tạo; có các chính sách phối hợp bền vững ở cấp quốc gia và vùng lãnh thổ để mở rộng thị trường NLTT; thúc đẩy và triển khai công nghệ mới; cung cấp các cơ hội thích hợp khuyến khích sử dụng NLTT ở tất cả các lĩnh vực quan trọng trên thị trường năng lượng. Cùng với đó là xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trung hạn, dài hạn phát triển NLTT với những chỉ tiêu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển kinh tế. Xác định nghiên cứu triển khai về NLTT là nhiệm vụ khoa học, công nghệ ưu tiên, được đầu tư mạnh mẽ, thông qua các chương trình khoa học, công nghệ quốc gia về phát triển NLTT. Đồng thời, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực khoa học, công nghệ về NLTT; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo và khoa học, công nghệ NLTT.

- Xin cám ơn ông!

 Các quốc gia phát triển đã tiên phong phát triển công nghệ khai thác nguồn điện từ NLTT. Liên minh châu Âu trong năm 2014 đã cam kết đến năm 2020, lượng điện sản xuất từ NLTT sẽ chiếm 20% tổng lượng điện các nước trong khối tiêu thụ. Các nước như Đức, Đan Mạch, Thụy Điển đã đẩy mạnh phát triển NLTT. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực NLTT năm 2014 lên đến 270 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2013. Tương ứng với sự đầu tư này, công suất điện từ nguồn NLTT đã tăng từ 86GW năm 2013 lên 103GW năm 2014. Đáng chú ý, số lượng điện tăng thêm từ các nguồn NLTT chiếm một nửa tổng số công suất điện lưới lắp đặt thêm.

ĐBQH, Ủy viên Ủy ban KH, CN và MT

 ĐOÀN NGUYỄN THÙY TRANG

Theo daibieunhandan.vn

Ý kiến góp ý: