TextBody
Huy chương 2

Chuyên gia hiến kế thích ứng với biến đổi khí hậu

15/05/2013

Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu. Do vậy, để ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả, cần song song thực hiện 02 mục tiêu giảm thiểu tác động và tận dụng cơ hội để phát triển.  

Tìm mô hình tăng trưởng xanh

Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Thục đánh giá, vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là phải thích ứng với biến đổi khí hậu, nói cách khác là vấn đề thích ứng cần phải được đặt làm trọng tâm.

Đồng thời, các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cần được lồng ghép trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở tất cả các quy mô. Đây sẽ là một quá trình liên tục trong nhiều thập kỷ với những nhu cầu riêng biệt, nhưng liên quan với nhau ở các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Theo ông Thục, các biện pháp thích ứng là rất cấp thiết ở cấp địa phương. Đặc biệt, việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng (ven biển, giao thông, năng lượng, nông nghiệp) có khả năng chống chịu các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ giảm được những chi phí rất lớn trong tương lai. Vì đây là cơ sở để mở rộng các thành phố, các khu công nghiệp mới, các dịch vụ môi trường (đặc biệt là xử lý chất thải và nước thải), lựa chọn địa điểm xây dựng các cơ sở hạ tầng như cảng, đường bộ, đường sắt, hệ thống cấp thoát nước và cơ sở hạ tầng khác.

Bên cạnh đó, ông Thục khuyến cáo cần xây dựng chiến lược phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp, trong đó cần đưa ra được những ưu tiên rõ ràng và có một hệ thống giám sát, theo dõi tiến độ thực hiện chặt chẽ. Về mặt tư duy, nên coi giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là cơ hội phát triển kinh tế-xã hội và môi trường. Vì vậy cần có các hành động phù hợp với điều kiện quốc gia để từ đó kêu gọi được sự hỗ trợ tài chính và công nghệ quốc tế…

Hướng đến tái tạo năng lượng và  sản xuất sạch

Theo Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu Lê Công Thành, để thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng, vấn đề xem xét đầu tiên là đa dạng hóa các nguồn cung cấp và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh học, hay phế thải của nông nghiệp để sản xuất điện.

Hiện nay, nguồn năng lượng trên mới khai thác được rất ít, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn năng lượng hóa thạch. Hướng phát triển trong tương lai là cần phải chia giai đoạn, vừa tận dụng nguồn năng lượng hóa thạch có sẵn vừa tiến tới khai thác nguồn năng lượng tái tạo theo lộ trình từng bước.

Cũng theo ông Lê Công Thành, giảm nhẹ mức phát thải khí nhà kính có thể thực hiện theo cách sử dụng các công nghệ sạch, công nghệ có mức phát thải thấp trong sản xuất và sử dụng năng lượng, tiết kiệm năng lượng để giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Đồng thời, chú trọng phát triển công nghệ sinh học để tìm ra những loại gien di truyền mới, thúc đẩy sản xuất sạch, tiến tới một nền nông nghiệp không phát thải carbon…

Đặc biệt, cần hình thành một cơ chế và chính sách hành động cụ thể để đặt thích ứng với biến đổi khí hậu như là một vấn đề liên ngành, trong đó có sự đóng góp tích cực của các chuyên gia xã hội và cộng đồng.

Trong đó, vai trò của cộng đồng cần được chú trọng hơn nữa. Một mặt, tăng cường phổ biến, hướng dẫn khuyến nông cho nguời nghèo, mở rộng sinh kế bằng cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất và thu nhập. Mặt khác, cùng họ xây dựng các kế hoạch ứng phó và tăng cường rèn luyện khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro và tổn thất.

Theo chinhphu.vn  

Ý kiến góp ý: