Chủ động phòng chống, ứng phó với bão mạnh, siêu bão
09/10/2014Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Hoàng Trung Hải về công tác ứng phó với bão mạnh, siêu bão diễn ra sáng 7/10.
Theo kết quả nghiên cứu về nguy cơ nước dâng do bão (NDDB) do Viện Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) thực hiện, trong vài thập kỷ tới, tần suất các cơn bão có thể sẽ giảm nhưng cường độ bão lại có khả năng mạnh thêm.
Vùng ven biển nước ta tiếp tục có nguy cơ phải hứng chịu những cơn bão mạnh, siêu bão đổ bộ với cường độ cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16, kèm theo NDDB cao từ 3 - 6m.
Khi siêu bão đổ bộ, các tỉnh, TP ven biển và vùng trũng thấp như Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đứng trước với nguy cơ gió mạnh và ngập lụt do nước dâng. Các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phải sẵn sàng ứng phó với ẩn họa từ mưa lũ sau bão. Cũng theo nghiên cứu, khu vực ven biển Bắc bộ sẽ có số cơn bão đổ bộ và chịu ảnh hưởng nhiều nhất với tần số trung bình năm là 1,0 - 1,5 cơn.
Đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng của bão sớm hơn các vùng khác, với thời kỳ tập trung nhiều bão nhất là 3 tháng giữa mùa hè (6, 7 và 8).
Cũng theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, nguy cơ ngập lụt do bão tại các khu vực ven biển, NDDB có thể lên tới 4m, đặc biệt, trong trường hợp bão xảy ra vào thời kỳ triều cường, mực nước dâng tổng cộng trong bão có thể lên cao tới 5,7 - 6,0m.
Các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra gió mạnh trên cấp 12, cấp 13, lớn hơn 1 - 2 cấp so với các khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên. Cư dân ven biển miền Trung và Nam Bộ, hầu hết nhà cửa sẽ bị hư hại khi có gió bão cấp 10 trở lên. Tại khu vực thành thị, bão cấp 11 sẽ bắt đầu gây tổn thất về nhà cửa. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, cường độ bão có thể tăng từ 2 - 11% trong thế kỷ 21.
Trước dự báo nguy cơ ảnh hưởng từ bão trong những thập kỷ tới, đại diện các địa phương đã có những ý kiến, trong đó tập trung vào đề xuất đối với các dự án nhà ở cho cư dân vùng bão, sớm rà soát quy hoạch xây dựng ven bờ, đồng thời, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn cho các địa phương...
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, để phòng tránh bão hiệu quả, khâu quan trọng trước nhất là cần làm tốt công tác dự báo, cảnh báo.
Bên cạnh đó, đối với Đề án 1002 về quản lý thiên tai hiện đang triển khai trên diện rộng cần được các đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng kiến nghị đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở cộng đồng tại vùng thường xuyên xảy ra bão nhằm có phương án di dân khi có siêu bão đổ bộ,...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhận định, đối với Đồng bằng Sông Cửu long, vùng trũng, nhà cửa không kiên cố, nhà nổi nhiều thì bão cấp 12, cấp 13 cũng không khác gì siêu bão.
Do đó, khi xây dựng biện pháp ứng phó phải cụ thể hơn đối với từng địa phương. Hiện, do tác động của biến đổi khí hậu nên các mô hình dự báo cũ trở lên thiếu chính xác, ngay kể cả ở những nước phát triển.
Do đó, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT cần thường xuyên trao đổi khoa học - công nghệ trong dự báo mưa lũ nhằm nâng cao chất lượng thông tin, dự báo. Bên cạnh đó, các phương án sơ tán người dân sớm khi có thông tin bão cần được các địa phương chú trọng.
Các Bộ NN&PTNT, Xây dựng, TN&MT… nghiên cứu hỗ trợ địa phương xây dựng các phương án bổ sung ứng phó với bão mạnh, siêu bão tùy theo vùng ngập, vùng bị ảnh hưởng do NDDB. Chậm nhất là tháng 6/2015, các địa phương phải hoàn thành phương án bổ sung ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Cố gắng phấn đấu trong tháng 1/2015 ban hành bản đồ ngập lụt chi tiết, nhằm tạo cơ sở để các địa phương có phương án phòng tránh, ứng phó với bão mạnh, siêu bão.
Theo omard.gov.vn
Ý kiến góp ý: