TextBody
Huy chương 2

Diễn tập thực binh ứng phó thảm họa khẩn cấp

25/10/2013

Sáng 23/10, tại xã Thụy An, huyện Ba Vì (Hà Nội), các lực lượng tìm kiếm cứu nạn các nước ASEAN đã phối hợp diễn tập thực binh ứng phó thảm họa khẩn cấp khu vực ASEAN. Cuộc diễn tập này nằm trong chương trình của Tuần diễn tập ứng phó thảm họa khẩn cấp khu vực ASEAN (ARDEX) năm 2013 (diễn ra từ ngày 21-24/10). Tham dự cuộc diễn tập có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh...

Năm nay, Việt Nam là nước chủ trì diễn tập ARDEX, nhằm thực hành, đánh giá và xem xét lại các cơ chế theo Sổ tay bố trí dự phòng và thủ tục tác nghiệp chuẩn (SASOP) đảm bảo ứng phó khi xảy ra thiên tai lớn trong khu vực.

Diễn tập ARDEX được căn cứ theo Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER), trong đó có nhiệm vụ tăng cường ứng phó thảm họa khẩn cấp và điều phối hỗ trợ nhân đạo. Tuần diễn tập ARDEX năm nay tại Việt Nam sẽ là lần đầu tiên kiểm tra năng lực điều hành của Trung tâm Điều phối Hỗ trợ nhân đạo ASEAN (Trung tâm AHA) kể từ khi thành lập vào tháng 11-2011. 
 

Diễn tập ARDEX-13 được trình diễn với kịch bản Siêu bão “Neptune” đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng Bắc bộ Việt Nam gây ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng đến hệ thống đê điều, làm hàng nghìn người chết và mất tích, hàng vạn người bị ảnh hưởng do nhà cửa bị sập đổ, lũ lụt chia cắt đang cần được hỗ trợ khẩn cấp. 

Ở cấp độ chiến lược, ARDEX-13 sẽ tập trung vào việc thực hành, đánh giá, rà soát các cơ chế SASOP để chia sẻ và trao đổi thông tin về thiên tai; yêu cầu đề xuất hỗ trợ; thực hiện đánh giá nhanh tình trạng khẩn cấp và tiếp nhận sự trợ giúp.

Ở cấp độ chiến thuật, ARDEX-13 sẽ tập trung vào cứu hộ thiên tai và thực hiện cứu trợ do nước chủ nhà Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN tham gia. Thông qua diễn tập, các bài học về tổ chức, chỉ đạo, điều phối sẽ được biên soạn để cải tiến SASOP và ứng phó thực sự với thiên tai.

Cuộc diễn tập thực binh hôm nay, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn các nước ASEAN phối hợp diễn tập theo các kịch bản cụ thể và hỗ trợ y tế tại hiện trường và được tổ chức theo các kịch bản: (1) sơ tán, cứu trợ nhân dân vùng ngập lụt; (2) tìm kiếm cứu nạn trong công trình bị sập đổ; (3) tìm kiếm cứu nạn trong sự cố hóa chất; (4) bệnh viện dã chiến.
 
Các kịch bản 2, 3, và 4 đã được các quốc gia Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan có kế hoạch huy động các lực lượng tìm kiếm cứu nạn với đầy đủ trang thiết bị và hậu cần. Ngoài ra, các quan sát viên từ các quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Mỹ, các tổ chức Liên hiệp quốc, các tổ chức xã hội và các cơ quan, tổ chức quốc tế khác cũng sẽ tham dự ARDEX-13.

Cũng giống như các diễn tập ARDEX 2005 tại Malaysia, 2006 tại Campuchia, 2007 tại Singapore, 2008 tại Thái Lan, diễn tập ARDEX-13 mang lại lợi ích trực tiếp cho các quốc gia thành viên ASEAN thông qua cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo trong ứng phó thảm họa khẩn cấp.

Để chuẩn bị cho diễn tập ARDEX-13, ngoài sự hỗ trợ trực tiếp từ Trung tâm AHA, Chính phủ nước chủ nhà Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo diễn tập với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan và Thành phố Hà Nội. Trong đó, Bộ NN&PTNT được giao thường trực Ban chỉ đạo, chịu trách nhiệm công tác hậu cần và diễn tập cơ chế; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (Bộ Quốc Phòng) chịu trách nhiệm diễn tập thực binh. Việt Nam với cương vị là chủ tịch Ủy ban Quản lý thảm họa ASEAN (ACDM) năm 2013 đã tổ chức thành công ACDM 22, COP 2 vào tháng 5; dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức ACDM 23 và Hội nghị đối tác vào tháng 11 tới.

Các hoạt động trong tuần diễn tập ARDEX-13, bao gồm: Diễn tập cơ chế: (1) diễn tập truyền thông sẽ được tổ chức vào ngày 17/10 nhằm thông tin cho Trung tâm AHA và các quốc gia thành viên ASEAN và yêu cầu hỗ trợ; (2) diễn tập nhập cảnh (CIQ) sẽ được tiến hành vào ngày 20/10 để kiểm tra các thủ tục nhập cảnh cho người, các phương tiện tham gia cứu hộ, cứu trợ nhân; (3) Các hội thảo chuyên đề tổ chức vào ngày 21 và 22/10 nhằm thảo luận về hệ thống quản lý thiên tai của Việt Nam, cơ chế hoạt động của Trung tâm AHA, chương trình công tác thực hiện Hiệp định AADMER và đào tạo Đội đánh giá nhanh tình trạng khẩn cấp (ERAT); (4) Diễn tập Đánh giá nhanh ERAT (20/10 và 23/10); (5) Đánh giá kết quả diễn tập (24/10).

Ý kiến góp ý: