Chưa mơ tới chuyện dự báo lũ quét
29/07/2010Các chuyên gia cho biết, lũ quét ở Việt Nam ngày càng có dấu hiệu gia tăng và bất thường. Không chỉ có các tỉnh miền núi phía Bắc mà ngay cả ở các tỉnh miền Trung, nếu mưa nhiều, lũ quét hoàn toàn có thể xảy ra. Dự kiến từ nay tới 2012, hơn 300 thiết bị đo mưa phục vụ cảnh báo lũ quét sẽ được lắp đặt
Chỉ dừng ở mức cảnh báo
GS.TS Đinh Văn Ưu, ĐH KHTN, ĐH Quốc Gia Hà Nội giải thích lũ quét thường xảy ra ở những vùng đồi núi dốc, địa hình bị chia cắt mạnh mẽ. Lũ quét là tổ hợp của các nhân tố mưa lớn, độ dốc của địa hình, lớp phủ rừng và loại đất… Lũ quét xảy ra bất ngờ, diễn biến nhanh và thường để lại hậu quả nghiêm trọng về tính mạng còn hơn cả lũ lớn.
TS. Lã Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn & Tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường khẳng định: tới nay, thế giới và Việt Nam chưa có công nghệ dự báo lũ quét, mới chỉ dừng ở mức cảnh báo. Vì thế, không thể nào biết rõ chính xác địa điểm, thời gian các trận lũ quét sẽ xảy ra trong năm 2010 này.
Theo TS Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, mưa lớn là một trong những nguyên nhân chính gây ra lũ quét. Vì thế, các thiết bị đo mưa sẽ giúp ích rất lớn cho việc hỗ trợ cảnh báo lũ quét. Một vài thiết bị đo mưa tự động đã được lắp đặt, thử nghiệm. Dự kiến từ nay tới năm 2012, 300 thiết bị đo mưa sẽ được lắp đặt. Các thiết bị này sẽ phục vụ tốt hơn việc dự báo mưa, từ đó giúp ích cho việc cảnh bảo lũ quét.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quốc Thành, Viện Địa chất khuyến cáo, để cảnh báo được lũ quét không chỉ căn cứ vào lượng mưa mà còn phải dựa trên các yếu tố như địa hình, độ dốc, bề mặt thảm… Hơn thế, ngay cả lắp đặt các thiết bị đo mưa cũng cần phải tính toán kỹ. “Ở nước ngoài, cảnh báo lũ quét người ta cũng lắp đặt thiết bị này. Nhưng họ nghiên cứu kỹ nên đặt đúng chỗ. Ở nước ta, một vài thiết bị được lắp đặt nhưng không đem lại hiệu quả. Lũ quét bao giờ cũng có lò sinh lũ quét, đường quét, nơi tập kết vật liệu. Đặt ở nơi tập kết vật liệu thì hỏng, không khéo thiết bị chưa kịp chạy đã bị nước lũ cuốn trôi”. Để làm được điều này cần phải có những nghiên cứu sâu rộng hơn về lũ quét. Quan trọng hơn phải có những người giỏi trong lĩnh vực này, TS. Thành nói
Đề phòng mưa lớn sau khô hạn
Các chuyên gia cho biết trong khi chúng ta vẫn còn “lực bất tòng tâm” với các đợt lũ quét thì cách tốt nhất nên chủ động phòng tránh. Thông thường sau những đợt khô hạn, đất đai bị khô, nứt, bở khi có trận mưa lớn, đất sẽ ngấm nước rất nhanh từ đó rất dễ dấn đến lũ quét, sạt lở đất. Vì thế, sau đợt khô hạn và có mưa lớn liên tiếp, người dân phải cảnh giác với lũ quét.
Ngoài ra, không làm nhà cửa ở nơi cửa sông, cửa suối, không làm nhà ở ven suối thấp thấp, không bạt đất làm nhà ở chân đồi… Đặc biệt, người dân cần phải biết cách nhận biết sớm các dấu hiệu của lũ quét. Khi có những tiếng động lạ (rừng động), khi thấy nước sông suối đang đầy bỗng nhiên hạ thấp xuống, khi thấy mưa lớn, nước dâng cao và bị đục do cuốn theo cây cối và bùn đất… người dân phải nhanh chóng chuyển đến những nơi an toàn. Ngoài ra, do lũ quét thường xảy ra vào ban đêm, rất nhanh, nên tại “rốn” lũ cần phải cắt cử thay phiên nhau, tuần tra, canh gác để phát hiện những dấu hiệu lạ.
Nguồn: KH&ĐS
Ý kiến góp ý: