TextBody
Huy chương 2

Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đến sản xuất đời sống dân cư

09/05/2012

Mỗi ngày hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (BHH) tiếp nhận khoảng 300.000m3 nước thải từ các khu đô thị, các khu công nghiệp dọc Quốc lộ 5, nước thải sản xuất làng nghề, khu dân cư thuộc các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội. Trên 90% khối lượng nước thải nói trên chưa qua xử lý là nguyên nhân gây ô nhiễm chất lượng nước. Kết quả quan trắc từ năm 2005-2010 cho thấy mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng cả về phạm vi và mức độ. ở nhiều vị trí, nước tưới không còn đủ tiêu chuẩn theo QCVN 08-2008. Nội dung bài viết nêu những kết quả điều tra ban đầu về ảnh hưởng của ô nhiễm nước đến sản xuất và đời sống dân sinh tại 15 xã đại diện trong vùng nhằm khuyến cáo cho người sử dụng và đề xuất các nghiên cứu toàn diện hơn về những tác động đến ô nhiễm đất và chất lượng sản phẩm.

1. Mở đầu

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có nhiệm vụ nguồn cung cấp nước tưới cho 135.000ha và tiêu úng cho 185.000 ha đất canh tác thuộc các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và một phần của thành phố Hà Nội; đồng thời còn cung cấp nước sử dụng cho nhiều mục đích khác như cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, sản xuất của các làng nghề... Do phải tiếp nhận nhiều nguồn nước thải chưa qua xử lý, nước tưới của hệ thống thủy lợi BHH đang bị ô nhiễm và ngày càng nghiêm trọng. Kết quả quan trắc từ năm 2005-2010 cho thấy ô nhiễm nước trong hệ thống thủy lợi BHH tăng lên hàng năm cả về phạm vi và mức độ đặc biệt là ô nhiễm chất hữu cơ, nitrit, amoni và vi sinh vật. Ô nhiễm nước đã có thể nhận biết được bằng cảm quan như màu đen, bốc mùi hôi thối. Hàm lượng kim loại nặng trong nước chưa vượt tiêu chuẩn cho phép với nước tưới nhưng so với chất lượng nước đầu vào tại cống Xuân Quan đã tăng lên 2-5 lần. Tích lũy kim loại nặng trong bùn đáy cũng chưa vượt ngưỡng cho phép đối với đất nông nghiệp nhưng đã tăng hơn so với hàm lượng trong nước hàng trăm lần, đặc biệt đối với vùng bị ảnh hưởng của nước thải đô thị và khu công nghiệp tăng hàng chục nghìn lần. Trước tình trạng trên, trong nội dung quan trắc năm 2010, dự án đã chọn 15 xã đại diện để điều tra ảnh hưởng của ô nhiễm nước đến sản xuất và đời sống dân sinh. Nội dung bài viết thông tin đến độc giả các kết quả điều tra ban đầu.

2- Đánh giá ô nhiễm nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Năm 2010 tiếp tục quan trắc chất lượng trong hệ thống thủy lợi BHH tại 38 điểm vào 5 đợt vào các tháng 3, 4, 7, 8, 9. Tình hình ô nhiễm nước được tóm tắt như sau:

a. Về mức độ ô nhiễm

Bảng 1. So sánh giá trị lớn nhất của một số chỉ tiêu ô nhiễm nước trong 02 năm (2009 - 2010)

Tháng quan  trắc

Năm quan trắc

COD

(mg/l)

NH4+

(mgN/l)

NO2-

(mgN/l)

Coliform (MPN/100 ml)

Tháng 3

2010

312

11,98

0,32

4.300.000

2009

176,4

26,88

0,36

9.200.000

Tháng 4

2010

134,4

33,04

0,42

2.100.000

2009

128

26,32

1,04

16.000.000

Tháng 7

2010

52,8

13,22

0,32

16.000.000

2009

76,8

14,84

0,4

580.000

Tháng 8

2010

25,6

12,04

1,64

24.000.000

2009

56

19,82

0,6

240.000

Tháng 9

2010

102,4

18,14

0,6

28.000.000

2009

92

14,56

0,66

240.000

So sánh giá trị cao nhất ở năm 2009 và 2010 của một số chỉ tiêu cho thấy:

- Đối với COD, giá trị cao nhất trong năm 2010 vào tháng 3 và đạt 312 mg/l, cao gấp 1,77 lần so với giá trị cao nhất trong năm 2009  

- Đối với NH4+, giá trị cao nhất vào tháng 4 và đạt 33,04 mg/l cao gấp 1,26 lần so với năm 2009

- Hàm lượng nitơrit cao nhất vào tháng 8 là 1,64 mg N/l, cao gấp 26 lần tiêu chuẩn nước tưới và gấp 1,5 lần so với giá trị cao nhất năm 2009

- Đối với Coliform, giá trị cao nhất vào tháng 9 là 28.000.000 MPN/100ml, cao gấp 5.600 lần so với tiêu chuẩn nước tưới và gấp 1,86 lần so với năm 2009

b. Về phạm vi ô nhiễm

Số điểm vượt QCVN: 08-2008 về COD cao nhất vào tháng 7 là 9 điểm (chiếm 23,7%). Đối với Amoni có 34 điểm (chiếm 89,5%) vượt TCCP vào tháng 7. Số điểm vượt TCCP về Nitơrit cao nhất vào tháng 7 là 28 điểm (chiếm 73,7%). Số điểm vượt TCCP về Coliform cao nhất vào tháng 9 là 23 điểm (chiếm 95,8%).

  Bảng 2. So sánh tỷ lệ % số điểm quan trắc vượt tiêu chuẩn nước tưới năm 2009 và 2010 (%)

TT

Chỉ tiêu

Năm

Tháng 3

Tháng 4

Tháng 7

Tháng 8

Tháng 9

1

COD

2010

15,8

10,5

23,7

0

15,8

2009

23,7

10,53

7,9

10,5

7,9

2

NH4+

2010

26,3

18,4

89,5

50

42,1

2009

81,5

63,16

52,63

50

84,21

3

NO2-

2010

44,7

36,8

73,7

63,1

31,6

2009

60,5

60,5

15,8

68,4

50

4

Coliform

2010

91,7

58,3

91,7

87,5

95,8

2009

66,7

91,67

34,21

71,05

36,84

c. Các vị trí bị ô nhiễm nước ở mức độ nặng

Ô nhiễm đã nhận biết được bằng cảm quan như mùi hụi thối, màu đen, xanh, hầu hết các chỉ tiêu Coliform, amoni, nitơrit, COD đều vươt tiêu chuẩn nước tưới và nước sinh hoạt theo QCVN 08-2008 gồm: trạm bơm Bình Hàn, cống Báo Đáp, cống Hồng Quang, cống Cầu Bây, cống Bình Lâu, trạm bơm An Vũ, Đôn Thư.

3- Kết quả điều tra ảnh hưởng của ô nhiễm nước đến đời sống sản xuất và đời sống dân sinh

a. Địa điểm kiểm tra

Chọn 15 xã bị ảnh hưởng bởi các nguồn gây ô nhiễm nước hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, thuộc các khu vực sau:

- Khu vực ảnh hưởng của nước thải tổng hợp TP. Hưng Yên: xã Bảo Khê (TP. Hưng Yên), xã Hiệp Cường (H. Kim Động)

- Khu vực bị ảnh ảnh của làng nghề Tứ Dân: xã Tứ  Dân, Phùng Hưng và Đại Hưng (H. Khoái Châu)

- Khu vực bị ảnh hưởng của khu công nghiệp Gia Lâm: xã Đa Tốn và Kiêu Kỵ (H. Gia Lâm)

- Khu vực bị ảnh hưởng của nước thải tổng hợp TP. Hải Dương: P. Hải Tân và Ngọc Châu

- Khu vực bị ảnh hưởng của khu công nghiệp Như Quỳnh: xã Lạc Đạo và Tân Quang (H. Văn Lâm)

- Khu vực bị ảnh hưởng của khu công nghiệp phố Nối: xã Dị Sử và Hưng Long (H. Mỹ Hào)

- Khu vực bị ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp: xã Thạch Khôi (TP. Hải Dương), xã Đoàn Thượng (H. Gia Lộc).

Bảng 3. Vị trí các xã điều tra trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

TT

Thuộc hệ thống sông

Vị trí

1

Bảo Khê

Sông điện Biên chảy qua địa bàn xã

Cách trạm bơm An Vũ 4km

2

Hiệp Cường

Sông Điện Biên chảy ngang qua địa bàn xã

Cách trạm bơm An Vũ 5,5km

3

Tứ dân

Cách sông Kim sơn khoảng 20km

0 km

4

Phùng Hưng

Cách cống Xuân Quan 17 km

Cách nguồn thải xã Tứ Dân 15 km

5

Đại hưng

Phía nam so vơi với HTTL Bắc Hưng Hải

Cách nguồn thải xã Tứ Dân 17 km

6

Đa Tốn

Sông cầu Bây chảy qua địa bàn xã (1,5 km)

Cách khu công nghiệp Sài Đồng 3,5 km (cách cống xuân thuỵ 1km)

7

Kiêu Kỵ

Sông cầu Bây chảy qua địa bàn xã (1,5 km)

Cách khu công nghiệp Sài Đồng 6,5 km 

8

Hải Tân

Giáp sông Kim Sơn

Giáp nguồn thải cống Hồng Quang

9

Ngọc Châu

Giáp sông Kim Sơn

Cách cống Hồng Quang 3,5 km

10

Lạc Đạo

Sông Đình Dù chảy qua địa bàn xã

Cách nguồn thải KCN Như Quỳnh 2,5km

11

Tân Quang

Cách sông Sặt 1 km

Cách nguồn thải KCN Như Quỳnh 1,5km

12

Dị Sử

Kênh Bần chảy qua địa bàn xã

Liền kề nguồn thải KCN phố Nối B

13

Hưng Long

Giáp với sông Sặt trong hệ thống BHH

Cách khu công nghiệp phố nối 3km (kênh Trần Thành Ngọ và kênh Hồ Chí Minh)

14

Thạch Khôi

Đầu kênh Thạch Khôi- Đoàn Thượng

KCN Thạch Khôi nằm trên địa bàn xã

15

Đoàn Thượng

Cuối kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng

Cách KCN Thạch Khôi 10km

b. Đánh giá tình hình ô nhiễm nước ở các điểm điều tra

- Trên sông Điện Biên từ vị trí tiếp nhận nước thải thành phố Hưng Yên đến thị trấn Lương Bằng trước khi đổ ra sông Cửu An, nước màu xanh lục, mùi hôi. Thực vật thuỷ sinh cây tóc tiên trên sông trước đây có nhiều, nay biến mất hoàn toàn.

- Trên kênh 10 tiếp nhận nước thải sinh hoạt và làng nghề Tứ Dân, giai đoạn làng nghề hoạt động từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau, nước trên kênh có màu đen, mùi rất hôi thối và thường xuyên có hiện tượng cá chết nổi trên sông.

- Trên sông cầu Bây đoạn cuối sông từ Trâu Quỳ đến cống Xuân Thuỵ nước có màu đen kịt, mùi hôi thối, các loài cá sông tầng mặt hầu như không còn. Nước sông khi xả từ cống Xuân Thuỵ ra sông Kim Sơn nổi bọt trắng và làm chết cá ở cuối hạ lưu.

- Trên kênh tiêu nước thải thành phố Hải Dương qua cống Hồng Quang, nước có màu xanh đen, mùi hôi.

- Nước tiêu khu công nghiệp Như Quỳnh và Tân Quang trên kênh Kiêu Thành ra sông Đình Dù có màu đen kịt, mùi hôi thối. 

- Trên kênh tưới Trần Thành Ngọ và Hồ Chí Minh ảnh hưởng bởi nước thải khu công nghiệp phố Nối B có mùi hôi thối, các ao nuôi thả cá không thể lấy nước trực tiếp.

- Trên kênh tưới Thạch Khôi-Đoàn Thượng màu sắc nước sông thường xuyên có sự đổi, nước nổi nhiều váng bọt và có mùi hôi khó chịu. 

c. Ảnh hưởng của ô nhiễm nước đến đời sống dân sinh

Nguồn nước ô nhiễm đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt cộng đồng dân cư trong vùng. Trước đây người dân sinh sống ven sông có thói quen sử dụng nước sông để tắm giặt trong sinh hoạt nhưng đến nay không thể tắm giặt được nữa. Nhiều người dân sinh sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá trên sông nay phải bỏ nghề do nguồn lợi thuỷ sản tôm, cá trên sông không còn.

Ngoài ra, nguồn nước mặt bị ô nhiễm còn ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm. Kết quả điều tra tại xã Thạch Khôi cho thấy nhiều hộ dân sinh sống ven kênh Thạch Khôi- Đoàn Thượng khi khoan giếng để sử dụng thấy nước có mùi tanh hôi không dùng được đã phải mua nước sạch từ nơi khác để sinh hoạt. Các nơi khác phải khoan giếng ở độ sâu trên 50m mới sử dụng được.

Số liệu điều tra tại các cơ sở Y tế xã phường về các loại bệnh liên quan đến ô nhiễm nước (bảng 2) cho thấy: Mặc dù thu nhập và mức sống của người dân ngày càng được nâng cao nhưng tỷ lệ các loại bệnh liên quan đến ô nhiễm liên tục tăng qua các năm từ 2006-2009.

- Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa cao ở các xã như Tứ Dân, Phùng Hưng, Đại Hưng (Khoái Châu), Đa Tốn, Kiêu Kị (Gia Lâm), Hải Tân, Ngọc Châu (Tp Hải Dương), Tân Quang (Văn Lâm).

- Tỉ lệ mắc bệnh ngoài da đặc biệt cao ở các xã như Tứ Dân, Phùng Hưng, Đại Hưng (Khoái Châu), Tân Quang (Văn Lâm).

- Bệnh ung thư trước đây rất hiếm đến nay gần như ở các địa phương năm nào cũng có trường hợp tử vong do ung thư. Trong đó, tỉ lệ số người mắc bệnh ung thư cao nhất ở các xã Hải Tân, Ngọc Châu, Tứ Dân và Đại Hưng.

- Riêng tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng các xã điều tra có xu hướng giảm do chế độ dinh dưỡng được cải thiện, nhưng vẫn còn ở mức cao.

Bảng 4. Tổng hợp các loại dịch bệnh thống kê qua các năm

TT

Loại dịch bệnh

Tỉ lệ mắc bệnh (%)

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

1

Bệnh tiêu chảy

8,63

9,01

9,60

10,66

2

Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi

17,09

16,19

15,25

14,69

3

Bệnh phụ khoa của phụ nữ

29,71

30,14

30,34

33,15

4

Bệnh ngoài da

18,30

20,05

21,27

19,24

5

Bệnh ưng thư

2,18

2,27

2,88

2,98

d. Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm nước đến sản xuất nông nghiệp

Ảnh hưởng đến năng suất cây trồng

Điều tra ảnh hưởng của ô nhiễm nước đến năng suất cây trồng, cho thấy:

- 2/15 xã có năng suất lúa bị giảm do nguồn nước tưới bị ô nhiễm, trong đó:

+ Xã Đa Tốn có 50 ha đất lúa gần trạm bơm tưới, lúa thường bị lốp đổ, năng suất giảm từ 15-20% so với năng suất bình quân.

+ Xã Hưng Long có 200 ha đất lúa năng suất giảm 35-40% so với năng suất bình quân.

 - Các xã điều tra còn lại năng suất lúa vẫn ổn định từ 55-60 tạ/ha.

Ảnh hưởng đến dịch bệnh cây trồng

Ảnh hưởng ô nhiễm nguồn nước đến dịch bệnh cây trồng chưa thể hiện rõ. Theo nhận xét của địa phương các xã Đa Tốn, Hưng Long, Hiệp Cường cây lúa bị ảnh hưởng nước ô nhiễm phát triển xanh hơn và không cân đối nên dễ bị sâu bệnh hơn. 

e. Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm nước đến nuôi trồng thủy sản

Có 9/15 xã điều tra đã có ảnh hưởng của ô nhiễm nước đến nuôi thủy sản, năng suất, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản có thể giảm từ 10-40% so với bình thường (bảng 5). 

Bảng 5. Ảnh hưởng của ô nhiễm nước đến nuôi trồng thủy sản  

TT

Địa điểm

DT bị ảnh hưởng (ha)

Mức độ thiệt hại (%)

Nguyên nhân

1

Hiệp Cường (Kim Động)

5,7

10

Nguồn nước ÔN

2

Phùng Hưng (Khoái Châu)

24,5

25

Nguồn nước ÔN

3

Đại Hưng (Khoái Châu)

14,4

25

Nguồn nước ÔN

4

Đa Tốn (Gia Lâm)

46,0

40

Nguồn nước ÔN

5

Kiêu Kỵ (Gia Lâm)

3,7

35

Nguồn nước ÔN

6

Tân Quang (Văn Lâm)

8,5

30

Nguồn nước ÔN

7

Dị Sử (Mỹ Hào)

2,7

30

Nguồn nước ÔN

8

Hưng Long (Mỹ Hào)

70

30

Nguồn nước ÔN

9

Đoàn Thượng (Gia Lộc)

5,3

10

Nguồn nước ÔN

 

Tổng cộng/ Trung bình

 

 

 

f. Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm nước đến văn hóa, kinh tế, xã hội

Ở các xã chưa có hiện tượng đất bị bỏ hoang hoá do ô nhiễm nước, dân số phải di cư đi nơi khác. Tuy nhiên, các vấn đề xã hội khác như khiếu nại về tình trạng ô nhiễm nước trong các kì họp hội đồng nhân dân cấp xã và huyện ở các địa phương năm nào cũng có. 

Kết luận

Kết quả nghiên cứu mới chỉ là những thông tin ban đầu chưa phản ánh đầy đủ những ảnh hưởng của ô nhiễm nước đến sản xuất và sức khoẻ cộng đồng nhưng cũng đã là lời cảnh báo cho hậu quả của việc ô nhiễm nước tưới trong hệ thống thuỷ lợi. Ô nhiễm  nước trong các hệ thống thuỷ lợi ở các vùng ven đô nói chung và trong hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải nói riêng đang ngày càng gia tăng và là thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp bởi phạm vi và mức độ ảnh hưởng là rất lớn. Ô nhiễm nước tưới là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm đất, tích luỹ chất độc hại trong sinh vật và ảnh hưởng đến con người thông qua dây chuyền thực phẩm mà hậu quả rất khó khắc phục. Nhưng cho đến nay những ảnh hưởng của ô nhiễm nước tưới đến ô nhiễm đất và sinh vật trong hệ thống thuỷ lợi BHH chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ.

Kết quả giám sát chất lượng nước trong hệ thống thuỷ lợi BHH đã giúp ích rất nhiều cho công tác quản lý của ngành, khuyến cáo cho cơ quan quản lý và các địa phương liên quan trong sử dụng nước tưới. Tuy nhiên, rất cần thiết phải có những nghiên cứu cơ bản, đánh giá một cách toàn diện về tác động của ô nhiễm nước tưới đến ô nhiễm đất, chất lượng sản phẩm và sức khoẻ cộng đồng để có những khuyến cáo cho người sử dụng và biện pháp hạn chế những tác hại

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát chất lượng nước năm 2010, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ Ô NHIỄM NƯỚC TRONG HỆ THỐNG THỦY LỢI BẮC HƯNG HẢI

Rác thải sinh hoạt đổ dọc bờ sông Cửu An

Rác thải và bèo tây chết trước cửa cống An Thổ

Rác thải đổ tại cống Chùa Tổng

Nước thải ra sông Kim Sơn tại cống Xuân Thụy

Bèo tây chết thành vạt trước cửa cống Bá Thủy

Ô nhiễm nước tại trạm bơm Bình Hàn


Tác giả: PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương, ThS. Vũ Quốc Chính
Viện Nước, Tưới tiêu & Môi trường
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Tạp chí KH&CN Thủy lợi

Ý kiến góp ý: