TextBody
Huy chương 2

Chuyển phí sang giá là “trái tim” của Luật Thủy lợi

02/07/2018

Đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh trước khi Luật Thủy lợi có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2017, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Để triển khai thi hành Luật Thủy lợi kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, trên cơ sở nội dung quy định của Luật, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 26/3/2018 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủy lợi.

chuyen phi sang gia la qua tim cua luat thuy loi hinh 1
Luật Thủy lợi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho hay: “Việc chuyển từ phí sang giá là tinh thần rất mới, là điểm quan trọng nhất trong Luật. Việc này sẽ tranh thủ được vốn đầu tư từ cộng đồng để xây dựng, bảo dưỡng các công trình thủy lợi nhưng vẫn bảo đảm những hoạt động thiết yếu phục vụ người dân”.

 

Hiện tại, Nhà nước hỗ trợ chi phí các công ty khai thác công trình thủy lợi, tập trung chủ yếu để trả lương cán bộ, công nhân viên và chỉ còn một phần nhỏ để tu sửa, bảo dưỡng hệ thống các công trình trên cả nước là không đủ thì khi Luật có hiệu lực, không những đảm bảo được hoạt động phục vụ người dân (cấp nước tưới cây trồng, chăn nuôi, thủy sản, tiêu nước sản xuất nông nghiệp, nông thôn, đô thị, xây dựng các công trình trên sông để ngăn mặn giữ ngọt, thoát lũ ...) mà còn có thể thường xuyên kiểm tra, quan trắc kiểm định, tu sữa thường xuyên, đột xuất, định kỳ các công trình thủy lợi để hệ thống này hoạt động bền vững lâu dài.

 

Điểm thứ 2 của Luật hướng đến các đối dịch vụ khác như dịch vụ du lịch, khu công nghiệp, nuôi cá hồ chứa, phục vụ giao thông...

 

Ổng Tỉnh cho rằng, điểm này sẽ tạo điều kiện phát triển các dịch vụ ven biển mà hiện nay đang rất thiếu nước.

 

“Tôi lấy ví dụ các hồ chứa lớn ở miền Trung, ngoài việc cấp nước sản xuất nông nghiệp, còn cung cấp nước các khu công nghiệp, phát triển dịch vụ du lịch. Đây là tiềm năng rất lớn ở vùng này. Nhiều nơi không thể thành lập khu công nghiệp hay dịch vụ phát triển du lịch còn kém có nguyên nhân lớn là thiếu nước”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh nhận định.

 

Một điểm quan trọng khác của Luật Thủy lợi là trách nhiệm bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.

Luật quy định, việc bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa nước là ưu tiên cao nhất trong quản lý, khai thác các công trình thủy lợi.

 

Ngoài ra, Khoản 2 Điều 18 quy định: “... Trong giai đoạn thi công, chủ đâu tư xây dựng đập, hồ chứa nước có trách nhiệm lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện”.

 

Đối với quản lý nước: Thu thập thông tin dự báo khí tượng thủy văn; đo đạc, quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực; quan trắc, dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt, úng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, số lượng, chất lượng nước; kiểm kê nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi, phân tích nhu cầu sử dụng nước; lập và tổ chức thực hiện kế hoạch tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu, thoát nước, sử dụng nước; kiểm soát chất lượng nước, xâm nhập mặn; thực hiện phương án ứng phó thiên tai.

 

Đối với quản lý công trình: Đo đạc, quan trắc, giám sát, kiểm tra, kiểm định, đánh giá an toàn công trình thủy lợi; quản lý, tổ chức thực hiện bảo trì, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại hóa, xử lý khắc phục sự cố công trình, máy móc, thiết bị; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án ứng phó thiên tai và phương án bảo vệ công trình thủy lợi và lập, lưu trữ hồ sơ kỹ thuật về quản lý công trình thủy lợi.

 

Đối với công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 2 tỉnh trở lên; UBND cấp tỉnh quản lý hoặc phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương.

 

Đối với công trình thủy lợi do tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng thì tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm quản lý.

Đối với chủ sở hữu công trình thủy lợi: Thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật; bảo đảm kinh phí bảo trì, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại hóa, xử lý khắc phục sự cố, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

 

Chủ quản lý công trình thủy lợi có trách nhiệm quản lý việc khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo mục tiêu, nhiệm vụ thiết kế và tiềm năng, lợi thế của công trình; lựa chọn, ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; giám sát việc cung cấp và sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; chủ trì thực hiện điều tra, đánh giá hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo định kỳ 5 năm hoặc đột xuất; quyết định theo thẩm quyền hoặc trình chủ sở hữu quyết định đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại hóa và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá định kỳ 5 năm hoặc đột xuất.

Theo VOV.vn 

Ý kiến góp ý: