TextBody
Huy chương 2

Đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng khu vực miền Trung: Chưa có kịch bản quy hoạch thuỷ lợi

03/03/2011

Năm nào cũng vậy, đến mùa mưa người dân miền Trung lại lo đối phó với lũ lụt. Nhằm giúp đồng bào miền Trung ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra, các chuyên gia đầu ngành thủy lợi đều cho rằng, cần một quy hoạch tổng thể về thủy lợi trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng riêng cho khu vực miền Trung.

Quy hoạch luôn chậm
Thống kê của Viện Quy hoạch thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, trong vòng 10 năm (1998-2008) tại các tỉnh Bắc Trung bộ, bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 1.090 người và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đặc biệt, năm 2010, lũ lụt bất thường xảy ra tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình làm 111 người chết, 17 người mất tích, 357.076 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng nặng, thiệt hại về kinh tế nặng nề. Ngoài thiệt hại do lũ bão gây nên, người dân ở khu vực Bắc Trung bộ phải hứng chịu gió cát, gió khô nóng và hạn hán trên diện rộng. Riêng năm 2010, hơn 30.000ha vụ Đông Xuân của tỉnh Thanh Hóa bị khô hạn trắng đất, Nghệ An 20.000ha, Hà Tĩnh 12.000ha và hàng trăm hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước chết.

Đối với các lưu vực cửa sông, vào mùa khô, nước mặn ảnh hưởng sâu từ 20-40km gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. BĐKH cũng làm các tỉnh thuộc Nam Trung bộ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng, do địa hình đồi núi dốc, thấp dần từ Tây sang Đông, lại bị chia cắt bởi triền núi dãy Trường Sơn vươn ra biển, mặt khác do lượng mưa phân bố không đều trong năm đã gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa, hạn hán kéo dài vào mùa khô gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Theo kịch bản về BĐKH, nước biển dâng do Bộ Tài nguyên- Môi trường xây dựng năm 2010, khu vực Bắc Trung bộ nhiệt độ trung bình/năm tăng từ 1,9oC, mưa có xu thế giảm trong mùa khô tới 13% và tăng trong mùa mưa từ 12-10% làm cho nguồn nước bị khủng hoảng đây là nguyên nhân gây thêm tình trạng hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng ở những vùng xung quanh các lưu vực sông. Cùng với lượng mưa biến đổi thất thường sẽ là tình trạng nước biển dâng dự báo sẽ tăng từ 28-33cm vào năm 2050, 42-57cm vào năm 2070 và 65-100cm vào cuối thế kỉ 21 và có tác động mạnh đến các hoạt động tưới tiêu, chống lũ của các lưu vực sông. Vấn đề ở chỗ tại thời điểm này, hầu hết các quy hoạch vùng, quy hoạch lưu vực sông đã lập tại khu vực miền Trung đều chưa xét đến yếu tố BĐKH và nước biển dâng. Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ứng phó, hậu quả sẽ khốc liệt hơn nhiều.

Về vấn đề ứng phó với BĐKH, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cũng thừa nhận: ngành nông nghiệp có lỗi khi chậm hoàn thành kịch bản quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng. Tuy nhiên, đây là một vấn đề lớn, phức tạp, đòi hỏi phải nghiên cứu từ nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau từ thực tiễn.
 
Đối phó với BĐKH, giải pháp nào?
Theo các nhà khoa học, dự báo, đến năm 2050, khoảng 81.110ha thuộc các lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Bến Hải, Thạch Hãn, Ô Lâu, sông Hương và các vùng phụ cận sẽ bị nước biển xâm mặn. Về mùa khô, dòng chảy trên các nhánh sông, suối sẽ bị suy giảm từ 5% đến 17%; khoảng 3.000 hồ đập nhỏ sẽ có khả năng điều tiết kém, ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất và sinh hoạt; tần suất các cơn bão cũng nhiều hơn, nhiều vùng phải chuyển sang tiêu nước bằng động lực.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi và Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, cần một nguồn vốn khoảng 269 nghìn tỷ đồng, trong đó, khu vực Bắc Trung bộ là 109 nghìn tỷ đồng, Nam Trung bộ 160 nghìn tỷ đồng để thực hiện Quy hoạch tổng thể thủy lợi miền Trung trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng đến năm 2050.
Theo các nhà khoa học, để đối phó với BĐKH và nước biển dâng, ngoài các giải pháp xây dựng những công trình để giảm nhẹ thiên tai, ngăn mặn, trữ ngọt, các địa phương cần phổ biến kiến thức về BĐKH, nâng cao tính thích ứng của người dân với các tác động của BĐKH. Mặt khác, cần tập trung tăng độ che phủ rừng đầu nguồn, trồng cây chắn sóng khu vực cửa sông, ven biển; xây dựng các khu vực tránh thiên tai; đồng thời triển khai các chương trình nghiên cứu chuyển giao kỹ năng sản xuất phù hợp, thích ứng với BĐKH như: canh tác lúa ở vùng nhiễm mặn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi... Thứ trưởng Đào Xuân Học cho rằng: mấu chốt của vấn đề là phải giải được bài toán hạn hán, đẩy mặn, giảm lũ trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng, nhưng rõ ràng quy hoạch tổng thể để đối phó với BĐKH, nước biển dâng cần đi trước một bước mới hy vọng giảm nhẹ thiên tai cho miền Trung trong tương lai.
Theo Đại Đoàn Kết

 

Ý kiến góp ý: