Chủ động trước mọi tình huống xấu!
29/07/2010Đó là khẳng định của ông Vũ Văn Tú - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão (Bộ NNPTNT), xung quanh công tác quản lý đê sông, đê biển trong mùa mưa bão năm nay. Ông Vũ văn Tú cho biết:
- Mùa bão năm nay đến muộn hơn và dồn vào thời điểm cuối mùa mưa nên mưa lũ đến dồn dập sẽ là thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ hệ thống đê điều. Thực tế chúng tôi đã nắm bắt được tình hình nên ngay từ đầu năm đã chủ động mọi phương án đối phó mưa bão tương đối kỹ, trong đó tập trung tu bổ đê, đánh giá chất lượng và xây dựng các phương án trọng điểm cho các tuyến đê xung yếu. Đặc biệt, cục đã đặt ra những kịch bản xấu nhất trước diễn biến của bão và đã tập trung chuẩn bị tất cả các yếu tố như các phương tiện cứu hộ, vật liệu, nhân sự
Thưa ông, trong quá trình khảo sát lại hệ thống đê sông, đê biển trước mùa mưa bão năm nay, đâu được xem là những tuyến đê xung yếu cần được bảo vệ?
- Theo tôi nhìn chung các hệ thống đê sông, đê biển trọng điểm đều được củng cố tương đối tốt, có khả năng chống được lũ thiết kế, tuy nhiên cùng với đó phải kết hợp với công tác hộ đê. Các địa phương tuyệt đối không được lơ là trong tuần tra canh gác, chủ động chuẩn bị mọi phương tiện thiết yếu đề phòng khi lũ lên bất ngờ, có như vậy mới bảo vệ được các tuyến xung yếu. Qua khảo sát, hầu hết những tuyến đê biển trước đây xuống cấp như đê Hải Hậu - Nam Định (đã từng xảy ra vỡ đê vào năm 2005), một số tuyến ở Thanh Hoa thì hiện đã được tu bổ đáng kể. Có 42/91km đê biển ở Nam Định đã hoàn thành xong việc tu bổ. Tuy nhiên có một số tuyến đê từ trước đến nay vẫn được xem là kiên cố vì có bãi cây, thềm cao... thì hiện đã được liệt vào danh sách các tuyến xung yếu cần được tu sửa ngay.
Đối với sự cố sạt lở đất thời gian gần đây tại nhiều điểm đê sông khu vực Hà Nội mở rộng, ông nhận định gì về mức độ xuống cấp của những tuyến đê này?
- Sự cố sạt lở đất đê sông có nhiều nguyên nhân. Về khách quan, chủ yếu do biến động của các dòng chảy. Song điều đáng nói ở chỗ con người đang tác động tiêu cực gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc sạt lở. Dân cư đang tự san lấp và lấn chiếm đất ra tận bãi sông để ở, rất chủ quan. Nhiều nơi lũ quét cao do người dân tạo ra những vật cản bất thường chắn dòng chảy. Hậu quả về sau vô cùng khôn lường mà bản thân người dân không nhận thấy.
Như vậy phải ứng phó như thế nào với những tuyến đê đang xuống cấp và sạt lở khi mùa mưa bão đang đến, thưa ông?
- Các địa phương đang tất bật triển khai công tác nâng cấp, sửa chữa hệ thống đê điều. Nhiều tuyến đê xung yếu hầu hết tập trung ở các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra nên được tăng cường hơn nữa về đầu tư khi cấp bách cũng như lâu dài, kinh phí đầu tư khoảng hơn 200 tỉ đồng. Thực tế số tiền này mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu tu bổ cải tạo hệ thống đê điều theo đề xuất của các địa phương nên sẽ tập trung những tuyến đê xung yếu trước tiên.
Xây dựng cải tạo hệ thống đê điều là công trình dài hơi cả về thời gian lẫn kinh phí. Trong hơn 5.20km đê cả nước, có khoảng 2.800km đê dưới cấp III. Đây là điều rất đáng lo ngại bởi hầu hết các công trình dưới cấp III đều là công trình mặt đất, chịu tác động lớn của lực thấm, khó lường được các tình huống xấu nhất. Để bảo vệ những tuyến đê này, người dân tuyệt đối không được chủ quan, nêu cao tinh thần cảnh giác và đối phó chủ động mọi tình huống bất lợi nhất xảy đến.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Dương Hà -laodong
Ý kiến góp ý: