TextBody
Huy chương 2

Đập thời vụ di động - Một giải pháp nâng cấp hệ thống thủy nông nội đồng phục vụ phát triển nông thôn mới ở Kiên Giang

29/09/2014

Hiện nay, việc xây dựng các đập tạm bằng đất (thường gọi là đập thời vụ) cho các vùng sản xuất ven biển tỉnh Kiên Giang còn nhiều hạn chế và bất cập. Quá trình đắp và phá đập thường xuyên hàng năm gây lãng phí tiền bạc và công sức của nhân dân, hơn thế nữa sau một thời gian ngắn làm việc phải phá bỏ đập gây bồi lắng kênh mương và nhiều khu vực xây dựng đập thời vụ không còn đất để đắp đập. Bài báo này đề xuất một giải pháp kết cấu đập thời vụ di động bằng thép thay thế đập thời vụ bằng đất nhằm góp phần nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy nông nội đồng phục vụ phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản kết hợp xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Kiên Giang là tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hệ sinh thái đặc thù, đây là vùng rất thuận lợi cho phát triển thủy sản về mùa khô và trồng lúa vào mùa mưa. Tuy nhiên, với bờ biển dài hơn 200 km, nằm cuối nguồn ngọt nên thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều. Do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng hiện tượng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng sẽ ngày càng diễn biến bất lợi hơn. Hàng năm, vào vụ trồng lúa, một số vùng ven biển thường bị nước mặn xâm nhập sớm, người dân phải đắp đập tạm bằng đất để ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào khu vực trồng lúa. Đến vụ nuôi tôm, người dân lại phải phá đập để dẫn nước mặn vào ruộng phục vụ nuôi tôm. Với vùng sản xuất ven biển rộng hàng chục ngàn ha, số lượng đập thời vụ hàng năm khá nhiều, việc đắp và phá đập gây tốn kém rất lớn tiền bạc, công sức của nhà nước và người dân, đồng thời còn gây sạt lở, bồi lắng hệ thống kênh rạch do bị đào đắp liên tục hàng năm, nhiều nơi không còn đất để đắp đập, và cũng có nhiều đoạn kênh bị bồi lắng sau khi phá đập cho vụ nuôi tôm tiếp theo, điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống người dân trong vùng.

Thời gian qua, một số công trình ngăn sông bằng công nghệ mới như đập trụ đỡ, cống đập xà lan (Trương Đình Dụ và cs, 2004), cống cải tiến bằng cừ bê tông cốt thép dự ứng lực (Phan Thanh Hùng và cs, 2006)... đã và đang phát huy tác dụng rất hiệu quả trong việc ngăn/kiểm soát mặn phục vụ sản xuất ở ĐBSCL. Tuy nhiên, các giải pháp công nghệ mới này ứng dụng phù hợp cho những công trình có có quy mô vừa và lớn, phạm vi phục vụ mang tính chất liên vùng, được xây dựng trên các sông kênh có khẩu độ lớn, thường làm nhiệm vụ công trình đầu mối

Hiện nay tỉnh Kiên Giang đang trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng “nông thôn mới”, trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và UBND tỉnh ra quyết định ban hành, thủy lợi được coi là tiêu chí quan trọng hàng đầu,

Bộ tiêu chí áp dụng cho Kiên Giang cũng quy định “tỷ lệ cống, đập, trạm bơm được kiên cố hóa phải đạt 50% đến năm 2015”. Chính vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng kết cấu “đập thời vụ di động” thay thế đập thời vụ bằng đất là một trong số các giải pháp nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy nông nội đồng phục vụ phát triển nông thôn mới ở Kiên Giang nói riêng, một số tỉnh khu vực ven biển ĐBSCL.


Chi tiết bài báo xem tại đây: Đập thời vụ di động - Một giải pháp nâng cấp hệ thống thủy nông nội đồng phục vụ phát triển nông thôn mới ở Kiên Giang

Tác giả: ThS. Nguyễn Đình Vượng, ThS. Trần Minh Tuấn
ThS. Nguyễn Văn Lân, KS. Nguyễn Lê Huấn

Tạp chí KH&CN Thủy lợi

Ý kiến góp ý: