Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KC.08/11-15 hội thảo sơ kết 2 năm hoạt động
16/12/2013Ngày 12 tháng 12 năm 2013, tại Thanh Hóa, Chương trình KC.08/11-15 đã tổ chức Hội thảo sơ kết 02 năm hoạt động”. Tham dự Hội thảo có ông Hồ Quang Vinh phó Giám đốc văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; ông Nghiêm Xuân Minh, trợ lý Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Mai Nhữ Thắng, phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa, các chủ nhiệm đề tài, các nhà khoa học, nhà quản lý…
Trong những năm qua, do yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nguồn lực tài nguyên, thiên nhiên của đất nước đã bị khai thác và sử dụng không hợp lý, môi trường tự nhiên bị suy thoái nghiêm trọng. Mặt khác, do tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu, các hiện tượng thiên tai và thời tiết cực đoan như bão lũ, úng ngập, hạn hán lại xảy ra thường xuyên với cường độ ngày càng tăng. Những nguyên nhân này đã làm tổn thất rất lớn về người và tài sản của người dân, cản trở tiến trình phát triển kinh tế, xã hội. Để khắc phục những bất cập nêu trên và từng bước tìm ra giải pháp phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho phép tổ chức thực hiện Chương trình "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên". Mã số: KC.08/11-15 theo Quyết định số 3059/QĐ-BKHCN ngày 30/9/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Chương trình bao gồm 4 tiêu chí lớn: Dự báo, cảnh báo thiên tai; ứng dụng các công nghệ tiên tiến để xử lý môi trường; nâng cao hiệu quả tổng hợp khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực tài nguyên và môi trường; nghiên cứ tạo ra các công nghệ có tính khả thi cao…
Với 4 mục tiêu, 6 nội dung và 7 nhóm sản phẩm dự kiến đạt được trong giai đoạn 2011-2015, Ban chủ nhiệm chương trình đã phối hợp với các Vụ, văn phòng các chương trình khoa học cấp Nhà nước trình bộ KH&CN phê duyệt được 39 đề tài và dự án và 02 dự án sản xuất thử nghiệm (trong đó có 05 đề tài tiềm năng dành cho nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi). Các đề tài thực hiện đều có quy chế chi tiêu nội bộ, có nhật ký thực hiện, bám sát đề cương, dự toán được duyệt, đảm bảo tiến độ, nội dung qua mỗi kỳ báo cáo. Hầu hết các đề tài đều tổ chức hội thảo khởi đầu để tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các cán bộ địa phương nhằm nắm bắt phương pháp, cơ sở khoa học và nhu cầu cấp thiết của địa phương để giải quyết.
Báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Chủ nhiệm Chương trình đã đề cập: Hai năm qua là thời kỳ có nhiều khó khăn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các tổ chức khoa học công nghệ nói riêng. Nhưng được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ KH&CN cùng với sự nỗ lực của các nhà khoa học, các tổ chức KHCN chủ trì thực hiện đề tài, KC.08/11-15 đã từng bước triển khai và đạt được những kết quả khởi đầu hết sức quan trọng. 24 đề tài đi được nửa chặng đường đều hoàn tất công tác đo đạc, khảo sát hiện trường, xây dựng mô hình thí nghiệm, bước đầu đã đề xuất một số sản phẩm, những khuyến cáo, những ứng dụng thực tế sản xuất như: Đề tài KC.08.01/11-15: Xây dựng quy trình công nghệ dự báo quỹ đạo và cường độ bão trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương và Biển Đông hạn 5 ngày” do GS.TS Trần Tân Tiến, trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách Khoa Hà Nội làm chủ nhiệm, đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về bão cập nhật đến năm 2011, đề xuất được mô hình dự báo hạn 5 ngày và tiến hành dự báo đường đi của những trận bão vào biển Đông năm 2013, trong đó có cơn bão Haiyan. Kết quả dự báo 5 ngày, sản phẩm chính của đề tài không sai khác nhiều, đang mở ra triển vọng lớn cho việc dự báo bão trong tương lai của nước ta. Đề tài KC.08.08/11-15: Đề tài KC.08.08/11-15. “Nghiên cứu công nghệ sử dụng khí thải đốt than để sản xuất sinh khối vi tảo có giá trị dinh dưỡng” do GS.TS. Đặng Đình Kim, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ nhiệm, đã hoàn thiện quy trình pilot sử dụng khí thải đốt than của nhà máy gạch Thạch Bàn để sản xuất sinh khối vi tảo. Sản phẩm Vi tảo có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể sử dụng cho con người như dạng thực phẩm chức năng. Ban chủ nhiệm đề tài KC.08.08 cũng đang cải tiến quy trình thu gom khí thải và sản xuất sinh khối vi tảo, để giảm giá thành, nâng cao giá trị dinh dưỡng, đủ sức cạnh tranh.
Đề tài KC.08.20/11-15.“Nghiên cứu đánh giá các tác động tích cực và những tồn tại, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả về kinh tế- xã hội và môi trường của hệ thống công trình kiểm soát lũ vùng Tứ Giác Long Xuyên” do TS. Tô Văn Thanh, Viện KHTL miền Nam chủ trì mặc dù thời gian thực hiện mới được 8 tháng nhưng đề tài đã đánh giá được thực trạng, đã phát hiện được những bất cập của hệ thống thay đổi trong quá trình vận hành, đã khuyến cáo cho địa phương giải pháp chống bồi lắng kênh rạch, chống ô nhiễm cho vịnh Rạch Giá-Hà Tiên… Bên cạnh đó còn nhiều đề tài khác cũng đã đạt được kết quả bước đầu hết sức quan trọng.
Hội thảo đã đón nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý cho từng đề tài cũng như cho chương trình. Ông Mai Nhữ Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa cho biết: Chương trình KC.08/11-15 là một chương trình lớn, có nhiều sản phẩm cụ thể, hữu ích có thể ứng dụng vào thực tế và Thanh Hóa là một trong các tỉnh luôn sẵn sàng ứng dụng kết quả của các đề tài trong chương trình vào thực tế để phòng tránh thiên tai, bảo vệ tài nguyên và môi trường… Theo ông Hồ Quang Vinh, Phó giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước: KC.08/11-15 là một trong những chương trình có kết quả khá ấn tượng, đặc biệt trong thời gian tới sẽ có những sản phẩm hết sức cụ thể và quan trọng có thể ứng dụng vào thực tiễn, tránh được những thiệt hại vô cùng nặng nề của thiên tai, bão lũ như có thể áp dụng dự báo bão hạn 5 ngày…
Ý kiến góp ý: