TextBody
Huy chương 2

Chuyện về vị tân giáo sư duy nhất của ngành thủy lợi năm 2020

19/02/2021

Ông Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là một trong 39 nhà giáo trên cả nước và là người duy nhất của ngành thủy lợi được phong danh hiệu giáo sư năm 2020.

Gần 7h tối, căn phòng làm việc nhỏ trên tầng 3 của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam vẫn sáng đèn. Bên trong, Phó Giám đốc Viện Nguyễn Tùng Phong đang tiếp tục công việc nghiên cứu của ông sau một ngày bận rộn với nhiều cuộc họp.

“Làm khoa học, tôi đã quen với việc làm hơn 10 tiếng/ngày và thường xuyên làm việc cả ngày cuối tuần”, ông Phong – một trong 39 nhà giáo trên cả nước và là đại diện duy nhất của ngành thủy lợi được phong danh hiệu giáo sư năm 2020 – mở đầu cuộc nói chuyện với Người Đồng Hành.

Giống như nhiều nhà khoa học khác, phòng làm việc của Giáo sư Nguyễn Tùng Phong có rất nhiều sách. Bức ảnh chụp cùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi ông Phong được tôn vinh là “Nhà khoa học của Nhà nông năm 2020” được phóng to treo trên tường, cạnh đó là Huân chương Lao động hạng Nhì và rất nhiều bằng khen, giải thưởng vị giáo sư sinh năm 1967 nhận được.

Sau 30 năm gắn bó với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, ông Phong đã chủ trì 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước; chủ trì và tham gia 9 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, được cấp một bằng sáng chế, giải pháp hữu ích và nhiều sáng kiến toàn quốc, cấp Bộ... Ông cũng xây dựng 4 chương trình đào tạo về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quản lý rủi ro thiên tai và tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.

Giáo sư Nguyễn Tùng Phong kể ông đến với ngành thủy lợi giống như một cái duyên. “Sau khi tốt nghiệp THPT, trong khi bạn bè chọn ngành kinh tế hay tài chính, gia đình khuyên tôi chọn Đại học Thủy lợi để sau này… dễ xin việc. Lúc đó tôi nghe theo nhưng không nghĩ mình sẽ tâm huyết và gắn bó lâu dài với ngành đến vậy”, ông Phong cười khi nhớ lại chuyện cũ.

Ra trường năm 1990, ông Phong về làm việc tại Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam với chức danh nghiên cứu viên. 8 năm sau, ông được bổ nhiệm làm phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế của Viện và đến năm 2002 trở thành người trẻ nhất giữ vai trò trưởng phòng, sau này là giám đốc Trung tâm Đào tạo và hợp tác quốc tế vào năm 2008 tại cơ quan này. Trải qua nhiều vị trí khác nhau, đến năm 2012, ông Phong được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam.

“Khi vào Viện làm việc, tôi được các nhà khoa học đi trước hướng dẫn, dìu dắt nên dần đam mê nghiên cứu, sẵn sàng làm việc cuối tuần và đi công tác tỉnh thường xuyên. Nếu không có đam mê thì thật sự rất khó để làm khoa học”, ông Phong chia sẻ.

Thừa nhận làm khoa học cũng có lúc gặp nhiều khó khăn và những thời điểm thấy mệt mỏi nhưng giáo sư 54 tuổi cho biết ông chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ nghề.

“Khi bố mẹ tôi còn sống, ông bà nói rằng ‘… Con đường khoa học chắc là con đường phù hợp nhất với con, nên con cố gắng phấn đấu theo con đường này và đó có thể là con đường duy nhất”, ông Phong kể và cho biết đến bây giờ, ông vẫn thấy chỉ có bố mẹ là người hiểu con mình nhất.

Lấy trong tủ ra vài cuốn sách về quản lý hạn hán, hiện đại hóa thủy lợi (trong đó có những cuốn được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt) do mình làm tác giả hoặc đồng tác giả, ông Phong nói những cuốn sách này và những danh hiệu thi đua kia là tài sản lớn nhất trong sự nghiệp làm khoa học của ông. Đó không chỉ là những kết tinh hay công bố kết quả của nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu, mà còn là những tài liệu chuyên khảo, tham khảo, hướng dẫn hữu ích... để phục vụ cho công tác đào tạo sau đại học hay đào tạo chuyên ngành.

Nhờ khung quản lý hạn hán tổng hợp mà ông Phong và các nhà khoa học xây dựng, việc cảnh báo hạn không chỉ dừng ở mức dự báo như trước đây mà còn bao gồm việc kiểm đếm và dự báo nguồn nước có thể có trong một tỉnh hoặc lưu vực sông. Bên cạnh đó, trên cơ sở tính toán nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và sinh hoạt, xây dựng kế hoạch phân bổ hợp lý nguồn nước cho các mục tiêu sử dụng nước khác nhau. Ví dụ như những vùng thiếu nước có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những vùng không có nước có thể dừng sản xuất để tránh thiệt hại… Khung quản lý hạn hán tổng hợp cũng đưa ra các kịch bản có thể xảy ra để từ đó xây dựng những hành động chủ động ứng phó phù hợp.

Lật vài trang sách, vị giáo sư chia sẻ, “với một người làm khoa học như tôi, điều sung sướng nhất là những kết quả nghiên cứu của mình được áp dụng vào thực tế và đem lại hiệu quả cho người dân, cho xã hội”. Dừng lại vài giây suy nghĩ, ông Phong nói tiếp, “dù làm nghiên cứu khoa học, không phải lúc nào cũng thành công nhưng tiêu tiền của nhà nước mà không đem lại hiệu quả thì tôi thấy thật có lỗi”.

Làm trong ngành thủy lợi, giáo sư sinh ra tại Quốc Oai (Hà Nội) đã quen thuộc với việc đi công tác tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên hay xắn tay áo xuống đồng ruộng hướng dẫn, tập huấn cho người dân.

“Điều vui nhất là chúng tôi được người dân rất yêu quý. Họ nắm tay, hỏi thăm và trò chuyện rất thân tình. Có những dự án với Nhật Bản đã xong mấy năm nhưng khi quay lại vùng quê đó, người dân vẫn nhớ và nói rằng ‘Những gì được các anh hướng dẫn giờ chúng tôi vẫn làm rất tốt”, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam bộc bạch.

Cũng có những người từng được ông Phong hướng dẫn sau này làm cán bộ xã, huyện hoặc tỉnh. “Gặp lại nhau trong các cuộc họp của Bộ Nông nghiệp, họ vẫn chạy ra chào tôi là thầy và nhắc lại kỷ niệm cũ khiến tôi rất hạnh phúc”, vị giáo sư xúc động nói.

Trong cuộc nói chuyện kéo dài hơn một giờ đồng hồ với Người Đồng Hành, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam dành nhiều thời gian để nói về những trăn trở của ông đối với vấn đề an ninh nguồn nước tại Việt Nam – một trong những đề tài ông đang nghiên cứu. Theo ông Phong, an ninh nguồn nước gồm 2 khía cạnh: khối lượng nước và chất lượng nước.

“Các nghiên cứu dự báo nguồn nước ở Việt Nam một năm là 840 tỷ m3 nhưng đến 63% là từ nước ngoài. Nguồn nước từ nước ngoài về Việt Nam còn bị giữ lại ở các hồ thủy điện. Nước về Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) rất ít, phù sa bị chặn lại dẫn đến hiện tượng sạt lở nghiêm trọng. Ước tính một năm ĐBSCL mất 300 ha do sạt lở, sụt lún đất. Đó là những vấn đề rất lớn với an ninh nước của Việt Nam”, ông Phong nói và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng nước hiệu quả.

Giáo sư ngành thủy lợi cho biết, trên thế giới cứ 1m3 nước tạo ra 21,14 USD GDP, trong khi ở Việt Nam chỉ là 2,7 USD GDP. “Water productivity (năng suất nước) của Việt Nam như vậy là rất thấp”, ông Phong nói.

Liên quan đến vấn đề an ninh nguồn nước, Giáo sư Nguyễn Tùng Phong đang là chủ nhiệm một đề tài cấp Nhà nước về xử lý nguồn nước ô nhiễm trong các công trình thủy lợi.

“Các giải pháp về ô nhiễm nguồn nước tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Khi mình xử lý được nước thải thì người dân không phải ăn nước bẩn, nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp đảm bảo chất lượng, giảm được tác động đến sức khỏe và các vấn đề xã hội khác”, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam giải thích.

Thuộc thế hệ 6X nhưng Giáo sư Nguyễn Tùng Phong luôn tìm hiểu và sẵn sàng áp dụng những công nghệ mới vào các nghiên cứu khoa học của mình.

“Chúng tôi đang ứng dụng công nghệ 4.0 và AI vào quản lý nước, quản lý tưới kết hợp vận hành, bón phân và nâng cao độ tin cậy cho các dự báo. Công nghệ 4.0 vừa rồi cũng được đưa vào để dự báo nước ngầm ở Tây Nguyên, việc ứng dụng công nghệ Máy học để dự báo chất lượng nước đang bắt đầu được áp dụng”, ông chia sẻ.

Giáo sư Nguyễn Tùng Phong cho biết ông sẽ dần chuyển giao những nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ để tiếp tục theo đuổi các ý tưởng mới.

“Điều quan trọng là truyền được niềm đam mê cho những nhà khoa học trẻ. Tất nhiên niềm đam mê ấy phải đi cùng với việc tạo ra môi trường, công việc để họ được cống hiến và làm những điều mà mình mong muốn”, ông Phong nói và bày tỏ sự tin tưởng vào thế hệ những nhà khoa học trẻ của Việt Nam. 

Bài: Diệu Tuyết
Ảnh, thiết kế: Bảo Linh

Nguồn: ndh.vn

Ý kiến góp ý: