Công tác thủy lợi trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy BCH TW khóa X về tam nông
22/06/2010
Tác giả: GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
I. Đặt vấn đề
Đi lên từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, lại nằm trong vùng chịu nhiều tác động của thiên tai, công tác thủy lợi luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhiệm vụ của công tác thủy lợi còn rất nặng nề trong việc thực hiện Nghị quyết số 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu trong các thập kỷ tới.
II. Giải pháp quan trọng tăng trưởng kinh tế
Trong kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, ông cha ta đã đúc kết: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Kinh nghiệm này đã khẳng định khâu tưới, tiêu nước là biện pháp quan trọng hàng đầu đối với các loại cây trồng. Quán triệt vấn đề này, ngay từ sau ngày miền Bắc giải phóng, Đảng và Nhà nước đã tập trung mọi nguồn lực khôi phục lại các hệ thống thủy lợi được xây dựng từ thời thuộc Pháp như Liên Sơn (Vĩnh Phúc), Cầu Sơn (Bắc Giang), Đô Lương (Nghệ An), Bái Thượng (Thanh Hóa); Đồng thời khởi công xây dựng thêm nhiều hệ thống thủy nông đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu nước của sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết T.Ư lần thứ 5 (khóa III, tháng 7-1961) bàn về phát triển nông nghiệp, đã đề ra nhiệm vụ của công tác thủy lợi trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), xác định rõ “thủy lợi là biện pháp hàng đầu để phát triển sản xuất nông nghiệp”. Đã có hàng loạt các hệ thống thủy lợi lớn phục vụ tưới tiêu được xây dựng vào thời kỳ này như Hệ thống thủy lợi Bắc-Hưng-Hải, các trạm bơm điện lớn Cốc Thành, Cổ Đam, Hữu Bị, Nhân Trường, Như Trác, Vĩnh Trị, Trịnh Xá, Đan Hoài, Hồng Vân... đã tạo ra một cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng về thủy lợi cho sản xuất lúa hai vụ trong năm ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, căn bản xóa đi cảnh “chiêm khê, mùa thối” ở các huyện vùng trũng thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Tây, Nam Định... Hệ thống đê điều cũng từng bước được tu bổ, nhiều cống dưới đê được xây dựng để lấy nước tưới, tiêu úng, về căn bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và phòng, chống thiên tai, bảo đảm an ninh xã hội.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp ở các tỉnh miền Bắc, sau ngày giải phóng miền Nam, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo Bộ Thủy lợi thành lập các đoàn quy hoạch thủy lợi cho các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ để xây dựng các hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp ở các vùng. Những năm cuối thập kỷ 70 và thập kỷ 80 hàng loạt các công trình thủy lợi được xây dựng ở các địa phương; Trong đó có các hệ thống thủy lợi lớn như: Dầu Tiếng (Tây Ninh), A Dun Hạ (Gia Lai), Gò Công (Tiền Giang), Nam Mang Thít (Trà Vinh), đào mới tuyến kênh Hồng Ngự để cấp nước ngọt, cải tạo chua phèn vùng Đồng Tháp Mười...
Đến nay trên địa bàn cả nước đã xây dựng được hàng chục nghìn công trình thủy lợi các loại, trong đó có 75 hệ thống thủy lợi lớn, 800 hồ, đập loại vừa và lớn, hơn mười nghìn trạm bơm vừa và lớn, với tổng công suất bơm 24.5 triệu m3/giờ. Các hệ thống thủy lợi bảo đảm nước tưới trực tiếp cho 3,45 triệu ha, tiêu úng 1.4 triệu ha, tạo nguồn cho 1.13 triệu ha... Nhờ các hệ thống thủy lợi, nông nghiệp nước ta có bước phát triển khá nhanh, ổn định và tương đối vững chắc. Hệ thống đê sông, đê biển từng bước được tu bổ, nâng cấp và kiên cố đã hạn chế được đáng kể thiệt hại do lũ, bão gây ra.
III. Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã xác định “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Thực tiễn cho thấy xây dựng hệ thống thủy lợi không thể tách rời với hệ thống giao thông ở nông thôn, tách rời với hệ thống giao thông trên đồng ruộng phục vụ yêu cầu cơ giới hóa. Ở những vùng đất thấp như đồng bằng sông Cửu Long, việc xây dựng hệ thống kênh rạch tưới tiêu luôn gắn bó mật thiết với xây dựng hệ thống giao thông thủy, bộ, đem lại hiệu quả đầu tư rất lớn. Việc kiên cố mặt đê ở các tỉnh phía Bắc là chủ trương đúng đắn để phát triển giao thông nông thôn và ứng cứu khi bị sự cố xảy ra.
IV. Công tác thủy lợi trước biến đổi khí hậu
Trong Nghị quyết số 26-NQ-T.Ư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2020 là: “Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, trước hết là hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới tiêu cho toàn bộ diện tích lúa hai vụ, mở rộng diện tích rau, màu, cây công nghiệp, cấp thoát nước chủ động cho diện tích nuôi trồng thủy sản, làm muối, bảo đảm giao thông thông suốt bốn mùa tới hầu hết các xã và cơ bản có đường ô tô tới các thôn, bản... Nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, hoàn chỉnh hệ thống đê sông, đê biển và rừng phòng hộ ven biển, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, cụm dân cư, đáp ứng yêu cầu phòng chống bão, lũ, ngăn mặn và chống nước biển dâng: Tạo điều kiện sống an tòan cho nhân dân đồng bằng sông Cửu Long, miền trung và các vùng thường xuyên bị bão, lũ, thiên tai; Chủ động triển khai một bước các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu...”.
Tổ chức Khí tượng Thế giới đã nhận định: Việt
Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của Chính phủ và Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra mục tiêu, các chương trình nghiên cứu và công tác quy hoạch hệ thống hạ tầng cơ sở nông nghiệp, nông thôn như: Bảo đảm ổn định, an toàn dân cư cho các thành phố, các vùng, miền, đặc biệt là các vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung, miền núi; Bảo đảm sản xuất nông nghiệp ổn định, giữ vững 3,8 triệu ha canh tác lúa hai vụ, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực, giữ an toàn hệ thống đê điều, các công trình dân sinh, hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai; Nghiên cứu và quy hoạch tổng thể thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện nước biển dâng; Quy hoạch chống lũ cho các hệ thống sông ở khu vực...
Tuy nhiên, để thực hiện các chương trình và giải pháp này cần đầu tư nhiều công sức, tiền của và phải có kế hoạch cụ thể cho từng năm, từng thập kỷ sao cho các công trình được xây dựng vừa phù hợp với yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cấp, kiên cố và hiện đại khi mức nước biển ngày một dâng cao. Tập trung cao độ cho việc nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và triển khai sớm các công trình thủy lợi để đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn một cách ổn định, vững chắc trước những bất lợi do biến đổi thời tiết gây ra.
Ý kiến góp ý: