TextBody
Huy chương 2

ĐH thi đua yêu nước ngành NN-PTNT lần thứ 3: Nhìn lại và bước tiếp

24/08/2010

Đây là Đại hội của sự đoàn kết, trí tuệ và đổi mới. Sự đổi mới của Đại hội thể hiện ngay từ hình thức đến nội dung. Thay bằng đọc báo cáo và đọc tham luận trên diễn đàn Hội trường, Đại hội lần này thông qua phim tài liệu, phim phóng sự truyền hình để minh họa bằng hình ảnh phong trào thi đua yêu nước, sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và clip giới thiệu về các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến giao lưu tại Đại hội

5 năm qua, ngành NN- PTNT đã phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách, tuy nhiên, ngành luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước. BCHTƯ Đảng đã có Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn khẳng định tầm quan trọng chiến lược và các giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mới và đã chỉ đạo sâu sát quyết liệt các Bộ, ngành, phối hợp chặt chẽ cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở, cùng với bà con nông dân và các DN nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế của mỗi địa phương, đơn vị thúc đẩy ngành nông nghiệp nước ta liên tục phát triển, nông thôn nước ta tiếp tục thay đổi một cách toàn diện, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của đa số nông dân tiếp tục được cải thiện, đói nghèo giảm nhanh.

5 năm qua, công tác thi đua khen thưởng của Bộ cũng đã có bước phát triển mới. Nhiều phong trào thi đua đã được phát động ở hầu hết các lĩnh vực công tác trong ngành. Trước hết đó là phong trào thi đua “Thực hiện cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thực sự sôi nổi, hấp dẫn, là đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng bổ ích thu hút đông đảo cán bộ đảng viên trong trong toàn ngành tham gia và đã được các cơ sở gắn với phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở. Các phong trào thi đua thường xuyên "Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sử dụng đất, xây dựng Cánh đồng đạt 50 triệu đồng/ha/năm".

Thi đua thực hiện biện pháp thâm canh tổng hợp "3 giảm, 3 tăng"; thi đua "Áp dụng quy trình thực hành SXNN tốt VietGap trong rau, quả, chè", "Áp dụng mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc xuất xứ thực hành nuôi tốt (GAP trong thủy sản)"; thi đua "Vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao bảo đảm ATVSTP"; thi đua "Vì sự nghiệp CNH, HĐH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn"; thi đua "Thực hiện Chương trình hoá công tác, qui chế hoá công vụ, hiện đại hoá thông tin, dân chủ hoá cơ quan"; thi đua "Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ di dân tái định cư Dự án thủy điện Sơn La" và "Hoàn thành xây dựng công trình Thủy lợi thủy điện Cửa Đạt"…đã được CBCNV các đơn vị trong toàn ngành và nhân dân cả nước hưởng ứng.

Hưởng ứng phong trào thi đua do Bộ phát động, nhiều địa phương đã tổ chức các phong trào thi đua, tạo nên khí thế mới trong lao động, sản xuất.

Kết quả thực tiễn các phong trào thi đua đã góp phần làm cho giá trị SX trồng trọt tăng cao từ 14,3 triệu đồng/ha/2005 lên 27,5 triệu đồng/ha/2009, tăng gấp 2 lần. Sản lượng lúa tăng mạnh, năm 2009 đạt trên 39 triệu tấn lúa, tăng hơn 3 triệu tấn so với năm 2005, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng X trên 400.000 tấn. Trong 5 năm 2006 - 2010 đã XK gần 25 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, ANLT quốc gia được đảm bảo. Giá trị tăng của ngành bình quân đạt khoảng 3,4%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch của Chính phủ đề ra 3 - 3,2%. Phong trào "3 giảm, 3 tăng" đã được thực hiện trên 35% diện tích lúa tại ĐBSCL, tương đương 1,2 triệu ha, làm tăng thêm thu nhập 1,1 triệu đồng/ha, toàn vùng mỗi năm làm lợi thêm 1.300 tỷ đồng. Đã xuất hiện hàng trăm ngàn hộ nông dân SXKD giỏi, nhiều hộ nông dân SX lúa sáng tạo được khen thưởng, tôn vinh.

Các chỉ tiêu về sản lượng khai thác nuôi trồng thủy sản đều vượt kế hoạch đề ra cho năm 2010. Kim ngạch XK thủy sản năm 2009 đạt hơn 4 tỷ USD, năm 2010 dự kiến là 5 tỷ USD, 5 năm đạt khoảng 20,63 tỷ USD. Cá tra đã đạt năng suất kỷ lục, có nơi tới 500 tấn/ha. Năm 2008 chỉ với 6.000ha nuôi cá tra đã XK hơn 1,2 triệu tấn, đạt trên 1,45 tỷ USD. Lâm nghiệp đã thực hiện tốt Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, đặc biệt là trồng rừng SX, khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Độ che phủ rừng tăng từ 38% năm 2006 lên 39,8% năm 2009. Sản lượng khai thác gỗ từ 2,7 triệu m3 năm 2005 lên 4,3 triệu m3 năm 2008 tăng 59%, trong đó khai thác gỗ rừng trồng đạt 93%. Lâm nghiệp đã thực sự chuyển từ chủ yếu dựa vào quốc doanh sang phát triển lâm nghiệp xã hội với nhiều thành phần kinh tế tham gia.

Diêm nghiệp đã được qui hoạch các vùng tập trung và có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển muối. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng. Năm 2009 diện tích SX muối cả nước đạt 14.500ha, tăng 2000 ha so với 2005, sản lượng muối đạt 900.000 tấn, tăng 51% so với năm 2006. Thuỷ lợi được đầu tư phục vụ đa mục tiêu. Trong 5 năm đã xây dựng hoàn thành 138 dự án thủy lợi, phát huy năng lực tưới thêm 80.000 ha, tiêu 38.000ha, tạo nguồn 19.000ha, ngăn mặn 15.000ha. Đến cuối năm 2009 đã có 73% dân số nông thôn được tiếp cận với nguồn nước sạch và 54% hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, các hầm biogas để xử lý môi trường và tăng hiệu quả chăn nuôi.

Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn tiếp tục đổi mới, phát triển đa dang, hiệu quả. Năm 2009 thu nhập bình quân mỗi hộ nông dân đạt 26 triệu đồng, tăng 11 triệu đồng so với năm 2003, tích luỹ bình quân tăng từ 3,5 triệu đồng năm 2005 lên 6,7 triệu đồng năm 2009. Cả nước hiện có 3000 làng nghề với 1,4 triệu hộ, thu hút trên 11 triệu lao động, có 120.000 trang trại, qui mô ngày càng mở rộng, góp phần tích cực vào chuyển đổi có cấu SX, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đã được Bộ quan tâm chỉ đạo thực hiện. Năm năm qua đã đào tạo được 15.124 SV đại học, 8.002 SV cao đẳng, 46.473 học sinh THCN, 343 nghiên cứu sinh, 2.389 học viên cao học, 1.023 học viên học sau đại học tại nước ngoài. Dạy nghề cho 60.115 người, dạy nghề ngắn hạn cho 113.116 người, huấn luyện nghề cho 45.000 cán bộ làm công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư ở các địa phương.

Phong trào thi đua thực hiện: "Chương trình hoá công tác, qui chế hoá công vụ, hiện đạo hoá thông tin, dân chủ hoá cơ quan" trong các cơ quan quản lý nhà nước đã trở thành hoạt động có nề nếp. Bộ đã đổi mới hình thức giao ban tập trung bằng trực tuyến qua cầu truyền hình, cung cấp thông tin trên trang điện tử, bảo đảm thông suốt, kịp thời, giảm bớt giấy tờ, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đến làm việc với Bộ; triển khai đề án một cửa đến các Cục, ứng dụng văn phòng điện tử trong công tác quản lý điều hành; công bố công khai bộ thủ tục hành chính; xây dựng trang Website về thị trường nông sản, bản tin thị trường, chợ thương mại điện tử.

Hợp tác quốc tế và các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều chương trình hợp tác đã phương, song phương đã được thực hiện. Nhiều chương trình hỗ trợ chuyên gia nông nghiệp, thuỷ lợi cho các nước Châu Phi. Trong 4 năm đã tiếp nhận và phê duyệt 16 dự án của ODA với tổng nguồn tài trợ quốc tế gần 1,42 tỷ USD trong đó tài trợ không hoàn lại 45%...

Với những thành tích xuất sắc, 5 năm qua, Bộ NN- PTNT đã được được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 12 tập thể, 4 cá nhân, tặng thưởng 528 Huân chương các loại, các hạng. Thủ tướng Chính phủ phong tặng 49 Chiến sỹ thi đua toàn quốc, tặng thưởng 95 Cờ thi đua và 775 Bằng khen. Bộ trưởng tặng thưởng 308 Cờ thi đua, 1.574 Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, 15.000 Bằng khen và 35.000 Kỷ niệm chương, trong đó có hàng trăm chuyên gia và nước ngoài; Hiệp y khen thưởng 320 tập thể, cá nhân thuộc các địa phương, tập đoàn kinh tế và các tổng công ty 91.

Mục tiêu đến năm 2015, toàn ngành phấn đấu:

- Duy trì tốc độ tăng GDP bình quân từ 3,5 đến 3,8%;

- Tốc độ tăng trưởng giá trị SX toàn ngành bình quân 4,0 - 4,5%;

- Đảm bảo vững chắc ANLT Quốc gia;

- Kim ngạch XK 21 tỷ USD (tăng bình quân 6,5-7%/năm);

- Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42%;

- Tổng sản lượng cây có hạt đạt 46,3 triệu tấn, trong đó lúa là 40 triệu tấn, XK trên 6 triệu tấn gạo.

- Tổng sản lượng thuỷ sản đạt 6 triệu tấn;

- Tỷ lệ diện tích canh tác cây hàng năm được tưới ổn định 71,5%, tiêu ổn định 83,1%.

Nguyễn Công Tư

Nguồn: Báo Nông nghiệp VN

Ý kiến góp ý: