Đào tạo, chuyển giao công cụ thiết lập bản đồ nguy cơ ngập lũ khu vực vùng ven biển miền Trung
26/03/2019Ngày 26/3/2018, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra buổi lễ khai mạc khóa đào tạo, chuyển giao công nghệ “Xây dựng, đào tạo, chuyển giao công cụ thiết lập bản đồ nguy cơ ngập lũ khu vực vùng ven biển miền Trung bằng ArcGIS và mô hình thủy văn”.
Khóa đào tạo nằm trong khuôn khổ dự án Quỹ nghiên cứu và tư vấn Việt Bỉ “Xây dựng, đào tạo, chuyển giao công cụ thiết lập bản đồ ngập lũ khu vực ven biển miền Trung” được tài trợ kinh phí của Đại sứ quán Vương Quốc Bỉ thông qua Quỹ nghiên cứu và tư vấn Việt Bỉ.
Tham dự Hội thảo có Ông Cao Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối Ngoại - Bộ Kế hoạch và Đầu Tư - Giám đốc Quỹ Nghiên cứu và Tư vấn Việt Bỉ; GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Giám đốc Ban Quản lý Dự án; đại diện lãnh đạo Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế; các học viên đến từ Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây Nguyên, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông Biển, Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Trung tâm PIM.
Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho biết, thiên tai do lũ, lụt khu vực Nam Trung Bộ có xu hướng gia tăng trong hơn 10 năm trở lại đây và gây thiệt hại lớn. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, mưa lớn trên diện rộng xuất hiện thường xuyên hơn, điển hình là đợt mưa lũ lớn vùng hạ du các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Ngãi trong tháng 12/2018 vừa xảy ra, lượng mưa lớn với cường độ mạnh tập trung ở các thành phố ven biển, thậm chí có nơi xuất hiện mưa kỷ lục . Điều đó thấy rằng cần có những giải pháp công nghệ mới, có khả năng thiết lập bản đồ ngập lụt do mưa lớn diện rộng, kết hợp với vận hành hồ chứa thượng nguồn, thủy triều cho các thành phố ven biển Việt Nam nhằm chủ động, sẵn sàng ứng phó với lũ, ngập lụt trong điều kiện hiện nay.
Dự án nghiên cứu “Xây dựng, đào tạo, chuyển giao công cụ thiết lập bản đồ nguy cơ ngập lũ khu vực vùng ven biển miền Trung bằng ArcGIS và mô hình thủy văn” là một trong những đề xuất tốt nhất được Quỹ SCF lựa chọn, với mục tiêu: Xây dựng, đào tạo chuyển giao bộ công cụ cảnh báo lũ lụt và nguy cơ lũ trực tuyến trên nền hệ thống thông tin địa lý GIS để cung cấp kịp thời thông tin đỉnh lũ, vùng ngập lụt và nguy cơ lũ tại bất kỳ vị trí, địa phương nào với thời gian dự kiến từ 1h đến 24 giờ (áp dụng tính toán cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam). Nhằm nâng cao khả năng ứng phó với lũ lụt cho các tỉnh khu vực ven biển miền Trung Việt Nam.
Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 11/2018, đến nay đã cơ bản hoàn thành theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra. Sự thành công của dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyên môn trong xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt do mưa lớn diện rộng cho các cán bộ của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đồng thời hỗ trợ công tác chỉ huy, điều hành phòng chống lũ, ngập lũ đối cho các cơ quan ở Trung ương và địa phương.
Thay mặt cho Ban Quản lý Dự án, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Ban Quản lý dự án tuyên bố khai mạc khóa đào tạo, chuyên giao công nghệ “Xây dựng, đào tạo, chuyển giao công cụ thiết lập bản đồ nguy cơ ngập lũ khu vực vùng ven biển miền Trung bằng ArcGIS và mô hình thủy văn”.
Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ông Cao Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối Ngoại - Bộ Kế hoạch và Đầu Tư - Giám đốc Quỹ Nghiên cứu và Tư vấn Việt Bỉ đã phát biểu khai mạc và cảm ơn Viện đã mời tham dự khóa đào tạo này do Quỹ SCF tài trợ.
Ông khẳng định Dự án “Xây dựng, đào tạo, chuyển giao công cụ thiết lập bản đồ nguy cơ ngập lũ khu vực vùng ven biển miền Trung bằng ArcGIS và mô hình thủy văn” là một trong 8 đề xuất tốt nhất trong tổng số 40 đề xuất được Quỹ SCF lựa chọn.
Ông cho rằng, kết quả nghiên cứu này sẽ hỗ trợ đắc lực và có hiệu quả đối với công tác điều hành phòng chống thiên tai do lũ, ngập lũ đối với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và các địa phương ven biển miền Trung, đặc biệt là ở Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là nơi được áp dụng thí điểm.
“Thông qua đào tạo, chuyển giao công nghệ, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam sẽ nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng bản đồ ngập lụt và áp dụng, nhân rộng ra các khu vực khác trên toàn quốc nhằm góp phần ứng phó hiệu quả hơn với mưa lớn diện rộng, lũ lụt của các địa phương, với mục đích giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản khi lũ lụt xảy ra”, Ông nói và chúc khóa đào tạo, chuyển giao công nghệ thành công.
Ý kiến góp ý: