Côn trùng và sử dụng bền vững
26/10/2020Đây là chủ đề của Hội nghị Côn trùng học Quốc gia lần thứ 10 được tổ chức trong 02 ngày, từ ngày 22/10-23/10 tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Hội nghị do Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình phối hợp với Hội Côn trùng học Việt Nam tổ chức.
Hội nghị Côn trùng học quốc gia lần thứ 10 là hoạt động thường niên, được tổ chức 03 năm một lần. Hội nghị là nơi các nhà khoa học nghiên cứu về côn trùng từ khắp mọi miền đất nước gặp nhau để chia sẻ, trao đổi các kết quả nghiên cứu về côn trùng ở Việt Nam.
Hội nghị côn trùng học lần thứ 10 được tổ chức nhằm đánh giá hoạt đông nghiên cứu khoa học về côn trùng trong 02 thập niên đầu thế kỷ 21 và định hướng hoạt động trong thời gian tới của Hội côn trùng học Việt Nam.
Tham dự Hội nghị, về phía cơ quan quản lý nhà nước có TS. Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, TS. Nguyễn Tuấn Anh - Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; GS.TS. Lê Trần Bình - Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Lân Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội các ngành sinh học Việt Nam; GS.TS. Lê Bách Quang - Chủ tịch Hội Ký sinh trùng Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng Nông thôn mới; Ông Nguyễn Văn Sơn - Quyền Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ Thực vật Việt Nam; TS. Lê Lân - Giám đốc NXB Nông nghiệp.
Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham dự của các GS, TS trong Ban chấp hành Hội Côn trùng học Việt Nam; các nhà quản lý, các Viện nghiên cứu như: Viện Bảo vệ Thực vật, Viện Sốt rét Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật… và các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu trẻ thuộc các Trường Đại học, Viện nghiên cứu trên cả nước.
Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện; lãnh đạo và các cán bộ khoa học của Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình.
Chủ tịch Đoàn: GS.TSKH. Vũ Quang Côn - Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy - Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình; GS.TSKH. Trương Quang Học - Viện Tài nguyên và Môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Phạm Văn Lầm, Thư ký Hội Côn trùng học Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy - Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình đã chào mừng các đại biểu đã đến tham dự Hội nghị. Đồng thời bày tỏ lời cảm ơn Hội Côn trùng học Việt Nam đã tin tưởng giao tổ chức Hội nghị Côn trùng học Quốc gia lần thứ 10.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy cho biết đây là Hội nghị côn trùng học thứ 2, Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình được tổ chức đăng cai, sau Hội nghị côn trùng học lần thứ 8 năm 2014 và mong muốn tại Hội nghị các nhà khoa học sẽ cùng nhau chia sẻ, trao đổi các vấn đề khoa học, những thông tin khoa học mới, tiếp thu các kiến thức khoa học liên quan nhằm tạo ra Hội nghị thành công.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TSKH. Vũ Quang Côn - Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam đã điểm qua lịch sử phát triển của Hội cũng như các Hội nghị côn trùng học được tổ chức thành công từ những năm trước đây. Đồng thời cũng đã báo cáo tình hình hoạt động của Hội Côn trùng học Việt Nam trong 20 năm (1999-2020) và phương hướng hoạt động trong thời gian tới.
Theo đó, cứ 03 năm một lần, Hội Côn trùng học Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị về côn trùng học Quốc gia. Tại Hội nghị lần thứ 10, Hội Côn trùng học Việt Nam đã cho ra mắt Tuyển tập giới thiệu đầy đủ các kết quả nghiên cứu gần đây nhất của các nhà côn trùng học với 109 công bố và báo cáo (côn trùng học - 39 bài, côn trùng học nông lâm nghiệp - 47 bài; côn trùng học y học và xã hội - 21 bài).
Trong 20 năm qua, Hội Côn trùng học Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận và được đánh giá cao trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, triển khai và ứng dụng. Hội đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị và được công bố trên các tạp chí, tuyển tập tại các Hội nghị khoa học toàn quốc, nhiều sách tham khảo, chuyên khảo, giáo trình, hướng dẫn và phổ biến khoa học kỹ thuật. Hầu hết các thành viên của Hội Côn trùng học là các thành viên của các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy và là chủ nhiệm hoặc thành viên của các đề tài nghiên cứu. Trong đó, một số thành viên đã đạt được giải thưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng chương trình động vật chí, thực vật chí Việt Nam… Cùng với việc nghiên cứu côn trùng truyền thống, một số chuyên gia hướng vào nghiên cứu sinh học, sinh thái, một số nhóm côn trùng đặc biệt trong điều kiện thiên nhiên, nhân nuôi…; côn trùng làm thuốc trong y học cổ truyền, côn trùng làm thực phẩm đã lôi cuốn nhiều nhà côn trùng học nghiên cứu và mở ra khuynh hướng mới trong việc sử dụng các sản phẩm từ côn trùng…
Trong lĩnh vực đào tạo, từ năm 2020 đến nay đã có nhiều cử nhân, thạc sỹ, tiến sĩ lĩnh vực côn trùng học tốt nghiệp, nhiều nhà côn trùng học bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trong và ngoài nước, nhiều nhà côn trùng học đã được phong giáo sư, phó giáo sư. Những lực lượng này đã bù đắp một phần vào đội ngũ cán bộ côn trùng học hiện nay của Việt Nam. Song song với việc đào tạo, Hội Côn trùng học đã biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu. một số nhà côn trùng học đã mạnh dạn phối hợp với các chuyên gia nước ngoài để chủ trì các Hội nghị trong lĩnh vực côn trùng để thực thi các công việc cụ thể do tài trợ của nước ngoài. So với những năm trước đây đã có nhiều hơn những công bố trên các Tạp chí có uy tín…
Báo cáo cũng đã chỉ rõ phương hướng nội dung hoạt động trong năm năm tới đó là các nhà côn trùng học cần tích cực đăng ký tham gia Hội viên; Tập trung quan tâm nghiên cứu đa dạng sinh học về côn trùng, sinh thái học, hệ thống côn trùng, sinh học, tập tính côn trùng, ứng dụng trong nông lâm nghiệp, y tế hướng tới những phương pháp hiện đại, giải quyết các vấn đề nghiên cứu về sinh thái học và hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Lương thực thực phẩm trong việc sử dụng côn trùng làm thực phẩm và mọi thứ; Các thành viên tích cực đăng tải các công trình nghiên cứu trên các tạp chí có uy tín, sách chuyên khảo, giáo trình, hướng dẫn, phổ biến cũng như qua các phương tiện truyền thông khác về côn trùng học, tăng cường hơn nữa chất lượng của các ấn phẩm; Mở rộng quan hệ quốc tế dưới nhiều hình thức, tăng cường yếu tố quốc tế ở Hội nghị Côn trùng học Quốc gia các lần tiếp theo; Tổ chức thành công các Hội nghị Côn trùng học quốc gia trong những năm tiếp theo.
Thay mặt Ban Chấp hành Hội Côn trùng học Việt Nam, GS.TSKH. Vũ Quang Côn đã gửi lời cảm ơn đến Liên Hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ban Chấp Hành Hội các ngành sinh học Việt Nam, các đơn vị khoa học công nghệ trong và ngoài nước, các Hội viên và các đại biểu tham dự Hội nghị đã động viên tinh thần và hỗ trợ kinh phí cho Hội nghị.
GS.TSKH. Vũ Quang Côn tin tưởng với sự giúp đỡ này và với kinh nghiệm đã được đúc kết trong 54 năm, với sự đoàn kết, một lòng vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học, Ban Chấp hành Hội sẽ vươn lên, làm tốt hơn nữa trong lĩnh vực côn trùng học.
Đại diện cho đơn vị chủ trì, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện đã gửi lời chúc mừng các nhà khoa học của ngành côn trùng học đã đạt được nhiều kết quả có giá trị trong sự nghiệp phục vụ đời sống, sản xuất và phát triển đất nước. GS.TS. Trần Đình Hòa cho rằng Hội nghị này là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam vinh dự, tự hào là đơn vị được chọn là đơn vị đồng hành, tổ chức Hội nghị này.
Thay mặt lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và các nhà nghiên cứu khoa học, GS.TS. Trần Đình Hòa gửi lời cảm ơn đến Ban Tổ chức Hội nghị đã phối hợp với Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình tổ chức Hội nghị lần thứ 10 và chào mừng các nhà khoa học đến dự Hội nghị.
“Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình" là một trong 13 đơn vị nghiên cứu khoa học của Viện, mặc dù đội ngũ khoa học, cơ sở vật chất nghiên cứu về côn trùng còn khiêm tốn tuy nhiên, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam luôn mong muốn và sẵn sàng chào đón và hợp tác với tất cả các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước để các kết quả nghiên cứu và ứng dụng về côn trùng ngày càng phục vụ tốt hơn nữa cho sự nghiệp phát triển bền vững”, GS.TS. Trần Đình Hòa khẳng định.
Thay mặt Hội các ngành Sinh học Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Lân Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội cho biết cùng với Hội Ký sinh trùng học và một số Hội khác, Hội Côn trùng học là một trong những Hội có nhiều ảnh hưởng nhất trong Hội các ngành sinh học Việt Nam.
Chuẩn bị 55 năm ngày thành lập, GS.TS. Nguyễn Lân Dũng kiến nghị Hội chuẩn bị chuẩn bị làm các thủ tục kiến nghị tặng thưởng Huân Chương lao động; in sách chuyên khảo về mối, muỗi, sâu hại mùa màng… và hoàn thành cuốn bách khoa toàn thư về sinh học phần sinh vật học do Nhà nước yêu cầu.
Chia sẻ về bản thân taị Hội nghị trước các bệnh nan y do thuốc trừ sâu gây ra đặc biệt đối với bệnh ung thư, GS.TS. Nguyễn Lân Dũng mong muốn cộng tác cùng Hội Sinh vật học, Hội Côn trùng học thực hiện đề tài cấp Nhà nước trong việc sản xuất chế phẩm sinh vật diệt côn trùng và sẽ tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp tổ chức nhà máy sản xuất trong tương lai. Đồng thời mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý về cuốn từ điển anh việt về công nghệ sinh học đang biên soạn trong thời gian 02 năm tới.
Côn trùng là nhóm động vật đa dạng nhất hành tinh, đã tồn tại, tiến hóa và phát triển trong suốt hàng triệu năm qua và là đối tượng đông nhất trong các loài sinh vật, chúng có ích nhưng chúng cũng có hại và đều liên quan đến đất nước. Do vậy, GS.TS. Nguyễn Lân Dũng mong muốn hơn 160 nhà côn trùng học có mặt tại Hội nghị sẽ là những chiến sĩ tiên phong trong việc xây dựng ngành côn trùng học Việt Nam trong việc ứng dụng tốt các côn trùng có ích và phòng trừ có hiệu quả các côn trùng có hại.
GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - Ủy viên Ban chỉ đạo, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới khẳng định đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng và mang tầm quốc gia. Tại Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh đã chia sẻ về các tác hại của côn trùng đặc biệt là mối đối với các công trình thủy lợi trong đó có vấn đề về an toàn đê, phòng chống lũ và đề nghị Hội Côn trùng học Việt Nam đăng ký 01 đề tài trong Chương trình trong giai đoạn 3 (2021 - 2025) về xây dựng quốc gia bền vững và cân bằng sinh thái.
Tại Hội nghị các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe báo cáo tổng quan về côn trùng, nhện, ve bét như nghiên cứu bảo tồn và khai thác tài nguyên côn trùng ở Việt Nam: Tại sao không do GS.TS. Bùi Công Hiển - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo và Thế giới côn trùng trong bối cảnh biến đổi toàn cầu do GS.TSKH. Trương Quang Học - Viện Tài nguyên và Môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày.
Tiếp theo đó, Hội nghị đã chia thành 4 chuyên đề lớn với 34 báo cáo khoa học được trình bày, giới thiệu tại Hội nghị bao gồm Côn trùng học Đại cương (11 báo cáo), Côn trùng học Nông - Lâm nghiệp (12 báo cáo), Côn trùng Y học và Côn trùng xã hội (11 báo cáo) do các diễn giả đến từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Trung tâm nghiên cứu trên cả nước trình bày.
Một số hình ảnh tại Hội nghị và Hội nghị chuyên đề
Một số tiết mục văn nghệ chào mừng Hội nghị
Côn trùng là lớp động vật không xương sống có đa dạng loài cao nhất, chiếm hơn một nửa số loài sinh vật trên trái đất. Hiện nay, với hơn một triệu loài đã được mô tả và là một mắt xích quan trọng giữ cho sự cân bằng và tồn tại của các hệ sinh thái trên trái đất. Chỉ có 0,1% các loài là có hại cho con người (côn trùng hại trong nông, lâm nghiệp, truyền các bệnh khác nhau cho người, động vật). Ở Việt Nam, hàng năm các loài côn trùng hại gây tổn thất ước khoảng 30% năng suất các cây trồng. Nhiều loài côn trùng là môi giới truyền các bệnh dịch nguy hiểm cho con người như bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản v..v. Phần còn lại của thế giới côn trùng là có lợi (là thức ăn chính của nhiều loài động vật, thụ phấn cho thực vật hay côn trùng thiên địch tiêu diệt các loài sâu hại…). Côn trùng có vai trò rất quan trọng trong tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội của loài người. Côn trùng học (môn khoa học sinh học về thế giới côn trùng) là lĩnh vực khoa học hiện nay đang được cả thế giới quan tâm nghiên cứu và phát triển để phục vụ đời sống con người, bảo vệ đa dạng sinh học ở các hệ sinh thái tự nhiên nói riêng và trái đất nói chung. Việt Nam được thiên nhiên ban tặng một nguồn tài nguyên côn trùng vô cùng phong phú, đa dạng về chủng loại. Nguồn tài nguyên này cần được nghiên cứu và khai thác hợp lý để phục vụ phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. Hiện nay, ở Việt Nam có hàng ngàn cán bộ với trình độ đại học trở lên đang hoạt động ở các lĩnh vực nghiên cứu phát triển, giáo dục và đào tạo, quản lý và sản xuất kinh doanh liên quan đến nguồn tài nguyên côn trùng. Nhận thức được điều này từ năm 2002 đến nay, Hội Côn trùng học Việt Nam đã tổ chức hội nghị côn trùng học quốc gia vào các năm 2002, 2005, 2008, 2011, 2014, 2017 và năm 2020. Như vậy, cứ 03 năm một lần các nhà khoa học nghiên cứu về côn trùng từ mọi miền của Tổ quốc lại gặp nhau để chia sẻ, trao đổi các kết quả nghiên cứu về côn trùng ở Việt Nam. |
Ý kiến góp ý: