TextBody
Huy chương 2

COP-17 nhất trí về lộ trình chống biến đổi khí hậu

12/12/2011

Sáng ngày 11/12/2011, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 17 của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP-17), bà Mkoana Mashabane thông báo, Hội nghị đã nhất trí về lộ trình mới cho các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu một thập kỷ tới. 

Theo đó, đại diện của 194 nước thành viên tham dự COP-17 diễn ra tại TP Durban, Nam Phi đã nhất trí bắt đầu thương lượng về một thỏa thuận mới, sẽ có hiệu lực muộn nhất là vào năm 2020. Thỏa thuận này cũng sẽ thiết lập các cơ quan để thu thập, quản lý và phân phối hàng chục nghìn tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo để giúp các nước này cải thiện điều kiện khí hậu và hướng tới nền kinh tế thải ra ít khí carbon gây hiệu ứng nhà kính. Giới truyền thông đánh giá, COP-17 đã đạt thỏa thuận mang tính lịch sử bởi sẽ có hàng chục nghìn tỷ USD mỗi năm chi cho các nước nghèo để cải thiện điều kiện khí hậu.

Thỏa thuận này được thông qua sau 13 ngày thương đàm khó khăn, nhưng một chương trình phức hợp và sâu rộng nhằm đặt ra hướng đi mới cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới chính thức được khởi động. Theo Nghị định thư Kyoto, chỉ các nước công nghiệp phát triển mới phải thực hiện các chỉ tiêu mang tính ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải, nhưng hội nghị Durban đã nhất trí gia hạn Nghị định thư thêm 5 năm.

Được biết, đại biểu các nước đã thảo luận suốt đêm 10/12 về văn bản dự thảo mới. Giới truyền thông đưa tin, ngoài các cuộc tranh cãi về những chi tiết kỹ thuật, các cuộc đàm phán cũng bộc lộ những bất đồng sâu sắc giữa Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ xung quanh việc cắt giảm khí thải.

Trong khi Mỹ muốn tất cả các nước có lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường đều được hỗ trợ theo cùng một chuẩn mực pháp lý về cắt giảm lượng khí thải, nhưng Trung Quốc và Ấn Độ muốn đảm bảo gói thỏa thuận không cản trở sự phát triển kinh tế nhanh chóng của hai nước này. Ngoại trưởng Nam Phi Maite Nkoana Mashabane nhấn mạnh, chúng ta đều hiểu những thỏa thuận tại Durban chưa hoàn hảo, nhưng không nên để điều này làm mất đi những điều tốt đẹp và hy vọng.

Hơn nữa, các thỏa thuận này có thể góp phần giúp thế giới ứng phó với vấn đề biến đối khí hậu. LHQ cho rằng, việc chậm đạt được thỏa thuận mới về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên phạm vi toàn thế giới sẽ khiến cho mục tiêu kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng không vượt qua giới hạn cho phép là 2 độ C trong thế kỷ tới trở nên khó khăn, bởi đến năm 2020 lượng khí thải lên mức 11 tỉ tấn, gấp đôi lượng khí thải của tất cả các xe buýt, xe hơi và xe tải trên thế giới năm 2005.

Bộ trưởng Môi trường Đức cho biết, hội nghị Durban đầy kịch tính bởi phải kéo dài thêm một ngày, nhưng phải tới phút chót, các đại diện mới đạt được thỏa thuận về văn bản kể trên. Giới chuyên môn cho biết, các nước đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề nhất của việc Trái đất bị nóng lên, đã phản đối văn bản dự thảo được chuẩn bị trước đó và tình huống này khiến Nam Phi phải đưa ra đề nghị mới, hy vọng cứu vãn tình thế.

Giới truyền thông đưa tin, tối 9/12, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về khí hậu, bà Connie Hedegaard khi phát biểu trước giới truyền thông đã bày tỏ bi quan về việc đạt được một thỏa thuận cắt giảm khí thải mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Được biết, khoảng 100 người đã biểu tình (khoảng 120 phút hôm 9/12) tại trung tâm hội nghị Durban bởi thất vọng trước tình trạng bế tắc của COP-17. Anh Adam Greenberg, sinh viên đến từ Mỹ cùng những người biểu tình phản đối lập trường của Trưởng đoàn Mỹ Todd Stern khi ông nói rằng, Washington không muốn điều chỉnh mục tiêu cắt giảm khí thải trước năm 2020.

Với tư cách nước chủ nhà, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã đề nghị lãnh đạo các nước vượt qua những khác biệt để chung tay chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng cho rằng, không có bất cứ sự trắc trở nào ngăn chúng ta đạt được tiến bộ thực sự tại Durban. Nhân danh Liên minh châu Phi, Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi nhấn mạnh, chúng tôi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu, đời sống của hàng triệu người bị lâm nguy vì nạn hạn hán nghiêm trọng tại vùng Sừng châu Phi và thực sự thất vọng vì phần lớn lời hứa tài trợ tại hội nghị Copenhagen không thành hiện thực. 

 

Nghị định thư Kyoto quy định trách nhiệm cắt giảm khí thải của 37 nước công nghiệp, trừ Mỹ, sẽ hết hạn vào cuối năm 2012. Nhưng theo dự thảo đạt được tại hội nghị Durban thì Nghị định thư Kyoto sẽ kết thúc vào năm 2017. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất một thỏa thuận cắt giảm khí thải mới vào năm 2015 với sự tham gia của tất cả các nước thải khí độc hại nhiều trên thế giới và thỏa thuận này sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020, theo đó sẽ cắt giảm 20% lượng khí thải trên toàn cầu.

Nhưng đề xuất này vấp phải sự phản đối của nhiều nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ. Hiện EU chịu trách nhiệm 14% trong tổng số lượng khí thải và nếu ký cam kết giai đoạn hai, EU có thể đạt mục tiêu cắt giảm thêm 21% tổng lượng khí thải ra vào năm 2020. Trung Quốc, Ấn Độ và phần còn lại của thế giới đang chống ý tưởng này của châu Âu. Được biết, Trung Quốc (thải 6,7 tỉ tấn CO2 năm 2007) và Mỹ (thải 5,8 tỉ tấn CO2 năm 2007) đang là hai nước tạo hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới.

Theo CAND Online

 

 

Ý kiến góp ý: