Chủ động trước diễn biến thời tiết khó lường
26/06/2017Những năm gần đây, trước tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết ở nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường. Mỗi năm, ngoài hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới, hiện tượng thời tiết nắng nóng trên diện rộng, rét đậm rét hại kéo dài, mưa lũ lớn, lốc xoáy... ngày càng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất của nhân dân.
Mặc dù các cấp, các ngành, lực lượng chức năng và người dân cũng đã cố gắng chủ động phòng, chống nhưng thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ vẫn gây ra những thiệt hại lớn. Số liệu tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong năm 2016, thiên tai làm 264 người chết và mất tích; hơn 5.430 nhà bị đổ, sập, trôi, gần 365.000 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; hơn 828.660ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; 115km đê, kè, 938km kênh mương, 122km bờ sông, bờ biển bị sạt lở... Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng. Hậu quả có thể còn lớn hơn nếu không có sự vào cuộc đầy trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang và sự chung sức, chung lòng của nhân dân. Thực tiễn minh chứng, trước tác động tiêu cực của thời tiết, nhất là trong các cơn bão, nếu các cấp, các ngành và người dân cùng chủ động phòng, chống thì thiệt hại sẽ giảm đi rất nhiều. Điển hình như trong năm qua, nhờ làm tốt việc tuyên truyền, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân tránh trú bão, nên thiệt hại trên biển đã giảm đáng kể. Ngược lại, ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão gây mưa lũ, sạt lở đất, vỡ hồ đập... lại gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở những địa bàn, khu vực tâm bão không đi qua, nhất là vùng sâu, vùng xa, nơi người dân còn thiếu thông tin, chưa chủ động, cảnh giác đề phòng. Bởi vậy, trước diễn biến phức tạp của thời tiết như hiện nay, việc dự báo, cảnh báo, thông tin, tuyên truyền cần phải tiến hành chủ động, kịp thời, sâu rộng hơn. Những thông tin dự báo chính xác, cảnh báo từ sớm, từ xa sẽ giúp cấp chính quyền, lực lượng chức năng và người dân chủ động phòng, chống, giảm bớt thiệt hại. Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan, thiếu phòng bị sau mỗi cơn bão, áp thấp nhiệt đới cũng cần được nhắc nhở, chấn chỉnh để người dân cảnh giác, đề phòng, không bị động, bất ngờ. Dù chúng ta không mong muốn nhưng bão lũ, thiên tai sẽ vẫn xảy ra. Tuy nhiên hậu quả, thiệt hại thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ, hành động của từng cơ quan, đơn vị và người dân trong công tác phòng, chống. Quán triệt tinh thần "phòng ngừa là chính", các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần chủ động, quyết liệt hơn trong triển khai phòng, chống thiên tai, tiếp tục thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” đã được đúc kết trong nhiều năm qua. Các kế hoạch, phương án, kịch bản phòng chống thiên tai, ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết cần được xây dựng cụ thể, khoa học, phù hợp với đặc điểm, tình hình từng địa bàn, khu vực, địa phương. Các lực lượng làm nhiệm vụ cả chuyên trách, kiêm nhiệm cần được luyện tập, diễn tập, kiểm tra thường xuyên, đột xuất để khi có tình huống tập trung nhanh, xử lý kịp thời, hiệu quả. Các trang thiết bị, phương tiện thực hiện nhiệm vụ cần được đầu tư mua sắm, bổ sung đầy đủ, kịp thời. Khi có tình huống xảy ra, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, nhất là ở cơ sở cần bình tĩnh xử lý, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân... Theo qdnd.vn
Ý kiến góp ý: