Chương trình hành động quốc gia phòng chống sa mạc hóa đòi hỏi tất cả các cấp, ngành phải vào cuộc
16/08/2010Ngày 10/8, tại thành phố Phan Rang Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã diễn ra cuộc họp mở rộng Ban Điều phối quốc gia chống sa mạc hóa; sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia (CTHDQG) phòng chống sa mạc hóa.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hứa Đức Nhị đánh giá: việc triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện CTHĐQG đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Các cấp, các ngành đã nhận thức được vai trò quan trọng của phòng chống sa mạc hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều chương trình, dự án, nhiều sáng kiến mới đã được triển khai ở 4 địa bàn ưu tiên phòng chống sa mạc hóa ở Tây Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long. 5 nhóm giải pháp nhiệm vụ của CTHĐQG đều được triển khai khá đồng đều và có tác dụng tương hỗ cho nhau. Ở nhiều địa phương, thực sự đã có những đổi thay tích cực, trong đó có Ninh Thuận. Với tư cách là Trưởng Ban điều phối thực hiện Công ước chống sa mạc hóa, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị biểu dương tỉnh Ninh Thuận - là một địa phương nằm trong vùng "nóng" về sa mạc hóa đã có nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa.
Thứ trưởng Hứa Đức Nhị cho rằng, chống sa mạc hóa là vấn đề đa ngành, đa lĩnh vực. Việc thực hiện nhiệm vụ chống thoái hóa đất, hạn chế hạn hán phải gắn chặt với phát triển sinh kế bền vững và có sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền và người dân địa phương. Việc thực hiện CTHĐQG phòng chống sa mạc hóa đòi hỏi tất cả các Bộ, ngành, các cấp phải vào cuộc, không thể coi đấy là việc riêng của Bộ Nông nghiệp và PTNT, của riêng Trung ương hay của riêng ngành lâm nghiệp. Trong những năm qua, việc quán triệt nhiệm vụ của nhiều bộ ngành, địa phương chưa thật sự sâu sắc, việc phối hợp thực hiện quyết định của Chính phủ chưa thực sự đều tay, còn có hiện tượng trông chờ ỷ lại, chưa chủ động, thậm chí chưa nghiêm túc. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Ban Điều phối quốc gia. Từng thành viên Ban điều phối phải nghiêm túc kiểm điểm và tìm các giải pháp để tiếp tục triển khai nhiệm vụ CTHĐ. Văn phòng thường trực công ước phải được tăng cường năng lực cả về cơ sở vật chất kỹ thuật và con người để thật sự co thể đảm trách trách nhiệm điều phối quan trọng này
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện CTHĐQG chống sa mạc hóa; các báo cáo chuyên đề và báo cáo của tỉnh tỉnh Ninh Thuận về thực hiện CTHĐQG phòng chống sa mạc trên địa bàn tỉnh; tập trung thảo luận các vấn đề về cơ sở pháp lý; đào tạo nguồn nhân lực; cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu phòng chống sa mạc hóa; điều tra đánh giá thực trạng hoang mạc hóa, nghiên cứu nguyên nhân gây ra sa mạc hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về sa mạc hóa, xây dựng bản đồ hạn hán cho Nam Trung bộ và Tây nguyên; tổ chức các hoạt động kinh tế, chuyển giao công nghệ và những kết quả về hợp tác quốc tế về hợp tác khu vực, trong đó có sáng kiến xây dựng chiến lược tài chính (đầu tư) lồng ghép phối hợp với cơ chế toàn cầu (GM) ở địa bàn "nóng" nhất về sa mạc hóa ở Việt Nam là Ninh Thuận và Bình Thuận, sáng kiến về giảm phát thải thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, sáng kiến về chi trả dịch vụ môi trường rừng... Văn phòng công ước chống sa mạc hóa cùng nhiều đại biểu nhận thấy việc thực hiện CTHĐQG phòng chống sa mạc hóa còn có những tồn tại khó khăn như: Chính sách về quản lý tài nguyên chưa thật sự hoàn thiện, chưa mang tính đột phá, chưa có động lực khuyến khích người dân tham gia; nhận thức và sự phối hợp chống sa mạc hóa của nhiều đơn vị cấp, ngành còn hạn chế; nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nguồn nhân lực ở cả địa phương và Trung ương còn thiếu, nhiều địa phương còn có hiện tượng ỷ lại. Việc thực hiện vai trò, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành theo phân công của của Thủ tướng còn chưa nghiêm túc.
Để thực hiện CTHĐQG phòng chống sa mạc hóa đạt hiệu quả, các đại biểu đã thống nhất đề xuất một số giải pháp, tiếp tục quán triệt qui chế hoạt động của Ban Điều phối; đổi mới hoạt động của Ban Điều phối quốc gia theo hướng phân rõ việc cụ thể cho từng thành viên và tăng cường công tác báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ của từng thành viên; cải tiến trong công tác kế hoạch theo hướng xây dựng kế hoạch tổng thể cũng như phân khai kế hoạch cho từng năm và từng thành viên, đưa các nhiệm vụ của kế hoạch vào kế hoạch của đơn vị mình phụ trách để bố trí ngân sách thực hiện (đặc biệt là các các thành viên trực tiếp làm công tác kế hoạch, đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế); đổi mới công tác thông tin, báo cáo, giám sát đánh giá theo hướng chuẩn hóa các mẫu báo cáo; tăng cường lồng ghép chống sa mạc với phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình xây dựng các chương trình dự án mới. Đặc biệt, các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi nội dung chống thoái hóa đất, hạn chế hạn hán là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn chặt với các chương trình dụ án, sáng kiến có liên quan tới biến đỏi khí hạu, giảm nhẹ thiên tai va phát triển sinh kế bền vững.
Nguồn: TTXVN
Ý kiến góp ý: