TextBody
Huy chương 2

Cổ phần hóa doanh nghiệp nông nghiệp: Hướng đi nào?

14/07/2010

Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước là quá trình tất yếu khi thực hiện chủ trương hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, việc cần làm là tìm ra phương thức hiệu quả để giải quyết tận gốc các vấn đề phát sinh.

Nhạy bén, linh hoạt

Thực tế cho thấy, một trong những khó khăn chung của các doanh nghiệp (DN) Nhà nước khi thực hiện CPH là thiếu vốn, năng lực điều hành của cán bộ quản lý hạn chế. Do đó, có thể khẳng định, sự nhạy bén, linh hoạt của “người chèo lái” sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự thành bại của DN. Điều này được chứng minh trong quá trình chuyển đổi, sắp xếp lại các nông - lâm trường ở Lâm Đồng.

Lâm Đồng có 601.477ha rừng, chiếm 61,5% diện tích toàn tỉnh. Nhiều năm nay, UBND tỉnh đã tiến hành tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn với mục đích nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác rừng và đất rừng.

Ngay sau khi được chuyển đổi mô hình hoạt động, các công ty lâm nghiệp đã chủ động bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết để tiến hành trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến nông, lâm sản, chủ động đầu tư mở rộng các cơ sở chế biến gỗ. Hiện 8 công ty lâm nghiệp của tỉnh đang quản lý và sử dụng 194.253ha đất, trong đó có 191.135ha đất lâm nghiệp và 1.337,4ha đất nông nghiệp; tự tổ chức sản xuất, quản lý, bảo vệ trên 111.018ha rừng.

Do chủ động trong lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanhD, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm ổn định cho 444 lao động với mức thu nhập bình quân 2,2 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, rừng và đất rừng do các DN này quản lý đều được bảo vệ tốt, ít bị xâm hại.

Cơ chế, chính sách phù hợp

 

Mục tiêu của việc chuyển đổi hình thức sở hữu các DN Nhà nước là huy động được vốn từ các thành phần kinh tế; thay đổi phương thức quản trị DN; đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp.

Ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT kiêm Trưởng ban Đổi mới và Quản lý DN cho rằng, Nhà nước nên cho phép giải thể, phá sản các DN thuộc diện có nợ khó đòi để bàn giao sang công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN. Mặt khác, sớm hướng dẫn phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình khi chuyển đổi sở hữu DN, ban hành cơ chế kiểm tra các đơn vị tham gia thực hiện định giá DN, ban hành quy chế hoạt động của người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng kiên quyết loại bỏ những quy định không cần thiết, tăng cường phân cấp cho các tổng công ty những công việc thuộc thẩm quyền của Bộ, yêu cầu các tổng công ty phải thực hiện đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, đổi mới các DN Nhà nước thuộc Bộ. Làm thật kiên quyết, nhưng phải đúng pháp luật, đúng quy chế.

Ngoài ra, Nhà nước cần xem xét giải quyết nhu cầu vốn của các DN vì đây là việc cấp thiết để mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng nên có cơ chế thu nợ lãi vay và vốn vay đối với các công ty, nhất là các công ty lâm nghiệp làm nhiệm vụ trồng rừng. Không nên thu lãi vốn vay hàng tháng mà nên thu vốn và lãi tiền vay phù hợp với chu kỳ sản xuất của cây rừng. Các công ty lâm nghiệp được giao quản lý rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong giai đoạn thực hiện nhiệm vụ khoanh nuôi, bảo vệ được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư như đối với rừng phòng hộ. Khi được khai thác, công ty lâm nghiệp thực hiện phương án điều chế rừng do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị được sử dụng kết quả tự khai thác, chế biến lâm sản để tái đầu tư phát triển rừng. Nhà nước không nên giao chỉ tiêu kế hoạch khai thác đối với rừng sản xuất...

CPH là để đổi mới về chất

Trước muôn vàn khó khăn, thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa (CPH), chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phú Hùng (ảnh), Phó trưởng ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT).

Ông có thể cho biết một vài kết quả đạt được trong quá trình sắp xếp, đổi mới các DN trực thuộc Bộ?

Bộ Nông nghiệp và PTNT có 16 tổng công ty thì đã CPH được Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 và Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi 1. Đến nay, Bộ cũng đã cho Tổng công ty Nông nghiệp Việt Nam chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó công ty mẹ là công ty TNHH 1 thành viên, đồng thời sáp nhập Tổng công ty Muối vào Tổng công ty Lương thực miền Bắc. Như vậy, Bộ còn 12 tổng công ty đang được sắp xếp, chuyển đổi.

Thời gian qua, nhất là bước sang năm 2010, Bộ đã làm rất ráo riết việc này. Hiện, chỉ còn công ty mẹ và một số tổng công ty chưa chuyển sang mô hình công ty mẹ - con nhưng đợt này chúng tôi cũng sẽ tiến hành làm thủ tục chuyển đổi. Còn lại, những công ty đã chuyển sang mô hình mẹ - con rồi thì tiếp tục chuyển công ty mẹ sang công ty TNHH 1 thành viên.

Như vậy, tiến trình sắp xếp, đổi mới của Bộ rất khẩn trương, quyết liệt, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

 

Ông có thể cho biết vì sao sau nhiều năm tiến hành CPH, các doanh nghiệp trực thuộc Bộ vẫn không thể hoàn thành?

Cái khó nhất đối với DN khi tiến hành CPH chính là việc xác định vị trí địa lý, lợi thế, giá trị tài sản để tiến hành CPH theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Ngành nông nghiệp có cơ chế đặc thù là gắn liền với đất và rừng. Việc xác định giá trị tài sản trên đất rừng là rất khó khăn.

Nếu tính đất đai vào giá trị DN thì con số sẽ đội lên rất lớn, theo đó DN sẽ phải chịu nguồn vốn điều lệ không hề nhỏ. Như thế, rất có thể hầu hết các đơn vị này sẽ chuyển sang kinh doanh bất động sản và điều đó là hoàn toàn sai với mục đích ban đầu khi mới thành lập DN.

 

Có ý kiến cho rằng, việc CPH chỉ là hình thức “bình mới, rượu cũ”. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Nói như vậy là mang tính chủ quan. Phải thấy rằng, CPH là giải pháp sắp xếp, đổi mới DN Nhà nước triệt để nhất. DN sau CPH sẽ phải tự chủ về tài chính, tự phát hành cổ phiếu, tự hạch toán độc lập, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải có trách nhiệm với tài sản của mình. Chính vì thế, có thể khẳng định, CPH thực sự là cơ chế đổi mới về chất.

Vậy theo ông, những vấn đề đặt ra sau khi CPH là gì?

 

Chuyển hoạt động từ hình thức được bao cấp sang tự lo là cả một quá trình, vì thế chắc chắn sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra sau khi CPH như làm thế nào để không bị tư nhân hóa; người lao động không bị thất nghiệp; nâng cao tính cạnh tranh cho DN trong quá trình hội nhập.

Khi CPH, sẽ có lao động bị dôi dư, làm sao để giải quyết vấn đề này, thưa ông?

 

Sau khi CPH sẽ tiến hành giải quyết vấn đề lao động theo quy định. Công ty cổ phần sẽ phải xây dựng phương án giải quyết theo thông tư hướng dẫn của các Bộ. Quan điểm của Bộ là sẽ giải quyết dứt điểm trên tinh thần đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động.

Ông hy vọng gì sau khi các công ty chuyển đổi?

Tôi tin sau chuyển đổi, DN sẽ hoạt động tốt hơn do họ được chủ động trong sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, dù chưa tiến hành CPH thì mô hình công ty TNHH 1 thành viên cũng là rất tiên tiến khi cùng lúc, công ty mẹ thực hiện 2 chức năng là sản xuất kinh doanh và tài chính. Việc chuyển sang công ty TNHH 1 thành viên cũng chỉ là tạm thời, còn mục tiêu lâu dài vẫn là CPH.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Nga

Nguồn: kinhtenongthon

 

Ý kiến góp ý: