TextBody
Huy chương 2

Doanh nghiệp Việt Nam cam kết đối phó với biến đổi khí hậu

08/11/2011

Ngày 7/11, tại TP Hồ Chí Minh, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Việt Nam và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt Diễn đàn doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long nhằm khuyến khích khối doanh nghiệp phát huy sáng kiến ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. 

Khoảng 100 doanh nghiệp và chuyên gia về biến đổi khí hậu tham dự buổi lễ nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất trong quá trình giảm lượng năng lượng tiêu thụ và đạt tính bền vững trong hoạt động của mình.

Các thành viên đã chia sẻ kinh nghiệm về những sáng kiến thân thiện với môi trường, ủng hộ phát triển bền vững và giảm lượng khí thải cac-bo-nic (CO2), đồng thời cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động cụ thể với sự hỗ trợ của các chuyên gia về biến đổi khí hậu.

“Mực nước biển dâng cao, xâm nhập mặn và hiện tượng thay đổi dòng chảy trên sông Cửu Long gây ra những tác động tiêu cực tới đời sống của 18 triệu người dân sống ở vùng đồng bằng này. Chúng tôi kêu gọi khối doanh nghiệp, một trong những tác nhân góp phần gây ra biến đổi khí hậu, tham gia cuộc chiến chống lại hiện tượng này”, ông Hoàng Việt, điều phối viên dự án, WWF-Việt Nam chia sẻ.

Sông Cửu Long là một trong những hệ thống sông có sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Hiện có hơn 1.300 loài cá nước ngọt đang sinh sống nơi đây, 4 trong số này thuộc 10 loài cá nước ngọt lớn nhất (đáng lưu ý là loài cá tra dầu sông Cửu Long đặc hữu, hiện được xếp vào tình trạng nguy cấp).

Ngoài ra, đây cũng là một trong số những khu vực có năng suất cá nước ngọt cao nhất của thế giới, có tính quyết định tới nền kinh tế của các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê Kông bao gồm Cam-pu-chia, Trung Quốc, Lào, My-an-ma, Thái Lan và Việt Nam.

Những nghiên cứu gần đây đã ghi nhận những thay đổi khí hậu rõ rệt ở khu vực này. Các mô hình chỉ ra rằng nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng cùng với sự gia tăng của những hình thái khí hậu cực đoan với mức độ thường xuyên hơn. Mực nước biển tăng cao và hiện tượng xâm nhập mặn sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn tới dải bờ biển, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vốn được cho là một trong ba khu vực đồng bằng dễ bị tổn thương nhất trên trái đất.

Khối doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên và góp một lượng lớn khí thải cac-bon-nic. Chính vì vậy, doanh nghiệp có thể thể hiện vai trò của một đối tác quan trọng trong việc chủ động đối phó với biến đổi khí hậu và hướng tới một nền kinh tế phát thải cac-bon thấp tại đồng bằng sông Cửu Long.

Tại diễn đàn, Tiến sĩ Henning Plate, Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho biết: “Biến đổi khí hậu và tác động của nó đang là chủ đề chính cho chính sách đối ngoại của Đức. Việt Nam, với đặc điểm địa lý đặc biệt, nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới bởi hiện tượng biến đối khí hậu. Bên cạnh đó, nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư trong và ngoài nước mỗi năm. Bằng việc cho ra mắt và tài trợ cho diễn đàn, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội muốn khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân giữ vai trò đi đầu trong việc giảm rủi ro và chi phí của biến đổi khí hậu.”

Doanh nghiệp tham gia diễn đàn có thể tham dự vào một loạt các hoạt động giáo dục môi trường như trồng rừng ngập mặn, thăm những điểm nóng sinh thái cũng như những khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Hơn nữa, họ cũng được khuyến khích tìm hiểu và tham gia vào các ý tưởng của WWF về vấn đề thích nghi và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, ví dụ như chương trình giờ Trái đất, văn phòng xanh, bảo vệ khí hậu, trại khí hậu và diễn đàn bảo tồn Đồng bằng sông Cửu Long....

Theo dangcongsan.vn

Ý kiến góp ý: