TextBody
Huy chương 2

Một số định hướng nghiên cứu về nước và môi trường

06/06/2013

Biến đổi khí hậu, sự suy thoái tài nguyên nước, an ninh lương thực bị sức ép bởi gia tăng dân số; Nông nghiệp Việt nam cũng như trên thế giới đòi hỏi phải có sự đột phá để đáp ứng lương thực cho nhu cầu của người dân;Môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm, ở Việt Nam môi trường nông thôn vẫn là vấn đề nan giải. Nông thôn Việt nam  đang đứng trước cơ hội “xây dựng nông thôn mới” để bắt đầu một sự đổi mới toàn diện. Thực trạng đó là nhiệm vụ, cơ hội và thách thức đối với các cơ quan nghiên cứu khoa học; Nó đòi hỏi một sự đổi mới kịp thời phương thức nghiên cứu, xác định hướng nghiên cứu của các nhà khoa học liên quan đến các lĩnh vực trên.

I. THỰC TẾ ĐANG ĐẶT RA CHO CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG LĨNH VỰC NƯỚC VÀ MÔI TRƯỜNG

1.1. Nguồn nước ngày càng khan hiếm cả về nguồn lẫn về chất, cạnh tranh giữa các vùng lãnh thổ, các ngành trong sử dụng tài nguyên nước đang diễn ra trên toàn cầu và Việt Nam

Suy thoái nguồn nước diễn ra khá trầm trọng trên toàn cầu, các nhà khoa học nhấn mạnh đến nguy cơ châu Á phải đối  mặt với nạn thiếu nước trong tương lai kèm theo đó là những thay đổi lớn về môi trường môi sinh thái. Tác động của biến đổi khí hậu đối  với tài nguyên nước là nguy cơ hiện hữu. Báo cáo mới đây của nhóm Lãnh Đạo Xã hội châu Á (Asia Society Leadership Group) cảnh báo tình trạng thiếu nguồn nước đang có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với an ninh khu vực. Theo tính toán của các nhà khoa học thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung quốc cho biết, đến năm 2050, dự báo có tới 64 % sông băng của Trung quốc biến mất. Nếu xu hướng trên vẫn tiếp tục thì đến năm 2030 thậm chí sẽ có tới 70 % sông băng của châu Á biến mất. Đồng thờ biến đổi khí hậu gây ra hạn hán, đẩy nhanh tốc độ sa mạc hóa ở những vùng đất vốn đã khô cằn khan hiếm nước. Báo cáo mới đây của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, mật độ mưa dưới mức bình thường trong vòng 5 tháng trong năm 2008 tại Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng tới nông dân trồng lúa mì.

Nguồn nước sẵn có trên một đầu người của châu Á xếp vào hàng ít nhất trên thế giới với 4.200 m3/người/năm so với trung bình của thế giới là 7.400 m3/người/năm. Tốc độ tăng dân số cao và đô thị hóa nhanh đồng nghĩa với tình trạng khan hiếm nước sạch trong khu vực càng trở nên căng thẳng. Vào năm 2025, nguồn nước sẵn có trên một đầu người trong khu vực châu Á sẽ ít hơn khoảng 15-35% so với năm 1950 (ADB, 2001). Tại vùng Nam Á, nơi có tỷ lệ nguồn nước trên đầu người thấp nhất, đã giảm tới 70% so với năm 1950, vùng Bắc Á giảm 60% và vùng Đông Nam Á giảm 55% kể từ năm 1950.

Việt Nam không còn được coi là đất nước có nguồn nước phong phú mà là nước “nghèo” về tài nguyên nước, khi 70% nguồn nước phụ thuộc vào bên ngoài, ở thượng nguồn. Theo thống kê sơ bộ nếu tính cả lượng nước từ các lãnh thổ nước ngoài chảy vào, lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam trung bình đạt khoảng 9.840m3/người/năm ( con số này sẽ không còn ý nghĩa trong giai đoạn tới – tác giả ). Nếu chỉ tính lượng nước nội sinh trên  lãnh thổ Việt Nam thì chỉ đạt 4.400m3/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 7.400m3/người/năm

Hằng năm, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 50.000 ha lúa hè thu và tác động trực tiếp đến hệ thống canh tác lúa tôm khoảng 250.000 ha ở các tỉnh ven biển; khô hạn cũng tác động đến 300.000 ha lúa hè thu (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An), đồng thời gây khô hạn cục bộ cho 500.000 ha vào cuối tháng 4 đến giữa tháng 5 hằng năm. Hạn hán, lũ lụt cũng thường xẩy ra với các miền Trung .Những tác động của biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thủy lợi, cấp thoát nước ở thành thị và nông thôn. Biểu hiện khá rõ là những năm gần đây vào những tháng mùa mưa dòng chảy của sông Mekong tăng 41% ở đầu nguồn, nhưng đến mùa khô giảm tới 24% và trên 70% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn với nồng độ lớn hơn 4g/lít. Còn dòng chảy mùa kiệt của sông Hồng giảm 19%, mực nước lũ có thể đạt cao trình +13,24 xấp xỉ cao trình đỉnh đê hiện nay là +13,40. Có nghĩa là khả năng lũ trong mùa mưa và cạn kiệt trong mùa khô đều trở nên khắc nghiệt hơn.

Theo Viện nghiên cứu tưới tiêu Nhật bản (The Japanese Institute of Irrigation and Drainage- JIID) dự báo tổng lượng nước phục vụ cho nông nghiệp năm 2025 sẽ tăng 2,81 lần so với năm 1950 và đạt con số là 3162 tỷ m3. Tương tự nước cho công nghiệp là 6,07 lần, 1.106 tỷ m3 và nước sinh hoạt là 12,16 lần, 645 tỷ m3 (bảng 1) 

Bảng 1: Sử dụng nước một số ngành chính và dự báo đến 2025

Ngành dùng nước

1950

1995

2025

Tăng so với 1950

Nông nghiệp

1.124

2.504

3.162

2,81

Công nghiệp

182

714

1.106

6,07

Sinh hoạt

53

354

645

12,16

 

Tổng hợp từ The Japanese Institute of Irrigation and Drainage: JIID)- 2003

Nền nông nghiệp được tưới  đóng vai trò quan trọng  cung cấp lương thực của thế giới. Trong 1997-1999, đất được tưới  chỉ chiếm một phần năm tổng diện tích canh tác nhưng sản xuất gần  ba phần năm sản lượng ngũ cốc.Vai trò của tưới được dự kiến ​​sẽ tăng hơn nữa. Các nước  đang phát triển muốn mở rộng diện tích tưới từ 202 triệu ha năm 1997-1999 lên 242 triệu ha vào năm 2030. Hầu hết các vùng mở rộng này là khu vực đất đai khó khăn đòi hỏi cần được tưới.Theo thống kê của FAO, diện tích đất được tưới của Việt nam năm 1992 khoảng 2,9 triệu ha thì đến năm 2002 đã tăng lên khoảng 3,0 triệu ha, và trong tương lai cần giải quyết tưới cho 3,8 triệu ha đất nông nghiệp.

1.2. Quản lý yếu kém trong lĩnh vực tài nguyên nước, cấp nước cũng như sử dụng nước

 Một nghiên cứu của UN ( UN water, 2008 – Status report on Intergrated Water resources  Management and Water efficiency Plans) [9].  về Tài nguyên nước năm 2008 cho thấy kết quả không mấy khả quan.  10 trong số  27 quốc gia thuộc các nước phát triển được khảo sát có thực hiện nhưng không hoàn chỉnh IWRM;  6 quốc gia (22%) thực hiện đầy đủ. Khảo sát các nước đang phát triển cho thấy,17 nước chiếm 22%  trong số 77 quốc gia được khảo sát có thực hiện một phần IWRM , 2 nước (3%)  thực hiện đầy đủ; về sử dụng nước hiệu quả thì tình  trạng rất kém,chỉ có  10 (13%) có kế hoạch và thực hiện một phần, 1quốc gia  thực hiện đầy đủ, 60% không có  kế hoạch thực hiện hoặc không trả lời câu hỏi điều tra.

Ở Việt Nam, quản lý tài nguyên nước vẫn bị chồng chéo, khai thác thủy năng đến mức kiệt quệ ở tất cả các dòng sông, nguồn nước tiếp tục bị suy thoái. Nhận thức về vai trò của tài nguyên nước, những  nguyên tắc, phương pháp công cụ quản lý tổng hợp tài nguyên nước áp dụng chưa mang lại hiệu quả khi nhìn vào thực trạng các lưu vực sông, môi trường của các dòng sông và trong hoạt động điều hành.

Nghiên cứu của FAO chỉ ra chúng ta đang đứng trước thực trạng đầu tư cho thủy lợi còn nghèo nàn; Cải cách thể chế ở một số quốc gia còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu của quản lý; Sự bất công bằng giữa các mô hình đầu tư; và  thiếu quan tâm đến các khoản đầu tư nhằm nâng cao năng suất sử dụng nước trong nông nghiệp. FAO nhấn mạnh cần đầu tư hơn nữa vào công tác quản lý lý sử dụng nước, nâng cao hiệu quả của tưới.

Ở Việt Nam không thể không thừa nhận sự phát triển của thủy lợi, vai trò của thủy lợi đối với sản xuất nông nghiệp trong sự nghiệp phát triển đất nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ Hai thế giới, đạt trên 7 triệu tấn năm 2011. Đồng bằng Sông Cửu long trở thành vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn nhất nước là nhờ có thủy lợi đưa nước, mở rộng diện tích canh tác và góp phần rộng diện tích lúa hai vụ và nay là ba vụ. Miễn thủy lợi phí được coi như là biện pháp hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp, nhờ đó hệ thống thủy lợi được nâng cấp và duy tu bảo dưỡng kịp thời. Tuy vậy hiệu quả cấp nước của hệ thống tưới và hiệu quả sử dụng nước mặt ruộng còn chưa được quan tâm đúng mức. Trong quản lý tưới, chúng ta chưa có được số liệu về giá của một mét khối nước khi đưa đến mặt ruộng và thế nào là giá hợp lý cho mỗi loại nhóm công trình, chưa có thông tin về một mét khối nước làm ra được bao nhiêu kilogam sản phẩm

1.3. Yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực, nền nông nghiệp chuyển mạnh từ nông nghiệp quảng canh chuyển qua nông nghiệp thâm canh và nông nghiệp áp dụng công nghệ cao

Theo chuyên gia nông học Đức – Sandria Postele thì hơn 4 thập niên qua việc tăng cường hiệu xuất tưới nước là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên nguồn  nông phẩm dồi dào trên thế giới. Chi riêng châu Phi và Trung đông, trong những năm gần đây đã sử dụng lượng nước ngọt để tưới đã vượt gấp 20 lần tổng lượng nước của sông Nile. Giờ đây để bảo đảm an ninh lương thực chúng ta không thể tiếp tục sử dụng nước theo như cách trước đây để sản xuất nông nghiệp, tăng sản lượng cây trồng được tưới nữa.

Việt Nam hoàn toàn chủ động được tình hình an ninh lương thực. Nhưng theo Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thì Việt Nam cần có tầm nhìn về vấn đề an ninh lương thực trước áp lực tăng dân số và diện tích đất lúa bị thu hẹp và biến đổi khí hậu. Việt Nam cần phải cố gắng giữ được 3,2 triệu hécta diện tích lúa nước. Ngoài ra tăng cường khoa học kỹ thuật vào sản xuất để  tăng năng suất, đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần cho xuất khẩu. Điều này có nghĩa là thủy lợi phải bảo đảm cấp nước cho tối thiểu 3,2 triệu ha đất lúa, ngoài ra còn cấp nước cho các loại cây trồng khác và cho nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Derek Byerlee, các nền kinh tế đang chuyển đổi, bao gồm Việt Nam, phải chuyển từ cách mạng xanh sang một nền nông nghiệp mới có giá trị cao và giảm nghèo. Nền nông nghiệp hiện nay với các biện pháp canh tác đang phá vỡ, huy hoại đất canh tác. Các nhà nông học cho rằng với khoa học phát triển thì con người sẽ không thể rơi vào nạn thiếu lương thực. Con người sẽ được cung cấp đầy đủ các sản phẩm nông nghiệp với chất lượng cao bởi áp dụng khoa học & công nghệ trong nông nghiệp. Từ nền nông nghiệp truyền thống như hiện nay chúng ta hướng tới nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp công nghệ cao. Khi các nhà nghiên cứu nông nghiệp Hà lan thử nghiệm nông nghiệp “canh tác trong nhà ” họ đã đưa khái niệm trồng  cây  trong nhà kính lên một bước cao hơn với sự chủ động hoàn toàn các điều kiện tự nhiên. Kết quả cho thấy nhịp độ tăng trưởng của cây trồng nhanh hơn gấp 3 lần và nhu cầu nước giảm 3/4 (ví dụ như cây cà chua)

1.4. Thủy lợi và môi trường trong xây dựng nông thôn mới

 Nông thôn Việt nam trong nhiều năm chuyển đổi nền kinh tế đã có ít nhiều chuyển biến trong đời sống kinh tế của người nông dân. Tuy vậy sự phát triển của nông thôn Việt nam gần như không được quản lý và theo hướng tự phát. “ Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch” là đánh giá khi xây dựng nghị quyết 26-NQ/TW về nông nhiệp, nông dân, nông thôn. Kiến trúc cảnh quan nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng không còn nhiều kiến trúc đặc trưng truyền thống của vùng đồng bằng. Hệ sinh thái lúa nước bị suy giảm và gần như mất hẳn do canh tác dựa vào phân hóa học và thuốc trừ sâu. Ruộng đất manh mún khó thể áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất lúa, hạn chế sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Thủy lợi nội đồng ở nhiều nơi phát triển chậm, khó đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi  nông nghiệp trong thời gian tới. Như Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang nhận định : “Hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ cho sản xuất lúa là rất quan trọng,..”. [5].

“Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới” và nội dung của tiêu  chí mới nói lên được cái khung của nông thôn mới, cái mà để có thể gọi được là nông thôn mới cho một xã, huyện nào đó. Mục tiêu tổng quát được nêu rõ trong nghị quyết 26-NQ/TW “…Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài...” [2].. Bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan, tuy vậy xây dựng nông thôn mới còn nhiều ý kiến khác nhau.

Nhật Bản, Đài Loan và Hàn quốc đã đạt được một mức độ rất cao trong phát triển nông thôn chủ yếu nhờ quá trình thay đổi cấu trúc trong suốt những năm 50 cho đến cuối những năm 70. Phát triển nông nghiệp đóng vai trò qua trọng trong phát triển nông thôn trong các nền kinh tế này. Tại Đài Loan, phát triển nông nghiệp đóng góp vốn, lao động và doanh thu chính phủ chi phát triển các lĩnh vực khác… Tại Hàn Quốc, sự cải thiện trong năng suất nông nghiệp cho phép người nông dân tăng thu nhập bản thân họ; Để đạt được điều đó là có nhiều yếu tố, đặc biệt là chính sách đúng đắn của chính phủ cũng như đóng góp của khoa học công nghệ vào quá trình xây dựng nông thôn

Cấp nước và môi trường nông thôn.  Theo kết quả nghiên cứu mới nhất được trình bầy tại Hội nghị quốc tế các mạng lưới nước ở Ottawa, Canada., đến năm 2020, thế giới sẽ chi 1.000 tỉ USD cho nước sạch; nhu cầu nước ngọt trên toàn cầu đến năm 2030 sẽ vượt 40% .

Tại hội nghị tổng kết chương trình quốc gia giai đoạn 2006-2010 đánh giá “Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng một số mục tiêu của Chương trình còn chưa đạt, nhất là các mục tiêu vệ sinh môi trường nông thôn. Đã có khoảng 11,5 triệu hộ gia đình có nhà tiêu, trung bình tăng 2%/năm, nâng tỷ lệ số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 50% cuối năm 2005 lên 60% cuối năm 2010. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn 10% so với mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, vệ sinh môi trường nông thôn đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn đang ngày càng gia tăng, việc thu gom rác thải, nước sinh hoạt còn chưa được quan tâm đúng mức.”

II. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU CHO LĨNH VỰC NƯỚC VÀ MÔI TRƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN TỚI

2.1. Đổi mới cách tiếp cận trong nghiên cứu

Thay đổi phương pháp nghiên cứu cơ bản, truyền thống trong lĩnh vực tưới tiêu: Nghiên cứu cơ bản trong tưới tiêu và môi trường đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu. Các phương pháp nghiên cứu truyền thống không còn phù hợp khi nông nghiệp thay đổi phương thức canh tác. Tưới như thế nào khi cây trồng được trồng trong giá thể với các loại vật liệu làm giá thể khác nhau thay cho đất; khi phân bón cho cây trồng được cung cấp qua hệ thống tưới thay vì bón trực tiếp. Các chỉ tiêu thiết kế phục vụ bố trí hệ thống tưới, thiết bị tưới, chế độ tưới cần nghiên cứu để đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, nông nghiệp công nghệ cao, “nông nghiệp trong nhà” trong tương lai.

Ứng dụng máy tính, các phần mềm tính toán, mô phỏng trong quá trình nghiên cứu; Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin tạo điều kiện phát triển (áp dụng và viết mới) các phần mềm mô phỏng các thí nghiệm thay thế cho thí nghiệm đồng ruộng. Điều này giúp các nhà nghiên cứu có thể đưa ra được nhiều xử lý trong một thí nghiệm mà không tốn thời gian và không gian, cho kết quả chính xác hơn. Cơ sở thí nghiệm, các thiết bị đo đạc cần được xây dựng, đổi mới để đáp ứng các nghiên cứu mới và nâng cao độ chính xác của các thí nghiệm.

Sẽ phù hợp hơn khi nghiên cứu về ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn  mới áp dụng phương pháp tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng và hướng vào cộng đồng. Phát triển và áp dụng các phương pháp điều tra, đánh giá, phân tích trong nghiên cứu đối với lĩnh vực này. Nghiên cứu phục vụ xây dựng nông thôn mới cần tiếp cận nghiên cứu một cách hệ thống và đồng bộ và phải xét đến tính thực tiễn, hiệu quả kính tế của các sản phẩm trình diễn.

Chuyển dần tỷ trọng các đề tài nghiên cứu theo đặt hàng của Nhà nước sang nghiên cứu phục vụ các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, các trang trại. Phối hợp với các cơ sở sản xuất, ứng dụng, trình diễn các kết quả nghiên cứu. Nâng tỷ trọng tư vấn chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ so với làm tư vấn thuần túy trên cơ sở nghiên cứu làm chủ một số công nghệ mới phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống.

Công tác dự báo về phát triển khoa học công nghệ, dự báo về chuyến đổi sản xuất, nhu cầu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực nghiên cứu có liên quan chiếm một ví trí quan trọng trong định hướng nghiên cứu. Sự coi nhẹ công tác dự báo sẽ dẫn đến các sản phấm nghiên cứu lạc hậu, thậm chí tốn kém về tài chính, nhất là khi thực hiện 115, chúng ta thực sự bước vào thị trường khoa học công nghệ.

Trên tất cả, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu và tác phong trong nghiên cứu. Các chuẩn mực, yêu cầu đối cán bộ nghiên cứu cần được áp dụng như trình độ ngoại ngữ, bài báo khoa học,v.v. Và cuối cùng đó là môi trường nghiên cứu, làm thế nào để một cán bộ khoa học phát huy được khả năng sáng tạo của mình. 

2.2   Một số định hướng nghiên cứu

Nghiên cứu lĩnh vực tài nguyên nước và biến đổi khí hậu

Nghiên cứu tài nguyên nước và thực thi quản lý tài nguyên nước cần dựa vào các nguyên tắc của “ Quản lý tổng hợp tài nguyên nước” đã được phố biến rộng khắp trên thế giới và Việt nam.  Hướng tới nghiên cứu bảo đảm chức năng của hệ thống tài nguyên nước gồm: Chức năng môi trường: nạp nước cho đất ngập nước và tầng nước ngầm, tăng dòng chảy mùa khô, phân hủy chất thải, v.v;  Chức năng sinh thái: cung cấp độ ẩm cho thảm thực vật, cung cấp môi trường sống cho cá, thực vật thủy sinh và động vật hoang dã, hỗ trợ đa dạng sinh học, v.v; Các chức năng kinh tế xã hội: cung cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, tạo điều kiện cho giao thông thuỷ, du lịch và giải trí, v.v [ 5].

Trong báo cáo “Nghiên cứu tổng quan về phát triển nước cho khu vực châu Á -2007” đã nhấn mạnh, phần lớn các vấn đề về nước tại châu Á không phải là sự thiếu hụt trước mắt, mà là hệ quả của quá trình quản lý nguồn nước yếu kém. Vì vậy, cần tập trung nghiên cứu giải quyết vấn đề bằng các chính sách và công tác quản lý một cách hiệu quả.

Ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường trong khai thác tài nguyên nước, đặc biệt là tài nguyên nước ngầm. Các giải pháp thu trữ nước đã được nhiều nước nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi, được quốc tế đánh giá là mang lại hiệu quả phòng chống hạn hán rất cao, nhiều nước – đặc biệt là các nước châu Phi, vùng Tây và Nam Á - coi đây là công cụ chiến lược để đối phó với hạn hán và sa mạc hoá. Viện nước tưới tiêu môi trường đã nghiên cứu thành công các giải pháp thu trữ nước, cần được tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi.

Ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm: nhận thức đầy đủ về biến đổi khí hậu, nghiên cứu các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính ( nghiên cứu các biện pháp giảm phát thải khi Metan trên ruộng lúa là một ví dụ ); Nghiên cứu các biện pháp thích ứng với biến đối khí hậu và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển các phương pháp dự báo ( dự báo hạn,dự báo nhu cầu nước..), phương pháp đánh giá, quan trắc trong nghiên cứu biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn số liệu quan trắc được về tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệpvà tài nguyên nước cón quá ít nếu không nói là không có. Việc nắm được quy luật diễn biến của tác động biến đổi khí hậu lên các đối tượng trong nông nghiệp và tình trạng thiệt hại của nó giúp ta có được các biện pháp ứng phó hữu hiệu. Việc này chỉ thực hiện được khi có được một vùng đất đai nông nghiệp, nơi được coi bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, với diện tích đủ lớn đáp ứng nhu cầu quan trắc.

Nông nghiệp bị tác động nhiều nhất, trong đó người nông dân, sinh kế của họ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu hướng vào cộng động giúp họ ứng phó một cách hữu hiệu là rất cần thiết. Song song với nó là phát triển các phương pháp, kỹ năng làm việc với cộng đồng, chú trọng đến sự tham gia của cộng đồng và vai trò của giới.

Tưới, tiêu và quản lý tưới

FAO luôn chú trọng đến quản lý tưới. Hiện nay chúng ta đang từng bước nâng cấp, hiện đại hóa công trình thủy lợi. Mục tiêu của ứng dụng KHCN tiên tiến hiện đại hoá thuỷ lợi là nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực và hiệu quả phân phối nước tới mặt ruộng” (FAO, 1997). [7].  Theo Burt and Styles (1999), hiện đại hóa hệ thống thủy lợi là một quá trình thay đổi phương thức phân phối nước. Nâng cấp hệ thống chuyển nước từ kênh hở thành hệ thống đường ống nhằm giảm thiểu tồn thất và tăng hiệu quả phân phối nước; Nâng cấp hệ thống tưới mặt ruộng từ tưới rãnh, tưới thủ công thành tưới phun mưa hoặc tưới nhỏ giọt; Nâng cấp và bổ sung các hạng mục công trình phục vụ công tác quản lý và điều tiết nước: các cống điều tiết, các công trình đong đo nước; Nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng là những vấn đề cần thiết cho hiện đại hóa hệ thống tưới.

Phát triển hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tưới, phương pháp đánh giá, nghiên cứu xác định chỉ tiêu hiệu quả cấp nước và hiệu quả sử dụng nước cho từng nhóm công trình có điều kiện khác nhau. Nghiên cứu, phát triển thiết bị đo, quan trắc trên hệ thống tưới; Áp dụng công nghệ mới như công nghệ tự động hoá, hệ thống thông tin địa lý là một nhu cầu cần thiết khi chúng ta muốn quản lý nước hiệu quả.

Nghiên cứu tưới cần hướng vào phục vụ nền nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao. Việc trồng cây trong nhà kính, nông nghiệp “canh tác trong  nhà ” đang dần phá vỡ các quan niệm, thiết kế truyền thống về hệ thống tưới tiêu cả về bố trí hệ thống, thiết bị và chế độ tưới v.v.v. Bất cứ một người làm công tác nghiên cứu tưới tiêu nào đều biết, các thiết bị tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, tưới ngầm của Israen và một số nước khác, kể cả sản xuất trong nước phát triển và  áp dụng ở Việt nam rất hạn chế. Những gì khiến các thiết bị này không phát triển được ở Việt nam trong khi nhu cầu tiết kiệm nước đang đặt ra?

Song song với nghiên cứu tưới là nghiên cứu tiêu nước. Yêu cầu tiêu nước hiện nay khác xa rất nhiều với những năm cuối thế kỷ hai mươi; nghiên cứu tiêu cho lúa và cây rau màu trong điều kiện biến đổi khí hậu, tiêu nước ven đô, tiêu nước cho đô thị, tiêu vùng triều ảnh hưởng nước biển dâng.

Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn

Cách tiếp cận trong khi thực thi quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu. Các giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới hướng vào nghiên cứu:

- Các giải pháp quy hoạch nông thôn, kiến trúc, xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có hạ tầng thủy lợi phục vụ nông nghiệp

- Bảo vệ môi trường cảnh quan; các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn

- Thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội nông thôn.

- Các giải pháp xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Xây dựng mô hình trình diễn, dựa trên các kết quả nghiên cứu

Ứng dụng các công nghệ phù hợp trong xây dựng và kiên cố các hệ thống cấp nước ở các vùng chịu nhiều thiên tai bão lũ nhằm tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với điều kiện khí hậu biến đổi. Tiếp tục nghiên cứu giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nguồn nước do sự xâm nhập mặn, do chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, hoá chất sử dụng trong nông nghiệp. Phương pháp, công nghệ xử lý rác thải, nước thải tập trung ở nông thôn, đặc biệt là vùng làng nghề đang là vấn đề bức xúc. Quản lý bền vững công trình cấp nước tập trung sau xây dựng còn yếu; Tổ chức quản lý như thế nào, nguồn kinh phí cho duy trì quản lý, khai thác, tu sửa đang đặt ra cần giải quyết.

Chúng ta đang sống trong một thế giới năng động và đầy biến động, “ thế giới giới phẳng ” [8]. Tư duy sáng tạo là yếu tố cần thiết cho bất cứ ai, nhưng đặc biệt đối với các nhà khoa học. Nắm bắt được thông tin của lĩnh vực mình quan tâm sẽ có cơ sở để sáng tạo và như vậy sẽ có một định hướng đúng. Những điều trên đây hy vọng trao đổi, góp them ý kiến nhằm phát triển hơn nữa cho lĩnh vực nghiên cứu nước và môi trường

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1].     Báo Nông Nghiệp Việt Nam số 80 (2926) ngày 21/4/2008

[2].     Nghị quyết 26 –NQ/TW “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”

[3].     Quyết định sô 491/QĐ –TTg  “ Về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới”

[4].     vietnamnet.vn.

[5].     Conflict  resolution and negotiation skills for intergreted water resources management

[6].     FAO 1997. Modernization of Irrigation Schemes: Past Experiences and Future Options.

[7].     FAO 2002 - World  Agriculture: toward 2015/2030- Summary Report

[8].     Thomas Friedman – Thế giới phảng; NXB trẻ 2008

[9].     UN water, 2008 – Status report on Intergrated Water resources  Management and Water efficiency Plans


Tác giả: PGS.TS. Hà Lương Thuần
Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường

Tạp chí KH&CN Thủy lợi

Ý kiến góp ý: