TextBody
Huy chương 2

Đảm bảo an ninh nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu

16/12/2020

Ngày 15/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã tổ chức hội thảo “An ninh nước và Biến đổi khí hậu – Thách thức và giải pháp hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, ông Michael Croft – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; ông Mai Phan Dũng – Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao; GS.TS Trần Thục, Chủ tịch UBQG của Việt Nam về Chương trình thủy văn quốc tế; PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH (Bộ TN&MT) cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

An ninh nguồn nước gắn chặt với an ninh môi trường

 

Theo Báo cáo Phát triển tài nguyên nước của Liên hợp quốc năm 2020, khoảng 4 tỷ người đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nước ít nhất 1 tháng trong năm; 2,2 tỷ người chưa tiếp cận được với nước sạch có thể uống được.

 

Tại Việt Nam, nguồn tài nguyên nước tuy phong phú nhưng còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cấp bên ngoài, chiếm đến 63% tổng lượng nước trung bình hằng năm. Sự phân bổ nước không đồng đều giữa các vùng và theo mùa trong năm. Những năm gần đây, các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng tăng đang dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, tình trạng BĐKH và nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã và đang tác động ngày sâu sắc đến an ninh nước, đe dọa sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Điển hình là sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là năng nóng, hạn hán lũ lụt ở miền Bắc, miền Trung Tây Nguyên; xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở ĐBSCL đã gây thiệt hại năng nề, tiêu cực đến đời sống người dân.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội thảo

 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, đảm bảo an ninh nguồn nước trong bối cảnh BĐKH và gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa là những thách thức chúng ta cần giải quyết. Những thách thức này cần được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, như: Năng lực nhận thức vấn đề, công nghệ, cơ sở hạ tầng, công tác quản lý, thể chế chính sách… Điều này đòi hỏi cần có giải pháp chiến lược tổng thể, đồng bộ, liên ngành liên vùng. Không chỉ bó hẹp trong ngành nước, nông nghiệp mà còn liên quan đến đất đai, công nghiệp, năng lượng, môi trường, giáo dục đào tạo, truyền thông...

 

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách, công cụ pháp lý hữu hiệu hơn, quy hoạch và phân bổ tài nguyên nước, tăng cường  cơ sở hạ tầng về nước… Đặc biệt, chú trọng tăng cường nhận thức và năng lực của các cơ quan quản lý về bảo đảm tài nguyên nước trong bối cảnh mới. Cần hiện thực hóa những ý tưởng tiếp cận thành tựu KHCN về nước, vận hành các công trình có liên quan, có sự tham gia tích cực và trách nhiệm của khu vực doanh nghiệp. Cần đảm bảo cộng đồng nhận thức được và được tạo cơ hội tham gia vào quá trình quản lý tài nguyên nước, cũng như thay đổi thói quen sử dụng, tiêu dùng của người dân…

 

Ông Michael Croft – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ về các thách thức trong đảm bảo an ninh nguồn nước

 

Thứ trưởng nhấn mạnh, ngày 17/11, Quốc hội đã thông qua Luật BVMT sửa đổi – một đạo luật tiến bộ và có nhiều đổi mới về phương thức quản lý các thành phần môi trường, trong đó có quản lý chất lượng nước. Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng nước quốc gia, với tầm nhìn tổng thể về an ninh nguồn nước phải gắn kết chặt chẽ với an ninh môi trường nước.

 

Luật cũng đã cụ thể hóa chương về ứng phó BĐKH, mối quan hệ giữa ứng phó BĐKH và an ninh nước, an ninh môi trường nước. Sắp tới, Bộ TN&MT sẽ xây dựng quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch bảo vệ môi trườn; đồng thời, tham mưu cho Chính phủ ban hành kế hoạch bảo vệ chất lượng nước gắn với an ninh nước.

 

Hợp tác các bên trong bảo vệ nguồn nước

 

Ông Michael Croft, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam: Nước là nguồn lợi quan trọng, là yếu tố cơ bản trong cuộc sống của con người. Việc đảm bảo an ninh nguồn nước cho các cộng đồng xã hội chính là góp phần gìn giữ hòa bình thế giới và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nước đã tăng đến 6 lần trong thế kỷ vừa qua. Nếu những vấn đề liên quan đến nước không được giải quyết trong thời gian tới, hơn nửa dân số thế giới sẽ tiếp tục phải hứng chịu những thách thức này đến năm 2050.

 

Ông Mai Phan Dũng – Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao phát biểu tại hội thảo

 

Đại diện UNESCO nhấn mạnh, sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu sử dụng nước dẫn đến cạnh tranh giữa các bên liên quan tăng lên, trong khi chất lượng nguồn nước ngày càng giảm. BĐKH tác động ngày càng mạnh và càng khiến những căng thẳng liên quan đến nước nghiêm trọng hơn, kể cả đối với những quốc gia từng ít khi phải lo lắng vì chuyện thiếu nước. Theo ông Michael, UNESCO ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc chủ động đầu tư, ưu tiên các công tác liên quan đến quản lý an ninh nguồn nước và phục vụ lợi ích của nhân dân. Việt Nam cũng đề ra nhiều chương trình nỗ lực quản lý tài nguyên nước, chương trình can thiệp nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH.

Các nhà hoạch định chính sách đang đối mặt với nhiệm vụ ngày càng phức tạp hơn và cần có quyết định mạnh mẽ hơn nữa giải quyết những thách thức trên, bao gồm cả BĐKH. Trong đó, cần xây dựng mối quan hệ hợp tác đối tác hiệu quả, mở rộng với nhiều bên liên quan, cả khu vực công và tư, xuyên biên giới. Đồng thời, tăng cường giáo dục về nguồn nước, trao quyền cho các nhà khoa học trẻ. Thanh niên là những người có nhiều đổi mới sáng tạo và có thể trở thành động lực chính cho các giải pháp. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho các cộng đồng địa phương ở những nơi đang gặp vấn đề về nước, triển khai các giải pháp và tận dụng kiến thức bản địa, biến các tác động tiêu cực thành lợi thế phát triển.

 

Theo GS.TS Trần Thục, việc bảo vệ nguồn nước và chất lượng nước đã được quy định trong Luật BVMT sửa đổi, tiến tới là thực hiện các giải pháp. Về bảo vệ nguồn nước, có thể xây dựng các phương án trữ nước tùy cấp độ hộ gia đình, cộng đồng hay địa phương; đẩy mạnh sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; biến thách thức thành lợi thế, ví dụ những vùng ngập sâu ở Đồng Tháp Mười giờ rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, vùng nước nhiễm phèn có thể tận dụng phát triển du lịch vì nước rất trong, khung cảnh đẹp, ô nhiễm nguồn nước chủ yếu từ công nghiệp. Nhiều vùng ĐSCL cũng đang đầu tư các mô hình nuôi nuôi cá – sen, lúa – sen khá thành công.

 

Về bảo vệ chất lượng nước, các cấp từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương phải quản lý các nguồn xả thải ra nguồn nước từ ngành công nghiệp, thu gom xử lý nước thải sinh hoạt. Thời gian tới, cần chú trọng hơn việc chống ô nhiễm nước ngầm, nhất là từ các nguồn vật dụng mang hóa chất như pin, ắc quy khi thải bỏ...

 

Cùng quan điểm, ông Mai Phan Dũng chia sẻ, việc ứng phó và giảm thiểu các tác động của BĐKH có thể được giải quyết thông qua các giải pháp cải thiện khả năng quản lý nguồn nước. Khi đó, nước không phải vấn đề mà sẽ trở thành một phần của giải pháp ứng phó với BĐKH.

 

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã cùng chia sẻ, thảo luận về thực trạng, khó khăn, thách thức trong quản lý nguồn nước, ứng phó BĐKH tại Việt Nam, từ đó đưa ra những sáng kiến, đề xuất và các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

Ý kiến góp ý: