Đánh giá sự biến dạng các yếu tố triều tại vùng biển ven bờ và cửa sông Nam Bộ do nước triều dâng
25/06/2014 Nước biển dâng đang và sẽ tác động tiêu cực lên vùng duyên hải và vùng ven bờ cửa sông Nam Bộ với mức độ ngày càng tăng. Bài viết này cho thấy tác động của nó lên chế độ dao động mực nước gây ra hiệu ứng "kép" tại đây: nâng mực nước trung bình ngày càng cao thêm và làm biến dạng ngày càng mạnh các yếu tố triều (thay đổi biên độ và pha các sóng triều, đặc biệt là các sóng bán nhật triều và các sóng triều nước nông), làm mực nước triều ngày càng đến sớm, mức độ gia tăng mực nước đỉnh triều lớn hơn mức độ gia tăng mực nước chân triều. Các kết quả nghiên cứu này là cơ sở khoa học giải thích các hiện tượng đang xảy ra trong thực tế, cũng như để lập ra mô hình dự tính các cơ sở dữ liệu biên mực nước nhằm giải các bài toán thủy văn, thủy lực khác nhau tại khu vực Nam Bộ, đáp ứng các kịch bản nước biển dâng do Chính phủ ban hành cho tương lai. I. ĐẶT VẤN ĐỀ Nước biên dâng (NBD) nâng mực nước trung bình cao thêm đại lượng ΔD. Đối với vùng nước có độ sâu D lớn (D>>ΔD), ΔD hầu như không ảnh hưởng đến độ sâu dòng chảy và sự lan truyền các loại sóng biển, trong đó có sóng triều. Tuy nhiên, tại vùng nước nông như vùng biển ven bờ và cửa sông (BVB-CS) Nam bộ, ΔD sẽ tác động đáng kể qua các cơ chế: (1) tăng tốc độ truyền sóng triều; (2) thay đổi hướng sóng triều; (3) giảm ảnh hưởng các ngưỡng cản dòng triều ở vùng cửa sông và ven bờ; (4) gây ra ngập lụt cho các vùng trước đây là khô, dẫn đến biến đổi các tần số cộng hưởng và không gian giao thoa của các lưu vực triều trong các vùng đồng bằng, các vịnh nước nông, đầm phá, rừng ngập mặn. Nói cách khác, NBD sẽ làm biến dạng chế độ triều tại vùng BVB-CS Nam bộ, tất yếu dẫn đến sự thay đổi của nhiều quá trình nền tảng khác. Do đó, nghiên cứu biến dạng chế độ triều do NBD là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Các nghiên cứu quốc tế [6, 7, 9, 10] đã đưa ra các bằng chứng thuyết phục về sự biến dạng của chế độ triều do NBD qua phân tích số liệu thực đo và ứng dụng mô hình thủy lực nước nông 2 chiều. Trong các năm gần đây ở Việt Nam, hiện tượng NBD đã được đề cập đến nhiều trong các tài liệu [1, 2, 3, 5, 8], nhưng sự biến dạng của các yếu tố triều do NBD vẫn chưa được chú ý đúng mức. Đối với vùng BVB-CS Nam Bộ, đánh giá định lượng về sự biến dạng triều do NBD là vấn đề chưa được nghiên cứu. Vấn đề đặt ra là: làm thế nào lượng hóa được sự biến dạng của các yếu tố triều do NBD, để có được các cơ sở khoa học đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay là: (1) lý giải được các hiện tượng thực tế đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra về diễn biến dao động mực nước, ngập lụt (kéo theo là bồi lấp, xói lở, xâm nhập mặn, biến dạng hệ sinh thái, giảm chất lượng mội trường...) ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội tại vùng duyên hải Nam Bộ; (2) Lập được mô hình chi tiết hóa các kịch bản NBD do Chính phủ ban hành để lập ra cơ sở dữ liệu (CSDL) biên mực nước tại BVB-CS Nam bộ phục vụ quy hoạch phát triển, ứng phó và thích ứng với BĐKH và NBD. Chi tiết bài báo xem tại đây: Đánh giá sự biến dạng các yếu tố triều tại vùng biển ven bờ và cửa sông Nam Bộ do nước triều dâng Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Nhân Tạp chí KH&CN Thủy lợi
Viện Kỹ thuật Biển - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
Ý kiến góp ý: