TextBody
Huy chương 2

Chủ động ứng phó trước khi thiên tai xảy ra

02/06/2017

“Chủ động ứng phó trước khi xảy ra thiên tai” là đề nghị của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng tại hội nghị “Phòng chống thiên tai khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc” tổ chức ngày 1/6/2017 tại Hà Nội. Tham dự có đại diện Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh khu vực phía Bắc đến Hà Tĩnh.

Năm 2016, thiên tai xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh đã làm 109 người chết và mất tích. Trong đó, có đến 49 người chết và mất tích do lũ, lũ quét sạt lở đất, thiệt hại về vật chất hàng nghìn tỉ đồng.

 

Thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra tại các tỉnh miền núi nói chung và miền núi phía Bắc nói riêng là thách thức nhiều năm qua và chưa được giải quyết triệt để. Vẫn còn tình trạng thiệt hại lớn về người khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất hoặc thiệt hại xảy ra sau bão ở nhiều địa phương do tâm lý chủ quan, của người dân cũng như việc tuyên truyền, kiểm tra, giám sát của chính quyền các cấp, nhất là ở cấp cơ sở chưa sâu sát, quyết liệt. Đại bộ phận dân cư miền núi là dân tộc ít người, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, sinh kế của người dân chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, sống du canh, du cư, vì vậy việc tiếp cận thông tin về thiên tai, mưa lũ gặp nhiều khó khăn.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác dự báo và cảnh báo mưa lũ mới chỉ trên diện rộng với xác suất xảy ra chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế về mật độ trạm đo mưa và công nghệ dự báo hiện tại. Ngoài ra, việc di dời dân sống ở khu vực nguy cơ cao về thiên tai còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu quỹ đất, địa điểm di dời đến cũng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn; tập quán và điều kiện sinh sống tại nơi ở mới không phù hợp nên nhiều hộ dân không chịu di chuyển; Kinh phí cho các dự án di dân vùng thiên tai chưa đáp ứng  so với nhu cầu, nhiều dự án bị kéo dài, hiệu quả không cao…

 

Ông Nguyễn Hữu Thể, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết, công tác dự báo, cảnh báo cần được cải thiện làm thế nào để người dân hiểu rõ nguy cơ và hậu quả của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu những tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, làm cơ sở cảnh báo cho địa phương trong việc bố trí di dời dân cư. Với địa hình miền núi độ dốc lớn cũng cần phải nghiên cứu mạng lưới các thủy điện cũng như là xây dựng các hồ, đập phù hợp với tình hình thực tế ở các vùng cao.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc ngày 1/6/2017

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng nêu rõ, thiệt hại do thiên tai gây ra ở miền núi là rất lớn và khó phục hồi. Ứng phó thiên tai ở các địa phương miền núi phải xác định rõ các dạng hình thiên tai, với phương châm chủ động các giải pháp ứng phó trước khi xảy ra thiên tai. Theo đó, phải đẩy mạnh lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Xây dựng tiêu chí công trình an toàn trước thiên tai, đặc biệt là nhà ở, trên cơ sở này thực hiện rà soát đánh giá và di dời hoặc nghiêm cấm xây dựng công trình, nhà ở tại nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời nhanh chóng khảo sát, đánh giá phân vùng về rủi ro lũ quét, sạt lở đất làm cơ sở để chính quyền địa phương cập nhật, bổ sung phương án ứng phó và thông tin đến người dân.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh,  những vùng có nguy cơ cao phải nỗ lực di dời và bố trí lại dân cư. Tiếp tục nâng cao năng lực dự báo mà ở đây là ở diện hẹp hơn để người dân ở những vùng này chủ động phòng tránh. Đồng thời nâng cao kỹ năng của người dân về thiên tai để tự chủ động trong ứng phó. Trên thực tế đã xảy ra nhiều những trường hợp đáng tiếc thiệt hại về người khi đi qua ngầm, qua suối lẽ ra có thể tránh được, qua đó việc quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng phải tiếp tục được đẩy mạnh. Song song với những giải pháp này phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên như: rừng và hệ sinh thái ở những khu vực này.

Thực hiện chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, biên giới hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng, đến nay 18 tỉnh miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh mới di dời khoảng 9 nghìn 700 hộ, trong đó có gần 5 nghìn hộ vùng thiên tai, đạt khoảng 46% kế hoạch đề ra. Triển khai điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi, đã có 14 trên tổng số 18 tỉnh khu vực Bắc bộ đến Nghệ An hoàn thành kế hoạch.

Theo omard.gov.vn

Ý kiến góp ý: