Công bố Dự án quy hoạch hệ thống sông Đáy
25/03/2015Những năm gần đây, do không thường xuyên được phân lũ, lòng sông Đáy đang bị “chết” dần. Có những đoạn hơn 20km hầu như không còn dòng chảy. Điều này đã tác động lớn đến việc phát triển của các khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình...
Đây là thông tin được đưa ra trong buổi họp công bố quy hoạch Dự án Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm nay (24/3).
Theo nghiên cứu của các cơ quan khoa học, khả năng phân lũ của sông Đáy hiện chỉ đạt 2.800-4.000 m3/s, không còn đạt yêu cầu phân lũ khi xuất hiện những đợt lũ lớn như từng có vào tháng 8/1945 hay tháng 8/1971...
Mục tiêu cụ thể được đưa ra của bản quy hoạch này là xác định tuyến thoát lũ ổn định, đảm bảo chuyển tải các cấp lưu lượng, đáp ứng yêu cầu cấp nước phục vụ dân sinh. Đặc biệt, việc quy hoạch này sẽ chống được lũ từ sông Hồng vào sông Đáy và chống lũ nội tại.
Quy hoạch cũng sẽ xác định vị trí các tuyến đê đảm bảo kết hợp đa mục tiêu, phù hợp với các yêu cầu bảo vệ dân sinh, kinh tế trong khu vực; củng cố, nâng cấp, cải tạo công trình phòng chống lũ và đê điều ở sông Đáy. Cùng với đó phải đảm bảo việc kết hợp giao thông, cải thiện môi trường.
Ngoài ra, quy hoạch cũng xác định các giải pháp ổn định, an toàn cho dân khi phải chống lũ thiết kế; tăng cường công tác quản lý, chống lấn chiếm trong vùng dẫn thoát lũ...
Tổng kinh phí đầu tư để cải tạo lòng dẫn sông Đáy (bao gồm cả kinh phí di dân, tái định cư), nâng cấp các tuyến đê tả Đáy, hữu Đáy, tả Bùi, hữu Bùi, tả Mỹ Hà, đê Vân Cốc và các cống qua đê vào khoảng gần 25 nghìn tỷ đồng.
Tại cuộc họp, đại diện nhiều địa phương như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình... đã nêu khó khăn trong kinh phí để triển khai quy hoạch. Đặc biệt, nhiều vùng đất bãi bồi nằm trong quy hoạch vẫn cho giá trị sản xuất cao nên nếu không triển khai sớm thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm.
Cùng với đó, các địa phương cũng mong sớm thực hiện việc cắm tuyến, cắm mốc quy hoạch sớm để có cơ sở pháp lý thực hiện, hạn chế những phức tạp cho công tác giải phóng mặt bằng sau này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đã ghi nhận các ý kiến của địa phương và các nhà khoa học.
Thứ trưởng nhấn mạnh việc cần làm trước mắt là nâng cao nhận thức và xây dựng được những kịch bản xảy ra trên sông Đáy. Sông Đáy cũng đang được nghiên cứu theo hướng cải tạo trong kế hoạch khẩn cấp của Bộ NN&PTNT.
Quy hoạch sông Đáy phục vụ đa mục tiêu. Một trong những mục tiêu quan trọng là cải tạo cảnh quan môi trường và cấp nước. Để thực hiện được mục tiêu này việc đầu tiên phải thông lòng dẫn. Bộ NN&PTNT cũng đang cố gắng có thể đưa được nước vào sông Đáy trong mùa lũ năm nay.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: Trong quy hoạch việc sử dụng cảnh quan, đất đai cũng được tính toán kỹ càng. Đặc biệt, nếu đưa những con sông thuộc hệ sống sông Đáy trở lại được với trạng thái tự nhiên thì đó là cơ hội để phát triển đời sống và kinh tế rất lớn cho các tỉnh có sông này chảy qua.
Theo www.chinhphu.vn
Ý kiến góp ý: