Cơ hội trao đổi về chính sách, quy trình, quy chuẩn bảo dưỡng đập của Việt Nam
23/09/2015Ngày 22/9/2015, Ông TIDIERE Alain - Đại diện Công ty HYDROKARTS (chuyên cung cấp các giải pháp bảo dưỡng và an toàn đập) - Cộng hòa Pháp đã đến thăm và làm việc với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
Tham dự buổi làm việc có Vụ Quản lý Xây dựng Công trình - Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện, đại diện Ban Kế hoạch Tổng hợp, Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Viện Thủy công, Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi. Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt đã giới thiệu khái quát về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động và các hoạt động gần đây của Viện. Đặc biệt, Giám đốc Viện nhấn mạnh các hoạt động của Viện gần đây liên quan đến vấn đề an toàn đập; việc tham gia vào dự án về an toàn đập WB8 và mong muốn học tập những kinh nghiệm của nước ngoài trong vấn đề an toàn đập và các công nghệ của các nước tiên tiến về an toàn đập trong đó có Pháp. Đáp lại lời phát biểu của Giám đốc Viện, Ông TIDIERE Alain - Đại diện Công ty HYDROKARTS đã giới thiệu sơ lược vài nét về Công ty. Theo đại diện Công ty, lĩnh vực hoạt động chính của Công ty là chuyên giám định các công trình dưới nước và bảo dưỡng, cải tạo, an toàn đập thủy lợi. Công ty hoạt động dưới 3 hình thức đó là (1) Tất cả những thao tác công trình thực hiện trên dây; (2) Thao tác công trình ở dưới nước với các thiết bị tối tân cùng với thợ lặn có thể xuống độ sâu 200m hoặc sử dụng rô bốt có thể xuống độ sâu như mong muốn, (3) Các thao tác trong các không gian làm việc hẹp như nhà máy điện hạt nhân. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã tham gia bảo trì, bảo dưỡng khoảng 60 công trình cho các khách hàng trên khắp thế giới và Công ty còn là thành viên của mạng lưới bao gồm 5 Công ty khác của Pháp. Bên cạnh đó, Đại diện Công ty mong muốn thực hiện thí điểm với một công trình đập cụ thể ở Việt Nam với chiều cao lớn về chẩn đoán tình trạng của đập, bảo trì bảo dưỡng đập và mong muốn được hợp tác do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đề xuất. Hai bên đã cùng nhau trao đổi, thảo luận các nội dung cũng như cách thức triển khai hợp tác, mở khóa đào tạo về việc thực hiện việc giám sát quan trắc và sử dụng các thiết bị quan trắc, vấn đề về quản lý vận hành và an toàn đập, về các doanh nghiệp trong mạng lưới của Công ty HYDROKARTS. Buổi làm việc kết thúc thành công tốt đẹp, đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai đối với cả Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Công ty HYDROKARTS cũng như các thành viên trong mạng lưới của Công ty tại Pháp.
Ý kiến góp ý: