TextBody
Huy chương 2

Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực phòng chống sạt lở bờ sông và bờ biển

11/10/2012

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hai do sạt lở bờ sông, bờ biển, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức phòng ngừa và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển

Các tỉnh tổ chức quan trắc, cảnh báo vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở cao, lập phương án di dời hàng ngàn căn nhà, công trình ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, không quy hoạch; xây dựng mới công trình dân dụng hoặc bố trí dân cư ở những vùng có nguy cơ sạt lở.

Các tỉnh đẩy mạnh kiểm tra, ngăn chặn nạn khai thác cát, xây dựng công trình, nhà cửa hoặc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trái phép, sai phép, làm ảnh hưởng hoặc gây sạt lở bờ sông, bờ biển; vận động người dân trồng cây chắn sóng, trồng cỏ mái bờ sông, bờ biển để hạn chế sạt lở, đồng thời áp dụng công nghệ mới xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, áp dụng biện pháp xây dựng kè phòng, chống sạt lở trong các trường hợp không thực hiện được biện pháp phi công trình, hoặc có thể thực hiện được nhưng không đảm bảo hiệu quả.

Tỉnh Cần Thơ đã quy hoạch di dời dân cư sống ven sông, phấn đấu đến năm 2015 có 40% số hộ dân sống ven sông vào sống ổn định tại những khu đô thị mới. Đến năm 2030, khoảng 80% và đến năm 2050 toàn địa bàn không còn nhà sàn ven sông.

Cần Thơ còn triển khai xây dựng 24 công trình kè chống sạt lở trên sông, kênh, rạch. Tỉnh An Giang có kế hoạch chỉnh trị lòng sông qua thành phố Long Xuyên; trong đó dùng biện pháp công trình giảm lưu lượng vào nhánh qua thành phố, tăng lưu lượng qua nhánh trái Cù lao ông Hổ, ổn định tỷ lệ phân lưu hợp lý, tăng quy mô khai thác cát và nạo vét lòng sông ở nhánh trái Cù lao ông Hổ để chuyển khoảng 6% lưu lượng từ nhánh phải qua nhánh trái, giảm xói lở cho thành phố Long Xuyên.

Tỉnh Hậu Giang chuẩn bị di dời khoảng 80 hộ dân với trên 400 nhân khẩu ở khu vực đường Trần Hưng Đạo-Lê Lợi (thị xã Ngã Bảy), xây dựng bờ kè dọc sông Cái Côn, xây dựng ba cụm dân cư để chuyển những hộ dân nằm trong khu vực sạt lở vào sinh sống.

Về lâu dài, các tỉnh nâng cấp, xây dựng mới 618km đê biển và 741km đê cửa sông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo tiêu chuẩn: chiều rộng đê 6m để kết hợp giao thông, mái trong 2-3m, mái ngoài 3-4m, lưu không 10m phía Đông và 50m phía biển; bên ngoài đê là rừng phòng hộ để bảo vệ và giảm sóng. Chiều dài đê cửa sông là 30km cho sông lớn và 10-15km cho các sông nhỏ. Các công trình dưới đê được xây dựng vừa bảo đảm phòng chống thiên tai, vừa bảo đảm kiểm soát mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn, thoát lũ, nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy và các nhu cầu khác, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, ổn định sản xuất và phát triển kinh tế-xã hội.

Tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại không nhỏ tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đoạn đê biển đi qua huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân của Cà Mau và huyện Hòn Đất của Kiên Giang, thuộc tuyến biển Tây, dài khoảng 260km kéo dài từ Cà Mau đến Kiên Giang hiện bị xói lở nghiêm trọng. Đoạn đê ở rạch Tiểu Dừa thuộc huyện U Minh, Cà Mau, bị sạt lở gần 200m.

Đê tại các cửa biển Hương Mai của huyện U Minh, Cà Mau; cửa Đá Bạc, Sông Đốc thuộc huyện Trần Văn Thời, Cà Mau; cửa Cái Cám của huyện Phú Tân, Cà Mau sạt lở mỗi nơi trên dưới 150m, ăn sâu vào chân đê.

Tại tỉnh Cà Mau, có tới 19 điểm đê biển sạt lở, tổng chiều dài hơn 2.500m. Đê biển tỉnh Sóc Trăng dài 72km nhưng nước biển đã “nuốt chửng” nhiều đoạn thuộc các huyện Vĩnh Châu, Cù Lao Dung. Ở tỉnh Bạc Liêu, đê biển dài 56km nhưng chỉ chịu được bão cấp 9.

Tuyến đê phòng hộ ven biển Kiên Giang dài gần 100km (từ huyện An Minh đến huyện Kiên Lương) có trên 60 điểm bị sạt lở; t rong đó tuyến đê đi qua các xã Tây Yên, Vân Khánh (huyện An Biên), xã Thổ Sơn, Bình Sơn, Bình Giang (huyện Hòn Đất) bị đứt đoạn nhiều nhất với trên 20 đoạn. Có nơi đoạn đê bị đứt rộng từ 6 đến 10m.

Hiện có gần 150 đoạn bờ sông thuộc 10 tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu với diện tích hàng trăm ngàn mét vuông có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào, hàng ngàn hộ sống trong khu vực nguy hiểm cần được di dời. Nghiêm trọng nhất là tại An Giang, thời gian qua, hàng trăm hecta đất đã bị nước nhấn chìm.

Chỉ một xã Vĩnh Hòa (huyện Tân Châu) đã có 40ha đất bị sạt lở; trong đó ấp Vĩnh An bị lở hoàn toàn. Mới đây, một đợt sạt lở lớn làm sụt 130m bờ sông Tiền ở xã Phú An (huyện Phú Tân), làm sụp đổ 16 căn nhà.

Tại Cần Thơ, đến nay đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở làm chết bốn người, bị thương năm người, hàng chục nhà dân bị sụp xuống sông, nhiều công trình công cộng lớn bị hỏng nặng.

Tỉnh Bến Tre có 18 điểm sạt lở lớn, chủ yếu nằm trên các tuyến sông Cửa Đại, Cổ Chiên, Hàm Luông; 5/6 cồn của tỉnh đang bị sạt lở nghiêm trọng với khoảng 3.500 hộ dân có nguy cơ mất nhà hoặc bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng cồn Bùn, cồn Kiến thuộc xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) đã gần bị xóa sổ làm cho gần 200 hộ phải tìm đất mới sinh sống.

Theo TTXVN

Ý kiến góp ý: